Được biết, hiện tại tình hình sức khỏe ba ba Nam bộ bình thường, tuy nhiên anh Quốc Anh - người quản lý Khu ẩm thực Vĩnh Hưng - đơn vị đang giữ cá thể ba ba này đang rất lo ngại về tình tình sức khỏe và bảo tồn ba ba về - anh cho biết, nếu để lâu trên bờ anh e rằng ba ba sẽ yếu, đến giờ anh chưa biết chăm sóc như thế nào đang phân vân sẽ thả xuống hồ nhà hay hồ Gươm hoặc sẽ bán cho một ai đó đã trả giá.
Trước đó, sau khi chia sẻ với Báo Lao động ngày 18.3, anh Quốc Anh đã có nguyện vọng được thả cá thể ba ba Nam bộ này về Hồ Gươm để làm bạn với cụ rùa và sẽ thả về Hồ Tây, nếu không có chỗ nào thả anh sẽ thả lại dưới hồ nhà mình - nơi đã bắt được cá thể ba ba này.
Tuy nhiên, đến nay 19.3, anh Quốc Anh cho biết, hiện giờ anh đang cân nhắc giữa việc có nên thả ở ở Hồ Tây hay không vì anh lo sợ, nếu thả ở đây sự tồn tại của con ba ba này không thực sự được tin tưởng cao, vì sợ người dân sẽ vây bắt bất cứ lúc nào. Còn thả ở Hồ Gươm, hay hồ nhà thì hiện nay anh đang chờ Quỹ Bảo tồn Động vật hoang dã đến để làm việc.
Như Lao động điện tử đã đưa tin, vào ngày bắt được con ba ba (17.3), PGS.TS Hà Đình Đức - "nhà rùa học" đã có mặt và khẳng định, đây là loài ba ba Nam Bộ hay còn gọi là cua đinh - một loại ba ba quý, chủ yếu sống ở miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long. Muốn thả ba ba Nam Bộ xuống Hồ Gươm phải xin phép UBND thành phố Hà Nội và phải được chấp thuận.
Trước phân vân của người "quản lý" ba ba Nam bộ hiện giờ, PV Lao động đã liên hệ với Chương trình bảo tồn rùa Châu Á (ATP) để tìm hiểu rõ hơn về nguồn gốc, đặc điểm và việc bảo tồn cá thể ba ba này.
Trao đổi với PV Báo Lao động, anh Phạm Văn Thông - cán bộ của Chương trình Bảo tồn rùa Châu Á cho biết, ba ba Nam bộ không có phân bố ở miền Bắc Việt Nam, nên việc thả sai môi trường khiến ba ba bị chết, đơn cử ví dụ vài năm về trước một con ba ba Nam bộ đã bị chết ở Hồ Gươm, do một ai đó cố ý thả vào hồ.
Nói về việc người chủ khu sinh thái - nơi đang cất giữ ba ba muốn thả về Hồ Gươm - anh Thông khẳng định: "Qua nhiều năm nghiên cứu tôi và chương trình bảo tồn Rùa Châu Á nhận thấy, các loài rùa mai mềm thường có bản tính hung dữ, chúng sẽ tấn công lẫn nhau bất kể cùng loài hay khác loài, do đó nhiều khi dẫn đến tử vong. Nếu một khi cá thể ba ba Nam bộ này được thả về hồ Gươm có thể gây ra những vết thương cho Cụ rùa. Nếu như vậy sẽ mang lại tiếng xấu muôn đời cho người thả".
Khi PV hỏi về việc, nuôi giữ, vận chuyển, hay làm thịt cá thể rùa anh Thông nói rằng, ba ba Nam bộ (hay còn gọi là Cua Đinh, Amyda cartilaginea) là loài thủy sinh quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng và thuộc mức Sắp nguy cấp (VU) của sách đỏ Việt Nam (2007) và danh lục đỏ thế giới IUCN (2013). Do đó, nếu quá trình này diễn ra là vi phạm pháp luật theo nghị định 103/2013/NĐ-CP.
"Chúng tôi khuyên anh chủ của cá thể ba ba Nam bộ cần tìm hiểu kỹ trước khi quyết định thả cá thể này về nơi nào đó, cá nhân tôi và chương trình Bảo tồn rùa Châu Á khuyên anh chủ nên chuyển giao cá thể ba ba này cho Trung tâm cứu hộ rùa thuộc Vườn quốc gia Cúc Phương để kiểm tra sức khỏe, chăm sóc, nuôi giữ và bảo tồn. Hoặc thả về các sông hồ lớn của miền Nam Việt Nam", anh Thông chia sẻ.