Ở một mình lại ít giao du nên nhẩm tính, thấy tháng 12 đã qua, thấy lòng mình phơi phới, nghĩ là xuân đã về, Tết đã đến nên người đàn ông cô độc này đã nấu bánh tét, thịt đông, sắm sửa vàng hương để ăn Tết.
Khi bánh đã bày lên bàn thờ, nồi thịt đông đã nấu, không thấy mọi người đón Giao thừa, chúc tụng nhau ông mới biết mình đã ăn Tết … nhầm.
Chuyện thật mà ngỡ như bịa
Trong phiên chợ sớm mai của các bà, các cô, buổi đi dọn ruộng chuẩn bị vụ cấy của các bác nông dân hay bên bàn cờ tướng cùng chén trà nóng của các cụ ngay cả bọn trẻ ngày hai buổi đến trường… cũng truyền tai nhau chuyện ông Ân ở xóm 4, ngỡ đã đến Tết nên nấu bánh chưng, thịt đông, sắm sửa đồ để đón Tết. Thoạt nghe chúng tôi ngỡ tưởng mọi người đùa vui, nào ngờ đó lại là chuyện thật.
Bởi câu chuyện không thể tin ấy mà 18h ngày 15.1.2013 (theo “lịch” của ông Ân thì đã là mùng 4 Tết) khi trời đã nhọ mặt người, chúng tôi cùng một anh bạn, cũng là người cho biết sự việc trên và là hàng xóm nhà ông Ân đưa về xã Tế Nông, để “mắt thấy tai nghe” chuyện có một không hai này. Vòng vèo chừng một giờ đồng hồ thì chúng tôi tới xóm nhà ông Ân.
Trong màn đêm dày đặc sương, chúng tôi chẳng nhìn thấy gì bởi đường quê không ánh điện. Chúng tôi nắm tay nhau, dò dẫm theo chân người bạn men theo lối mòn của bờ ao, hướng về phía trước, nơi có tiếng người đàn ông đang chửi bâng quơ ai đó mà bước.
“Chú Ân đấy!”, anh bạn là hàng xóm của ông Ân mừng rỡ. Nói vừa dứt câu, anh gọi to: “Chú Ân ơi!”. Tiếng người đàn ông khi nãy bỗng dưng im bặt. Không thấy tiếng trả lời nên chúng tôi cứ nhằm hướng ngôi nhà mờ mờ ấy mà tiến đến.
Vào nhà, anh bạn mở túi, mò mẫm lục tìm chiếc đèn pin mini. Vừa tìm anh vừa cất tiếng nói chuyện: “Chú đâu rồi?”. Tiếng trả lời ở đâu đó trong bóng đêm: “Đang mặc đồ”. Nghe ông Ân trả lời vậy, anh bạn đùa: “Thay làm gì, tối thế này ai thấy”.
Lia ánh đèn tứ phía, anh lại hỏi: “Đèn đâu chú Ân?”. Vẫn chỉ tiếng trả lời mà không thấy người: “Trên đó, trên bàn thờ đó”. “Chú mặc đồ nhanh lên, có khách quý đến chúc Tết đây này”, anh bạn tôi thúc giục.
Đã thấy chiếc đèn dầu trên bàn. Theo ánh sáng chiếc đèn pin, căng mắt ra nhìn thấy trên bàn thờ (là nóc chiếc thùng bằng tôn) bày một cặp bánh chưng, hai gói kẹo, một gói thuốc lá, một lọ hoa thấy đã héo rũ lá…
Tất cả được xếp ngay ngắn. Trong ánh sáng mờ mờ, đã thấy người đàn ông tên Ân bước ra, không chào hỏi ai mà chỉ cười mỉm. Chú cao, gầy, khoảng gần 50 tuổi.
Không thấy ai đến chúc Tết mới biết mình … nhầm
Ông Ân cùng chúng tôi ngồi quây tròn trên chiếc chiếu đặt giữa nhà. Anh bạn tôi trêu: “Quần áo mặc Tết đấy à? Bánh chưng đâu cho chúng cháu ăn với. Anh em đi làm về, không ăn gì bởi để vào ăn Tết với chú”. Ông Ân cười: “Bánh cứng mất rồi, không ăn được”. Anh bạn tôi bảo: “Cứng thì rán lên”.
Nói vừa dứt câu, anh bạn đứng lên soi đèn pin tìm. Phía bên trong có một cầu thang đi lên gác, trên có chiếc nồi nhôm to chừng 40 lít bên trong là mấy chiếc bánh tét (ở quê thường làm bánh tét, là thứ bánh không nhân bằng gạo nếp, được gói bằng lá chuối, mỗi cái dài khoảng 30cm – phóng viên), đếm được 7 cái bánh.
Anh bạn và tôi khệ nệ khiêng ra giữa nhà rồi lại quay vào soi đèn lấy bát đĩa. Tranh thủ, tôi “lục lọi” khắp gian nhà khoảng chừng hơn 20m2 xem có gì đáng giá.
Trong góc phòng vừa làm nơi cất đồ, chỗ rửa chỉ còn khoảng hai kg gạo đựng trong chiếc bao tải nhỏ, vài cái bát, đĩa, hai cái nồi, một cái thùng nhựa đựng nước.
Bên ngoài kê chiếc giường ngủ bằng gỗ cũ kỹ. Trong góc bàn thờ đặt chiếc tivi cũ rích, chắc đã hỏng từ lâu. Ngoài ra không thấy có gì đáng tiền hơn.
Thấy có mấy lát bánh tét đã được rán vàng, còn thơm vị mỡ đặt trong chiếc nồi (chắc ông Ân mới rán ăn hồi tối – phóng viên), nồi thịt lợn nấu đông treo tít trên cao, chúng tôi múc tất cả ra đĩa.
Ông Ân lấy thêm chai rượu nút lá chuối ra bày lên mâm. Anh bạn đứng dậy thắp ba nén nhang lên bàn thờ. Vậy là trong ánh đèn pin và chiếc đèn dầu tù mù, ba người chúng tôi cùng người đàn ông xa lạ tên Ân chụm đầu với nhau ngồi … ăn Tết.
Trong mùi thoang thoảng, thứ ánh sáng nhờ nhờ, trong không gian tĩnh mịch hoang vắng, những người khách không mời cùng người chủ đặc biệt cụng ly và chân thành chúc cho ông Ân một năm mới nhiều điều may mắn. Ông Ân chỉ cười hiền lành.
Trong câu chuyện, chủ yếu là ba chúng tôi nói với nhau, thi thoảng hỏi chú về sức khỏe, công việc, cuộc sống… Trả lời được câu trước, câu sau ông Ân lại bắt đầu nói lan man những chuyện không đầu, không cuối và không ai có thể hiểu được.
Chắp vá những câu trả lời, tôi hiểu được ông Ân nấu bánh chưng, ăn Tết sớm do nhầm ngày tháng. Ông không biết năm nay là năm nhuận. Còn do đâu ông biết đã hết 12 tháng, theo quy luật hết năm cũ, sang năm mới thì chúng tôi chịu.
Gạo nấu bánh là do ông đi mót lúa “mồ côi” dành dụm được (lúa nếp sau khi gặt xong, trên gốc rạ tiếp tục mọc nhánh và trổ bông; còn được gọi là lúa chét – phóng viên).
Nồi thịt đông ông dành dụm tiền mua để nấu. Ông Ân bảo, một mình, ông chuẩn bị Tết tuy đơn giản nhưng vẫn đầy đủ các món mà người nông thôn vẫn hay làm khi Tết đến, xuân về.
Ông mới biết mình đón Tết nhầm mấy ngày nay. Đêm “giao thừa”, thấy xung quanh tĩnh lặng chứ không người người đi hái lộc, đi lễ đình lễ chùa như mọi năm ông đã ngờ ngợ.
Cứ nghĩ năm nay kinh tế khó khăn, chẳng ai phô trương nên thắp hương tổ tiên xong, ông lên giường ngủ sớm để sáng mai, mùng 1 Tết, đón các cháu sang xông nhà chúc tụng.
Thế nhưng, sáng hôm sau, mỏi mắt ngóng trông mà chẳng thấy ai. Sốt ruột, ông ra ngoài hỏi thì mới biết mình … nhầm. Hỏi ông ăn Tết bây giờ, vài hôm Tết Nguyên đán đến thật thì lấy gạo đâu mà nấu bánh chưng? Ông gãi đầu rồi chuyển sang câu chuyện khác…
Sau khi đã nhâm nhi đôi chén rượu cuốc lủi, ăn miếng bánh chưng để gia chủ đỡ “rông” đầu năm mới, cả ba chúng tôi mừng tuổi chú mấy trăm nghìn, không quên mang theo cái bánh tét mà ông nói “để mừng tuổi lại cho con tôi” rồi chào ra về. Trong cái dáng cao lòng khòng, khắc khổ và một chút ngây ngô, ông Ân tiễn chúng tôi ra cửa.
Người đàn ông cô độc
Chúng tôi không về mà chạy qua nhà người anh trai ông Ân sống gần đó. Bởi những thông tin do ông “cung cấp” cho chúng tôi về chú ít ỏi quá.
Trong căn nhà tình nghĩa do một doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng, chúng tôi gặp ông Hồ Đình Đức (anh trai ông Ân) bị mù lòa. Tiếp chúng tôi còn có ông Hồ Đình Hiếu (em trai ông Ân).
Ông Hiếu cho biết ông Ân họ tên đầy đủ là Hồ Đình Ân, sinh năm 1966 hay 1967 gì đó, trong gia đình nghèo có 6 anh chị em. Ông Ân không được học hành, cũng có lấy vợ, nhưng vợ chồng không sinh được con cái, xin được đứa con nuôi, hai vợ chồng bỏ nhau khoảng 15 năm nay, đứa con nuôi ở với vợ.
Ông Ân được công nhận hộ nghèo. Nhưng sổ hộ nghèo phải dành cho đứa con nuôi. Những năm trước khỏe mạnh, ông Ân làm gần một sào ruộng, ai thuê gì cũng làm để sinh sống.
Gần 10 năm nay, sức khỏe yếu, trí tuệ suy kiệt nên cuộc sống nhờ sự hỗ trợ của anh em và sự cưu mang của bà con.
Đã 5 năm nay, dường như cuộc sống của ông Ân tách khỏi cuộc sống của những người trong làng (bởi thế mới có sự nhầm lẫn hi hữu này). Căn nhà cùng người chủ cô đơn giữa đồng không mông quạnh, phía sau là bãi tha ma của làng.
“Gia đình anh em chúng tôi cũng hoàn cảnh lắm. Gia đình tôi chỉ được hai sào ruộng, nuôi bốn đứa con, mẹ già mù lòa.
Nhà anh Đức cũng cùng cực vô cùng. Vợ mới mất, con trai nuôi lại phạm tù tội, bản thân anh Đức mù lòa giờ không ai nương tựa… Việc chăm lo cho anh Ân cũng chỉ được phần nào”, ông Hiếu cho biết thêm.
Khi chúng tôi từ biệt gia đình với những con người khốn khổ để ra về. Sương đêm mỗi lúc một dày. Cái lạnh giữa đông ở vùng quê nghèo này như tê tái hơn.
Chúng tôi lầm lụi chạy xe để nhanh về lại thành phố. Mỗi người theo đuổi một ý nghĩ. Hình ảnh người đàn ông là ông Ân với nụ cười méo mó và câu chuyện ăn Tết nhầm cứ lan man trong đầu.