Hà Nội: Vì sao nắng to vẫn rét buốt?

Hoàng Đan - Thanh Uyên |

Theo GS Đinh Văn Ưu, sở dĩ thời tiết Hà Nội nắng to nhưng người dân vẫn có cảm giác rét buốt là do nền nhiệt độ chung vẫn đang rất thấp có khi xuống đến 8 - 11 độ C.

Cảm giác rét buốt dưới nắng do nền nhiệt thấp

Vài ngày qua, mặc dù vào ban ngày tại thủ đô Hà Nội, thời tiết đã có nắng to nhưng theo nhiều người dân, khi đi ra đường họ vẫn cảm thấy rét buốt.

"Mấy ngày rồi nắng to cả ngày nhưng khi đi ra đường dù mặc áo ấm nhưng thực sự tôi vẫn có cảm giác rét buốt, nhất là ở phần mặt và hai bàn tay" - chị Thu Hoài, nhân viên một công ty trên đường Hồ Xuân Hương (Hà Nội) cho hay.

Còn chị Lan Anh, nhân viên một công ty ở đường Duy Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng chia sẻ, cảm giác rét buốt này thấy rõ hơn khi đi vào các khu vực bóng râm.

Trao đổi với chúng tôi, thạc sĩ Vũ Anh Tuấn (Trưởng phòng Dự báo khí tượng hạn ngắn - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương) cho rằng, hiện tượng rét buốt chỉ chủ yếu xảy ra vào buổi sáng sớm.

Hiện nay, thời tiết tại Hà Nội vẫn chịu ảnh hưởng của không khí lạnh khiến nền nhiệt độ xuống rất thấp, tuy nhiên do trời quang mây nên vẫn có ánh nắng của mặt trời.

Vào buổi sáng sớm, khi chưa có ánh nắng mặt trời thì rõ ràng chúng ta sẽ thấy rét buốt còn khi có ánh nắng mặt trời lên rồi, nền nhiệt tăng lên thì không còn hiện tượng này.

Người dân đốt lửa sưởi ấm tránh rét. (Ảnh minh họa).
Người dân đốt lửa sưởi ấm tránh rét. (Ảnh minh họa).

"Bản chất ở đây là do nền nhiệt độ chung ở Hà Nội chịu ảnh hưởng của không khí lạnh đang xuống rất thấp nên dù có nắng thì chúng ta vẫn cảm thấy lạnh, nhưng lạnh này chỉ xảy ra vào sáng sớm.

Ban ngày, nếu có cảm giác lạnh thì chỉ xảy ra ở những nơi bị che khuất bởi các bóng râm của cây cối hay trong nhà, khi ánh nắng mặt trời không thể chiếu vào được" - thạc sĩ Tuấn nói thêm.

Đồng quan điểm, GS. TS Đinh Văn Ưu (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN) cho rằng, nguyên nhân của hiện tượng này là do nền nhiệt độ của Hà Nội trong những ngày qua xuống rất thấp.

"Do ảnh hưởng của không khí lạnh nên nền nhiệt độ chung dù có ánh nắng mặt trời thì cũng chỉ ở 18 đến 21 độ C là cùng. Mà nền nhiệt độ nếu ở mức dưới 20 độ thì con người ta sẽ cảm thấy khó chịu.

Thành ra, dù có nắng to nhưng nếu đi ra đường thì vẫn có cảm giác lạnh là đúng", GS Ưu nói.

Cũng theo GS Ưu, thời tiết không có mây, nắng to này dù giúp ban ngày ấm hơn nhưng cũng sẽ gây ra hiện tượng mất nhiệt nhanh dẫn đến vào buổi tối, đêm, hiện tượng rét buốt càng diễn ra mạnh hơn.

Phía Nam đêm và sáng sớm cũng se lạnh

Theo thạc sĩ Vũ Anh Tuấn, trong vài ngày qua, ở phía Nam, đêm và sáng sớm người dân cũng có cảm giác se lạnh, thậm chí là rét.

Hiện tượng này là do các khối không khí lạnh trên biển đang dồn sâu xuống phía Nam, làm cho các khu vực miền núi của Đông Nam Bộ như Bình Phước, Tây Ninh, phía Bắc Đồng Nai... nhiệt độ giảm xuống thấp còn khoảng 16 - 17 độ C.

Còn các khu vực đồng bằng nhiệt độ xuống còn 20 - 21 độ C. Tuy nhiên, khi nắng lên sẽ xua tan cái lạnh này và đưa nền nhiệt ban ngày lên cao đến 29 - 30 độ C.

Cũng theo Thạc sĩ Tuấn, trong 1 - 2 ngày tới nền nhiệt độ giữa ngày và đêm ở Hà Nội và các tỉnh Bắc Bộ sẽ vẫn có sự chênh lệch lớn.

Đêm và sáng ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục rét buốt khi nhiệt độ giảm sâu phổ biến chỉ từ 8-11 độ C, trưa chiều trời nắng kéo nhiệt độ tăng cao lên 21 độ C.

Phía Tây Bắc Bộ ngày ít mây, trời nắng, đêm nhiều mây, không mưa, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác. Gió nhẹ.

Trời rét với nền nhiệt thấp nhất 8-11 độ C, cao nhất 18-21 độ C, có nơi 22-24 độ C.

Vùng núi cao có khả năng xảy ra băng giá và sương muối khi ở một số nơi như Sìn Hồ, Đồng Văn nhiệt độ giảm xuống dưới 4 độ C.

Phía Đông Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội ít mây, ngày nắng, đêm không mưa, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ. Gió đông bắc cấp 2-3. Trời rét.

Nhiệt độ thấp nhất 8-11 độ C, vùng núi có nơi dưới 6 độ C, có khả năng xuất hiện băng giá và sương muối. Nhiệt độ cao nhất 18-21 độ C.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại