Bảo mẫu "ác thú": "Xử lý một người để giáo dục nhiều người"

Tuấn Nam |

(Soha.vn) - Bà Nguyễn Thị Khá nói: “Trong vụ việc này còn có trách nhiệm quản lý của địa phương. Đó là sự buông lỏng quản lý để diễn ra hoạt động trông giữ trẻ không phép”.

LTS: Vụ án mạng do “bảo mẫu” Hồ Ngọc Nhờ (18 tuổi, quê ở Cần Thơ) gây ra với cháu Đỗ Nhất Long (18 tháng tuổi, con của chị Võ Thị Huyền (24 tuổi, quê Nghệ An)) tại phòng trọ ở tổ 9, khu phố 6 (phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.HCM) vào sáng 16/11 đã khiến dư luận căm phẫn. Bên lề Quốc hội, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nhanh bà Nguyễn Thị Khá - Ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội về vụ việc này.

PV: Thưa bà, khi nhận được thông tin về vụ việc của bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ giết chết cháu bé 18 tháng tuổi trong TP. Hồ Chí Minh, bà cảm thấy như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Khá: Qua báo chí, nhiều vị đại biểu Quốc hội cũng đã biết thông tin về vụ việc. Đó là một vụ việc rất thương tâm. Tôi cảm thấy đau xót cho những bậc phụ huynh không có điều kiện gửi con đúng nơi, đúng chỗ vì họ là những người lao động khó khăn.

Đối tượng Hồ Ngọc Nhờ bị bắt giữ tại cơ quan điều tra
Đối tượng Hồ Ngọc Nhờ bị bắt giữ tại cơ quan điều tra

Trong vụ việc này còn có trách nhiệm quản lý của địa phương. Đó là sự buông lỏng quản lý để diễn ra hoạt động trông giữ trẻ không phép. Đây là việc làm ảnh hưởng cho xã hội nhưng cuối cùng khi truy trách nhiệm thì lại là trách nhiệm chung chung, kiểm điểm chung chung, nhận khuyết điểm chung chung. Kết quả là người dân nghèo phải lĩnh hậu quả.

PV: Trước vụ việc này, đã có không ít các trường hợp bảo mẫu có những hành động hành hạ trẻ nhỏ. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, những hành vi tương tự dẫn đến hậu quả nghiêm trọng vẫn xảy ra. Thưa bà, phải chăng cơ chế quản lý của chúng ta đang có vấn đề khiến tình trạng nuôi dạy trẻ một cách tự do khó bị kiểm soát?

Bà Nguyễn Thị Khá: Cái đó là trách nhiệm của địa phương. Ngành giáo dục đã có quy định rõ về các hoạt động kinh doanh có điều kiện trong giáo dục, giữ trẻ. Bảo mẫu phải có trình dộ sư phạm, phải có năng lực sư phạm như thế nào đó chứ phải ai cũng làm được.

Bà Nguyễn Thị Khá (Ảnh: X.H)
Bà Nguyễn Thị Khá (Ảnh: X.H)

Hiện nay, có những người hoạt động không phép nhưng ở địa phương cũng chẳng ai để ý, kiểm tra; các đoàn thể, tổ chức xã hội xung quanh đó cũng chẳng ai để ý gì. Đó là sự bàng quan của mỗi người. Khu dân cư phường, phố có trách nhiệm như thế nào đã phản ánh hết chưa?

Vụ việc không may xảy ra với cháu Long là sự việc đã rồi, rất đau lòng!

PV: Vụ việc đang tiếc này xảy ra, liệu nguyên nhân sâu xa có phải là do chúng ta đang quá thiếu nhà trẻ không, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Khá: Hiện nay, Nhà nước đang tập trung lo nhưng tôi nghĩ là chưa đủ hết được. Việc này cũng đòi hỏi phải có một sự xã hội hóa nhưng sự xã hội hóa như thế nào lại là một vấn đề cần phải tính toán, không phải xã hội hóa là ai muốn làm gì thì làm.

PV: Thưa bà, trong khâu xử lý, chúng ta cần chú ý điều gì để trong tương lai, sẽ không còn vụ việc tương tự tái diễn?

Bà Nguyễn Thị Khá: Đây không phải là một sự việc đầu tiên nhưng hình như có gì đó chưa ổn. Chúng ta vẫn có câu: “Xử lý một người để giáo dục nhiều người” nhưng dường như câu nói này chưa được thực hiện đầy đủ. Theo tôi, đối với những sự việc như thế phải xử lý lưu động, công khai để những người khác biết.

Xin trân trọng cảm ơn bà đã trả lời phỏng vấn!

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại