Bà Trưng thua trận vì quân Mã Viện cởi quần: Tư liệu lấy ở đâu?

Nguyễn Huệ |

Theo GS Trần Lâm Biền, chi tiết Mã Viện dùng hạ kế bắt quân sỹ cởi quần giao chiến trong cuốn sách “Trưng Nữ Vương khởi nghĩa Mê Linh" của NXB Giáo dục rất thô thiển.

Trang 30, 31 cuốn sách có tên “Trưng Nữ Vương khởi nghĩa Mê Linh" của NXB Giáo dục có chi tiết Mã Viện hạ kế bắt quân sỹ cởi quần giao chiến.

Trong đó có đoạn viết: “Các đội nữ binh của hai Bà trông thấy rất xấu hổ, ngượng ngùng quay đi, nhuệ khí vì thế mà suy giảm rất nhiều”.

Thông tin trên khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: “NXB Giáo dục lấy chi tiết này từ đâu?”.

Chi tiết không có trong chính sử

Trao đổi với chúng tôi, GS Trần Lâm Biền – Nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam cho biết: “Thông tin Mã Viện dùng hạ kế cho quân sỹ tụt quần để các nữ binh trong đội quân của Trưng Vương thất bại không có trên chính sử.

Và giả thiết rằng nếu có thì cũng không nên đặt vấn đề đó ra”.

Theo GS Trần Lâm Biền, xét trong quá trình lịch sử thì cách giải thích này không phù hợp.

Bởi phụ nữ Việt Nam rất dũng cảm, ở chiến trường không bao giờ sợ hay ngại trước việc quân sỹ của Mã Viện tụt quần mà dẫn đến thất bại.

GS Trần Lâm Biền cho hay: "Việc giải thích này không có chứng cứ và chỉ là cách giải thích để cho vui.

Tôi không ủng hộ cách giải thích như vậy vì nó làm xấu mặt cả một dân tộc.

Cùng trao đổi với chúng tôi về những chi tiết đang được mổ xẻ trong cuốn sách nêu trên, ThS Trần Trung Hiếu (Giáo viên Lịch sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) đã phản ứng gay gắt sự việc này.

“Thứ nhất, là về mặt nội dung.

Trong hai cuốn thông sử tiêu biểu nhất thời trung – cận đại là Đại Việt sử ký toàn thư (Ngô Sỹ Liên) được viết bằng chữ Hán và Việt Nam sử lược (Trần Trọng Kim) viết bằng chữ Quốc ngữ không hề nhắc tới chi tiết này.

Tôi không biết người biên tập lấy thông tin này từ đâu?”  - Ths Hiếu khẳng định.

Là một giáo viên Lịch sử, thầy Hiếu cho biết, nếu lý giải trong các cuộc kháng chiến cứu nước từ trước tới nay, thắng hay thua là chuyện bình thường khi chúng ta thường phải đối diện với những kẻ thù đến từ quốc gia đông dân và hùng mạnh là phong kiến phương Bắc.

Kẻ thù phương Bắc, phương Nam cũng dùng rất nhiều hạ kế, thậm chí là “khổ nhục kế” nhưng họ đều thua.

Thắng lợi của chúng ta thể hiện truyền thống yêu nước nồng nàn và tinh thần đoàn kết của dân tộc, không cam chịu làm nô lệ trước bất cứ thế lực bạo tàn nào.

Hình ảnh Hai Bà Trưng, Lý Bí, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Quang Trung… trở thành những anh hùng giải phóng dân tộc, những tượng đài bất hủ được nhân dân ta ghi công và thờ phụng ở nhiều nơi.

Hai Bà Trưng đã trở thành biểu trưng cho sức mạnh kiên cường, bất khuất của người phụ nữ Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Họ là một phần quan trọng làm nên lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Cũng theo thầy Hiếu, trong lịch sử, chuyện Trưng Vương thua và phải rút quân về đất Cấm Khê là do tương quan lực lượng quá chênh lệch giữa quân ta và quân Mã Viện.

Thực tế không phải do Mã Viện dùng hạ kế như lý giải của nội dung cuốn sách.

“Nhiều độc giả, trong đó có giới trẻ sẽ hiểu sai lịch sử.

Những gì cuốn sách đó nói về sự kiện này là không có thật trong lịch sử Việt Nam, chưa từng xảy ra trong công cuộc giữ nước của dân tộc Việt Nam mà sử sách đã chép lại.

Thứ hai là hình ảnh vẽ minh họa cho nội dung được trình bày trong cuốn sách có phần phản cảm" – ThS Hiếu nói.

Sự cẩu thả về nội dung

Với góc độ là một độc giả, đồng thời là một người nghiên cứu và giảng dạy lịch sử, ThS Trần Trung Hiếu cho rằng, đây là một việc làm cực kì cẩu thả của NXB Giáo dục.

Vị này nêu quan điểm: “Tôi không thể chấp nhận được những gì mà nội dung cuốn sách đưa ra cũng như sự cẩu thả ấy!".

Ở đây là phải trích nguồn nội dung tư liệu. Nhưng cuốn sách đưa ra với nội dung viết sai lịch sử là điều không thể chấp nhận về mặt khoa học.

Tình trạng này không được khắc phục sẽ tạo ra hiệu ứng tiêu cực trong suy nghĩ của học sinh về hình ảnh và khí chất ngoan cường của Hai Bà Trưng cũng như nhiều nhân vật lịch sử khác trong mắt các em học trò sẽ không còn hùng hậu.

Và xuyên suốt, thầy Hiếu luôn đặt ra câu hỏi: “Tư liệu họ lấy ở đâu ra? Họ có phân biệt đâu là chính sử, đâu là dã sử không?".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại