Chích ngừa vẫn bị như thường
Mấy ngày qua, tôi có theo dõi thông tin các phụ huynh đội mưa đội rét đưa con đi tiêm vacxin Pentaxim 5 trong 1.
Tôi cho rằng đây là vấn đề tâm lý đám đông, các bậc phụ huynh ưa thuốc ngoại, ưa thuốc tốt. Tôi hiểu, làm cha mẹ ai cũng muốn những thứ tốt nhất cho con mình, nhất là với vấn đề phòng bệnh về sau.
Là một bác sĩ với bao năm gắn bó với bệnh nhi, tôi khẳng định, chích ngừa là cái cần nhưng nó không phải là thứ quyết định của việc trẻ trong tương lai sẽ bị bệnh hay không bị bệnh.
Nhiều phụ huynh nghĩ rằng chích ngừa là xong nhưng thực tế không phải vậy. Bệnh nhân của tôi không ít trường hợp chích ngừa thuỷ đậu vẫn bị thuỷ đậu, chích ngừa sởi vẫn bị sởi. Ngay cả những bệnh nhân mà tôi đang điều trị, có cháu bị lần thứ 2, thứ 3.
Bệnh nhi bị nhiễm thuỷ đậu tại BV Nhi đồng 2, trong đó có bé được chích ngừa mà vẫn bị nhiễm
Nguồn lây nhiễm mạnh trong khi sức đề kháng của các con kém thì các con vẫn bị dính bệnh thôi. Chích ngừa không phải là giải pháp duy nhất để bảo vệ, mà chỉ là ngăn ngừa một phần nào đó.
5 bệnh mà vacxin Pentaxim ngừa cũng không phải là những căn bệnh quá khó khăn đối với y học hiện đại. Nó hoàn toàn bị ngăn chặn dễ dàng khi bệnh nhân nhiễm, nhất là ở khu vực thành thị.
Tôi biết, không chờ đến thuốc ngoại, thì bao năm qua Việt Nam mình làm rất tốt công tác chăm sóc sức khoẻ cho trẻ bằng các thuốc ngừa. Gần như bại liệt đã bị xoá sổ. Còn ho gà đã giảm mạnh.
Cách đây gần 40 năm khi tôi mới ra trường, tình trạng bạch hầu ở trẻ không phải là ít. Nhưng giờ chỉ còn lại trong lý thuyết chứ ít gặp trong thực tế. Có thể do khâu chích ngừa tốt, cũng có thể do virus nó biến chủng nên sau này bệnh bạch hầu không còn.
Ho gà thì còn. Ngay bệnh nhân của tôi hiện tại cũng có. Sởi vẫn có. Nhưng nhiều nhất vẫn là thuỷ đậu (hib), chích thì chích, bị vẫn bị.
Điều đáng nói, khi trẻ nhiễm bệnh, ngành y đã không để xảy ra những biến chứng nặng nề, ví dụ biến chứng sang hệ thần kinh đối với thuỷ đậu hay biến chứng lên não với ho gà. Rất hiếm những ca nặng từ những căn bệnh này.
Nói như vậy không có nghĩa là chờ các con bệnh rồi mới đem đến cho ngành y xử lý để mà coi nhẹ việc chích ngừa, nhưng nói ngược lại, cái quyết định để trẻ không mắc phải những căn bệnh này cũng không phải là từ chích ngừa mà có.
Nếu phụ huynh thực sự quan tâm đến sức khoẻ của con mình thì đừng đặt hết lòng tin của mình vào thuốc ngừa. Nó chỉ là một phần trong việc phòng bệnh.
Cái quyết định vẫn là thực phẩm
Nhiều bậc phụ huynh, ngay cả anh em họ hàng cháu chắt tôi vẫn không tin khi tôi giải thích rằng, dinh dưỡng mới là thứ quyết định sức khoẻ của một con người, chứ không phải là chích ngừa.
Họ không tin là vì, họ tin vacxin như một thứ thuốc tiên. Họ bị nhiễu loạn thông tin mà quên mất thứ quan trọng hơn, là dinh dưỡng.
Việc hình thành, bổ sung sức đề kháng cho đứa trẻ vô cùng cần thiết để tạo ra lớp hàng rào bảo vệ ổn định và bền vững trước mọi sự tấn công của vi trùng. Dinh dưỡng là linh hồn của vấn đề này, mà cụ thể nhất là vấn đề thực phẩm.
Thực phẩm đảm bảo vi chất và thực phẩm sạch là điều quan trọng vô cùng. Nhất là cụm từ “thực phẩm sạch”, đang là trở ngại lớn đối với người Việt Nam nói chung và những đứa trẻ nước ta nói riêng, trong tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay.
Chế độ ăn của người Việt Nam mình đang bị rất thiếu về vi chất. Mà vi chất chính là cái tạo ra hệ miễn dịch cho cơ thể. Ăn uống không đủ dinh dưỡng hoặc ăn phải những độc tố phá huỷ sức đề kháng, thì nguy cơ nhiễm các loại bệnh khi gặp virus, rất cao.
Tôi có nhiều bạn bè người nước ngoài. Khi hỏi về chế độ ăn uống, họ cho rằng họ rất chú trọng vitamin và đặc biệt, đồ ăn của họ đảm bảo phải sạch. Thực phẩm của họ luôn được kiểm duyệt về mặt chất lượng và vệ sinh khá chặt chẽ.
Đó là điều để giải thích tại sao ở các nước phát triển, con người có thể lực họ tốt, sức khoẻ bền bỉ, làm việc được với cường độ cao, trong khi người Việt Nam lại không được như thế.
Người Việt Nam của mình thường ăn kiểu công nghiệp, nấu một bữa ăn 2 bữa nên thức ăn thường mất hết dinh dưỡng. Nhất là khoáng chất. Còn lại là ăn tinh bột. Mà tinh bột thì đâu hình thành nên hễ miễn dịch?
Bạn hãy suy nghĩ về những đứa trẻ đang sống trong môi trường ô nhiễm, điều kiện người đông, việc lây lan của vi trùng rất nhanh và mạnh.
Nếu con có một sức đề kháng mạnh, con bạn sẽ vượt qua bệnh tật một cách dễ dàng. Còn không, thì có chích ngừa kiểu gì cũng không vượt qua.
Và bạn sẽ hiểu được tại sao, cũng trong cùng một lớp học, có đứa trẻ nó nhiễm virus bệnh này, trong khi đứa trẻ khác thì không? Điều đó do sức đề kháng của các con chứ không phải các con được chích ngừa hay là chưa được chích ngừa.
Tiêm cứ tiêm, nhưng không phải là giải pháp duy nhất. Nếu không đến lượt con mình được tiêm cũng chẳng việc gì phải lo lắng để phải hành hạ mình như tình hình vừa qua báo chí phản ánh. Bởi có khi con chưa được tiêm thì mẹ đã ngã bệnh, lại lây luôn cho con.
Nếu không đến lượt con mình được tiêm thì cũng đừng hành hạ mình như thế này
Hãy chăm cho những đứa trẻ khoẻ mạnh thay vì phải lo lắng đội giá rét đi tiêm giữa đêm như thế. Cho con ăn đủ chất, ăn sạch, con mới có một sức khoẻ bền vững.
Giải pháp bền vững – dinh dưỡng, hãy nghĩ đến điều đó. Tôi muốn chia sẻ thêm cho bạn, trước đây tôi bị dạ dày và viêm tai giữa. Dạ dày dương tính với trực khuẩn HP đến 3 lần. Tai thì hành suốt ngày vì chảy mủ.
Tôi dùng thuốc mà lơ đãng việc ăn uống, nên bệnh không thuyên giảm. Thế rồi tôi tập trung cho vấn đề dinh dưỡng, ăn sạch hơn, ăn đầy đủ chất hơn, cân bằng hơn, tất cả những vấn đề kia bị đẩy lùi. Và giờ tôi hoàn toàn bình thường, khoẻ mạnh.
Thực ra mình bị bệnh là do mất cân bằng ăn uống mà ra hết. Nếu thiếu các vi chất, sức đề kháng yếu, là bệnh ngay dù có chích ngừa chăng nữa. Hãy giải bài toán dinh dưỡng vì đó là thứ quyết định.
Ghi ở Khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 2 (TP.HCM)
Bệnh viện Nhi đồng 2 vắng vẻ bệnh nhân nhi nhiễm các bệnh mà Pentaxim ngừa
Tìm theo “dấu vết” của 5 căn bệnh khiến phụ huynh đang phát sốt để dẫn con đi chích ngừa trong đêm, PV đến Khoa nhiễm, BV Nhi đồng 2 (TPHCM), vào chiều 27/12.
Khu vực giành cho bệnh nhi nhiễm sởi và tay chân miệng, số giường bệnh trống quá khá nhiều. Các bệnh nhi ở khoa nhiễm với các căn bệnh: yết hầu, ho gà, thuỷ đậu, viêm gan siêu vi B, khá ít. Trong đó, thuỷ đậu có trường hợp dù được chích ngừa mà vẫn mắc bệnh.
Một điều dưỡng cho biết, năm nay khoa chưa tiếp nhận bệnh nhi nào bị sởi đến điều trị. Còn tay chân miệng có trẻ mắc nhưng tỷ lệ ít hơn mọi năm. Ho gà có vài trường hợp trước đây nhưng rất hiếm.
Năm nay khoa nhiễm tiếp nhận và điều trị nhiều nhất là bệnh nhi bị sốt xuất huyết, hiện chưa có thống kê cụ thể nhưng con số tiếp nhận hàng ngày khá nhiều, khoảng 5-10 bệnh nhi.