6 vị "Bao Công đặc biệt" trong vụ án oan 10 năm, là ai?

Bùi Hải |

(Soha.vn) - Cho đến thời điểm này, chưa một tờ báo nào vẽ được chân dung của vị Bao Thanh Thiên - người đã tìm lại công lý trong vụ án biến người lương thiện thành kẻ sát nhân.

>> Toàn cảnh vụ ông Nguyễn Thanh Chấn bị xử oan ÁN OAN 10 NĂM

Nhưng dường như hình hài của vị phán quan ấy đã hiện lên phía sau những giọt nước mắt vẫn không ngừng tuôn chảy ngay cả khi ông Nguyễn Thanh Chấn đã trở lại với cuộc sống không song sắt. Nhưng đó lại là những "Bao Công" hoàn toàn khác với suy đoán của mọi người.

Chân dung "Bao Công thứ nhất" là một người đã sang thế giới bên kia. Ông là Nguyễn Văn Ngọc, một công an viên thời điểm ông Chấn bị bắt. Bằng nhạy cảm nghề nghiệp và chứng kiến sai phạm trong quá trình tố tụng, ông Ngọc tin rằng ông Chấn vô tội.

Ba năm sau đó, trước khi mất vì ung thư ông vẫn trăn trối lại cho vợ là bà Thân Thị Hải: “Em hãy làm mọi cách, phải đồng hành cùng vợ chồng em Chấn, đòi lại lẽ công bằng”. Có thể coi đó là “phán quyết đầu tiên” của một "quan tòa lương tâm" trong hành trình dài dằng dặc và đau đớn đi tới công lý của vụ án.

Vị “Bao công thứ hai” mang gương mặt một người đàn bà. Đó chính là Nguyễn Thị Chiến, người vợ quê mùa của ông Chấn.

Bà Nguyễn Thị Chiến trong giây phút xúc động mạnh khi kể về quá trình đi tìm công lý cho chồng (Ảnh: Tuấn Nam)
Bà Nguyễn Thị Chiến trong giây phút xúc động mạnh khi kể về quá trình đi tìm công lý cho chồng (Ảnh: Tuấn Nam)

Chỉ có niềm tin mạnh hơn cả sức chịu đựng của con người, niềm tin vào sự vô tội của chồng, mới có thể giúp bà Chiến lê lết vượt qua cả cơn bệnh thần kinh, sự nghèo đói và vô số mũi giáo lạnh lùng của miệng lưỡi thế gian, để không gục ngã suốt 10 năm đánh trống kêu oan. Chỉ có một ý chí sắt đá mới đủ mạnh mẽ khiến một phụ nữ nông dân như bà quyết đoán mua máy nghe lén, ghi âm, quyết đoán trở thành thám tử chuyên nghiệp tìm bằng chứng khép tội hung thủ thực sự.

Vị “Bao công thứ 3” chính là người anh em đồng hao của Nguyễn Thanh Chấn, ông Thân Ngọc Hoạt.

Ông Hoạt đã không do dự mang cắm sổ đỏ của mình lấy tiền đưa bà Chiến và sát cánh bên bà trong những năm tháng tưởng như tuyệt vọng nhất. Không có ông, đường công lý cũng có thể biến thành ngõ cụt.

Vị “Bao công thứ 4”, không ai khác chính là “phạm nhân lương thiện”. Dù tự tử không thành hai lần, nhưng trong suốt 10 năm ấy, ý chí đi tìm công lý cho chính mình, chưa bao giờ lụi tắt trong lòng Nguyễn Thanh Chấn. “Kể cả nếu tôi có chết thì bà vẫn phải đi giải oan cho tôi thì dưới chín suối tôi mới an lòng” – ông Chấn đã nói như vậy với vợ.

Vị “Bao Công thứ 5” là một… vong hồn.

Nguyễn Thanh Chấn bảo, một trong những lý do khiến ông không tiếp tục nghĩ đến cái chết, chính là vì ông tin rằng một ngày nào đó, vong linh liệt sĩ của bố ông sẽ tiếp sức giải oan cho ông. Khi không còn có thể tin vào nhiều người đang sống, thì niềm tin vào một vong hồn, lại có thể nuôi dưỡng hy vọng. Nếu ông chết trong tù, rất có thể hành trình đòi lại công lý của bà Chiến, ông Hoạt sẽ dừng lại. Mấy ai đủ sức bỏ nhiều năm ròng đi đòi công lý cho người đã chết.

Vị “Bao Công thứ 6” còn kỳ lạ hơn nữa: Đó có thể là một… bài hát. Bạn tù kể rằng: Rất nhiều đêm ngủ mê, ông Chấn đã hát Quốc ca. Giữa chốn lao tù, phải có niềm tin to lớn vào những điều tốt đẹp, vĩ đại, thì mới có thể hát Quốc ca như thế. Dù kỳ lạ, nhưng bài hát chính nghĩa ấy đã tiếp sức chiến đấu cho ông cả trong vô thức. Ngay cả trong giấc ngủ, ông Chấn vẫn tin vào những điều kỳ diệu, thì chắc chắn ông khó có thể gục ngã.

Có thể còn nhiều Bao Công khác nữa âm thầm giúp đỡ vợ con ông và đặt niềm tin cho sự vô tội của ông, nhưng đau xót thay, những Bao Công đó không mang khuôn mặt của một điều tra viên, một thẩm phán, một kiểm sát viên – những con người được giao thực thi công lý.

Khi ông Chấn được trở về với cuộc sống đời thường, thì một điều tra viên ép ông vào vòng lao lý đã chết sau một tai nạn thảm khốc. Một thẩm phán xử oan ông cũng bị tai nạn giao thông dẫn đến tai biến não. Con người ngày xưa oai vệ trên công đường, đanh thép buộc tội ông bây giờ đã không thể tự bước đi và nói không rõ tiếng.

Đó có thể chỉ là những tai nạn ngẫu nhiên, nhưng cảnh tượng ấy cũng khiến những người tin luật nhân – quả phải rùng mình.

Nếu trên công đường, trong phòng hỏi cung, trong bản luận tội, các nhà chức trách đều biết “rùng mình” như thế trước khi định đoạt một số phận con người, thì có lẽ xã hội đã có thêm nhiều Bao Công và nhân dân sẽ bớt đi rất nhiều nước mắt.

LTS: Mời Quý độc giả bình luận, phản hồi về vấn đề này. Xin gõ ý kiến vào ô Viết bình luận cuối bài báo. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại