Bố theo người đàn bà khác, mẹ...bỏ con bơ vơ
Chúng tôi mở cửa túp lều ấy vào lúc 2 giờ chiều, khói xông ra cay mắt, mùi hôi hám, ẩm mốc xộc vào mũi không thể chịu được. Các loại quần áo sạch bẩn, ướt khô vắt chung la liệt trên sợi kẽm treo sát vách. Tấm bạt ai đó buộc giúp trên trần nhà không đủ sức chống đỡ mấy tấm tôn dột nát, giờ thành chiếc túi nước căng tròn chỉ chực rơi xuống.
Bên dưới túi nước ấy, trên tấm gỗ kê làm giường cũng bừa bộn quần áo, chăn màn và cả giẻ lau, bát đũa. Từ trong bóng tối, ba cặp mắt trẻ thơ nhìn lên ngơ ngác, rồi nhanh chóng mặc kệ chúng tôi để tiếp tục cắm mặt vào hai chiếc nồi xì xụp.
Bữa trưa vào lúc nửa chiều, chỉ có món bắp cải (không biết xào hay canh) được nấu với muối và nước lã, cơm thì trên khê dưới cháy. Nhưng ba anh em Đàm Văn Hảo (12 tuổi), Đàm Thị Đào (10 tuổi), Đàm Ngọc Chí (9 tuổi) vẫn ăn rất ngon lành, có lẽ vì quá đói.
Ba anh em Hảo vẫn hồn nhiên đùa nghịch, chưa ý thức được hết nỗi bất hạnh bị bố mẹ bỏ rơi
Thầy Lê Văn Tám - Chủ tịch Công đoàn Trường tiểu học Hà Huy Tập là "tổ trưởng tổ bảo mẫu", các "tổ viên" là ba giáo viên chủ nhiệm của ba em. Tổ này có trách nhiệm quản lý số tiền ít ỏi do các nhà hảo tâm, nhà chùa hỗ trợ và hàng ngày thay nhau mua thức ăn cho các em, nhắc nhở các em từ vệ sinh cá nhân đến giờ giấc sinh hoạt.
Nhìn cảnh ngộ của ba anh em, không ít người tự hỏi bố mẹ của chúng là ai và ở đâu? Bố mẹ chúng vẫn sống, vẫn khỏe mạnh, chỉ thiếu lương tâm và trách nhiệm với những đứa con mà chính họ đã dứt ruột đẻ ra.
Bà Đặng Thị Ninh - Phó chủ tịch UBND xã Đắk N'đrót - cho biết bố của ba đứa trẻ - anh Đàm Văn Bẩy (SN 1978) cách đây 4-5 năm đã yêu một phụ nữ trẻ người M'Nông ở khu vực dốc Đỏ, đồi Yên Ngựa, từ xã vào đó cách 20 cây số đường rừng.
Vợ của anh Bẩy là chị Ngô Thị Cam nén hờn ghen để cố gắng làm lụng nuôi con. Cho đến một hôm, ba đứa trẻ thức dậy và không nhìn thấy mẹ đâu nữa. Cứ như vậy qua hết năm này tới năm khác, chúng sống côi cút không có bố mẹ ở bên.
Đến một ngày sau khi chị Cam bỏ đi, anh Bẩy quay về bán luôn căn nhà 134 (nhà chính sách cấp cho hộ nghèo), đẩy ba đứa con vào cảnh màn trời chiếu đất. Thế là đứa ăn nhờ nhà nọ, đứa ở đợ nhà kia, có đứa chui cửa sổ vào trường học ngủ quên cho đến tận giờ học hôm sau mới thức dậy đi kiếm ăn.
Đến khi người ta nói "điếc cả tai", người cháu gọi bằng chú ruột cho mượn miếng đất, anh Bẩy mới về dựng lên cái lều tôn - ván cho ba đứa chui vào. Nói hơi quá, cái lều cũng không hơn cái chuồng trâu là mấy. Ở Tây Bắc, vào mùa chống rét cho trâu, cái chuồng trâu của đồng bào có khi còn khô ráo hơn nhiều!
Ký giấy đưa con vào trại mồ côi
Không có mẹ, ba anh em phải quen dần với sự thiếu thốn mọi bề. Đói thổi cơm, luộc củ, hái rau, chẳng kể gì sống chín. Hết lại đi xin, xin từ họ hàng, lối xóm, xin ra đến chợ, nhẵn mặt khắp xã để kiếm miếng ăn từ chút lòng thương hại của người đời.
Đêm về anh em ôm nhau ngủ, đứa lớn kể chuyện đứa bé nghe, chuyện những ngày còn bố mẹ, sung sướng như thần tiên. Đàm Ngọc Chí là em út nên có "những ngày thần tiên" ít nhất, luôn tỏ ra ganh tị mỗi khi anh trai, chị gái tranh nhau kể chuyện.
Chí kể: "Có đêm cháu nằm mơ thấy mẹ, mừng quá cháu khóc ướt cả gối. Tỉnh ngủ cháu lại khóc, vì cháu đang mơ gặp mẹ mà chị Đào đánh thức". Nghe chuyện Đào chen ngang: "Cứ nói thế, có nhớ mặt mũi mẹ đâu mà mơ". Anh cả Đàm Văn Hảo cũng bảo, nhớ mẹ thì chúng cháu nhớ lắm, nhưng gương mặt mẹ thế nào bây giờ chúng cháu không nhớ rõ. Nói rồi Hảo lôi ra khoe tấm ảnh đóng khung chụp bốn mẹ con trước vườn hoa, bên một tòa nhà đẹp, mặt mũi áo quần ai cũng đẹp.
Nhưng thầy Tám bảo không phải đâu, thợ ảnh ở trên huyện về chụp mỗi cái mặt, còn trang phục, hậu cảnh là họ tự ghép vào, đến gương mặt cũng chẳng thật đâu. Hảo ngẩn ngơ nuối tiếc, may mà còn nhớ mặt bố.
Người ta bảo, "bố chúng mày đi theo mẹ hai ở trong đồi Yên Ngựa, vào đó mà tìm đi". Thế là ba anh em băng rừng vượt suối, đi gần hết một ngày đường, đến lúc bụng đói chân run, chập choạng tối thì tìm thấy bố thật. Mẹ hai bảo tối rồi thì cho ở lại, nhưng ngày mai phải biến về, ở đây không có cơm.
Sáng hôm sau, ông bố lùa cả ba đứa con ra rẫy, bảo cứ ở đây làm với bố rồi ăn cơm. Mẹ hai biết được ra đuổi về, ông bố chỉ nói được mỗi câu "thì ở đây cũng được chứ sao" rồi bất lực nhìn ba núm ruột của mình lủi thủi khuất dần xuống chân đồi.
Đôi ba tháng, anh Bẩy đi huyện tạt qua nhà, có lúc gặp con, có khi chẳng cần gặp, chỉ để lại một can vơi mỡ nước loại 2 lít rồi đi vội về phía có thứ hạnh phúc ích kỷ của mình. Lần nào về anh Bẩy cũng vét thực phẩm, tiền mặt người ta cho các cháu, do vậy các thầy giáo chỉ mua đủ dùng chứ không dám để nhiều.
Trường tiểu học Hà Huy Tập đang tưng bừng vào năm học mới, nhưng ba anh em Hảo không chuẩn bị như mọi năm, thầy Tám bảo năm nay lên trại mồ côi rồi. Thật chua xót, mồ côi là mất bố hoặc mẹ, hoặc mất cả bố mẹ. Đằng này mẹ bỏ đi biệt tích đã đành, nhưng ông bố còn khỏe mạnh sờ sờ thế kia.
Chị Đặng Thị Ninh - Phó chủ tịch UBND xã - cho biết, địa phương không có kinh phí, chỉ ưu tiên cho các cháu mỗi khi cứu trợ đột xuất như mất mùa, lũ lụt, quà tết... Các cháu sống nhờ lòng tốt của doanh nghiệp, cá nhân là chính nhưng khoản này cũng không thường xuyên, gần nửa năm nay không ai cho.
Theo sổ sách do công đoàn nhà trường quản lý, tiền ủng hộ mấy năm cộng lại được gần 20 triệu, chi tiêu đến tháng 7 vừa rồi là hết. Các thầy cô giáo hay cán bộ xã đều có gia đình riêng, đâu có thời gian mà trông nom các cháu, nuôi đã khó mà dạy còn khó hơn là thế.
Do vậy xã phải làm tờ trình, đề nghị Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh tiếp nhận các cháu về nuôi dưỡng, có gọi ông bố về ký thủ tục hẳn hoi. Chúng tôi xem lá đơn của anh Đàm Văn Bẩy, lá đơn của người bố nhẫn tâm đẩy ba giọt máu của mình cho xã hội, cho "người dưng nước lã" mà không khỏi xót xa.
Anh Bẩy viết: "Đề nghị cho Đàm Văn Hảo, Đàm Thị Đào, Đàm Ngọc Chí là đối tượng trẻ mồ côi, bị bỏ rơi, mất nguồn nuôi dưỡng được vào cơ sở bảo trợ xã hội".
Chị Ninh bảo anh Bẩy đã có thêm hai đứa con với người phụ nữ mới, nhưng không phải vì thế, kể cả vì tình yêu mà anh có quyền từ chối tình thương và trách nhiệm đối với ba đứa con. Chị Cam cũng thế, ở phương trời nào đó, chị có biết những thông tin đắng chát này không?