Được biết hiện nay anh em Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Tiền và gia đình đã có chỗ ở ổn định tại căn phòng nhỏ hơn 12 mét vuông trên đường Pháo Đài Láng, chúng tôi đã tới để hỏi thăm gia đình.
Thủ khoa ĐH Y Hà Nội đã có chỗ ở khang trang
Trò chuyện với chúng tôi, chú Nguyễn Hữu Định (52 tuổi), bố của em Tiến cho biết: “Bác chủ nhà tốt bụng đã về hưu có gọi điện thuê tôi đến đây trông, quét dọn khu nhà trọ gồm 6 tầng 12 phòng này trong vòng 3 năm và cho gia đình tôi ở một phòng bảo vệ này. Ở đây là mừng lắm cháu ạ, giờ có chỗ cho hai đứa đi đi về về ăn học trên này, lại được lương hàng tháng nuôi con đỡ vất vả bao nhiêu”.
Gia đình thủ khoa Nguyễn Hữu Tiến. Tiến (ngoài cùng bên phải) vui vẻ khi được ở cùng bố mẹ trên này.
Theo quan sát, căn nhà nhỏ có đầy đủ tiện nghi như bếp ga, tủ lạnh, ti vi…. Chỗ ở cách trường của Tiến khoảng 3 - 4 cây số và trường của Tiền (em song sinh với Tiến) khoảng 6 cây số. Được ở trong khu nhà kiên cố, thoáng mát này, hai anh Tiến rất vui mừng, hào hứng.
Góc học tập nhỏ của hai anh em Tiến.
Theo chú Định, để kiếm thêm thu nhập cho gia đình, không thể trông chờ vào công việc trông nhà trọ với đồng lương 2,5 triệu/tháng, chú Định dự định sẽ tiếp tục làm nghề bơm vá xe đạp, xe máy, chạy xe ôm và để cho mẹ của Tiến (cô Thanh) từ quê lên trông nhà trọ.
Cô Hoàng Thị Thanh tâm sự: “Ở đây chăm con, cơm nước cho con được là tốt nhưng mới có mấy ngày mà thấy nhớ quê lắm cháu ạ. Dù gì ở quê cũng thoải mái, thoáng mát, chứ ở đây bí bách lắm, chẳng đi đâu được, chỉ ngồi trông xe, trông nhà giúp bác chủ nhà. Lên đây kiếm đồng vào đồng ra nuôi con học đại học, đến mùa vụ cấy hái lại về quê mấy hôm”.
Trong những ngày qua, chú Định chạy khắp nơi đưa con nhập học, dẫn con làm quen với đường đến trường bằng xe buýt, gặp gỡ nhà hảo tâm…rồi mới tính trở lại ổn định công việc cũ.
Được biết, hai chị gái của Tiến cũng đang vừa học vừa làm thêm công việc bán hàng theo ca để đỡ đần bố mẹ và hai em lo toan cuộc sống trên thành phố.
Đi xe buýt tới trường, Tiến bị lạc ra tận ngoại thành Hà Nội
Hiện nay, Tiến tự bắt xe buýt số 12 đến trường học. Tiến vui vẻ kể: “Từ lúc đi học bằng xe buýt, em bị lạc một lần ra tận ngoại thành Hà Nội do bắt ngược chiều tuyến 12. Đường Hà Nội đông lắm, đi lại cũng khó khăn, em mới ra nên chẳng biết đường nào cả nên chưa dám đi xe đạp. Ở trường, em bắt đầu học chính trị đầu năm nên cũng chưa vất vả lắm”.
Chia sẻ về kế hoạch tương lai, Tiến nói sẽ đầu tư học tiếng Anh và học tốt các môn trên trường để có thành tích tốt mong nhận được học bổng giảm bớt gánh nặng cho bố mẹ. Còn về mục đích thủ khoa “kép” đầu ra, đầu vào ĐH Y, Tiến chỉ cười nói rằng: “Ai cũng mong như thế nhưng khó lắm chị ạ. Anh thủ khoa năm nay của trường em có điểm tổng kết các năm đều trên 9 phẩy cơ ạ”.
Bản thân Nguyễn Hữu Tiền – em song sinh của Tiến cũng đang nỗ lực ôn thi Toán, Lý và tiếng Anh để có cơ hội đỗ vào lớp Chất lượng cao của Trường ĐH Bách khoa trong vài ngày tới.
Cô Hoàng Thị Thanh - mẹ của Tiến ra ngoài này ở cùng hai con trai, trông nhà thuê để kiếm đồng ra đồng vào.
Bên cạnh việc trò chuyện với chúng tôi về cuộc sống hiện tại và những kế hoạch trong tương lai, cô Hoàng Thị Thanh còn kể cho chúng tôi rất nhiều câu chuyện về anh em Tiến và Tiền khi còn nhỏ. Cô kể, ngày xưa cô chú cứ gọi anh em Tiến, Tiền là “Tiến Tùng” nhưng người ta cứ trêu ai lại đặt tên con “túng tiền” như thế, phải đặt là “Tiến Đồng” để mong gia đình giàu lên, đỡ vất vả.
“Lúc bầu hai thằng, vợ chồng đâu có biết là sinh đôi, chỉ thấy bụng to hơn bình thường. Đến lúc sinh hai thằng buổi sáng, buổi chiều đã có người đến gạ mua con trả cho 1 triệu (lúc đó là gần bằng chỉ vàng) nhưng tôi không bán. Dù con gái hay trai, gia đình khó khăn nhưng sinh con ra thì bằng giá nào cũng phải nuôi”, cô Thanh tâm sự.
Nói rồi, cô dừng lại lặng nhìn hai cậu con trai ngoan ngoãn, học giỏi và bảo rằng từ bé đến lớn nuôi hai em chưa bao giờ phải mắng mỏ chúng, chỉ có giục chúng nó đi ngủ sớm, không cho học quá khuya sợ ảnh hưởng đến sức khỏe.