Quan chức Việt Nam nào cần máy kiểm tra nói dối?

Bùi Hải |

(Soha.vn) - Một nghiên cứu đã đưa ra những kết quả rùng mình về nạn nói dối ở Việt Nam.

Trong phiên họp của Uỷ ban Thường vụ QH ngày hôm qua, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội đã công bố một chi tiết đặc biệt: "Có đồng chí Bí thư huyện uỷ phấn khởi báo cáo năm nay huyện em có thêm ba xã nghèo. Có gia đình được đưa ra khỏi danh sách nghèo liền phản đối quyết liệt".

Niềm vui của vị bí thư huyện uỷ kia là...rất thật, vì huyện của ông ta sẽ được cấp thêm kinh phí xoá đói giảm nghèo. Niềm vui được... ở trong diện nghèo của một số gia đình kia cũng rất thật, vì họ đã quen há miệng chờ... sung rụng.

Trước đây, ông chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trịnh Hồng Dương, khi đề cập đến tình trạng bất cập của luật pháp, lỡ miệng nói thật: “Ở nước ta án dân sự xử thế nào cũng được”.  Hơn 10 năm sau đó, câu nói “nổi tiếng” này vẫn được đưa lên “bàn mổ”.

Ông Phó chủ tịch UBND Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cũng nói rất thật tình hình ở Việt Nam hiện nay: “Ở thành phố du lịch thì không thể không có mại dâm”. Lời nói thật nhưng thiếu đi sự khôn khéo của một người làm chính trị đã mang lại cho ông nhiều tấn gạch đá.

Lời nói thật của ông Lê Khắc Ghi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Đắk Nông cũng được đưa lên trang nhất của nhiều tờ báo cùng những comment mỉa mai của độc giả. Ông Ghi nói thật: “Ngày xưa, mỗi tháng tôi còn đọc vài tờ báo, vài quyển sách chứ những năm gần đây, nói thật tôi không đọc, sách khoa học cũng không chứ đừng nói gì đến báo chí, hoàn toàn không đọc đâu các đồng chí ạ!”.

Lời nói thật thì dễ gây cay đắng như thế, nhưng lời nói dối thì lại thì lại có dư vị rất ngọt ngào. Ngọt ngào đến nỗi nó có thể trở thành một trào lưu mới trong xã hội.

GS.TS Khoa học Trần Ngọc Thêm, giám đốc Trung tâm Văn hoá học lý luận và ứng dụng (ĐHQG TP.HCM) vừa công bố một kết quả nghiên cứu rùng mình: Tỉ lệ nói dối cha mẹ của học sinh cấp 1 là 22%, cấp hai là 50%, cấp 3 là 64%, sinh viên là 80%.

Càng lớn, càng học cao càng nói dối khỏe.

Tuy kết quả khảo sát mới chỉ dừng ở vị trí sinh viên, nhưng chỉ cần đọc báo hàng ngày cũng có thể thấy: Bệnh nói dối không hề sợ độ cao. Những thông tin này toàn phát ra từ miệng những người có trách nhiệm cao và độ dối - thật của nó thì hẳn ai cũng biết: Không phát hiện mại dâm ở Quất Lâm, Đồ Sơn; Việc chạy chức ở Hà Nội chỉ là tin đồn thất thiệt; Chỉ phát hiện 1-2 vụ tham nhũng rất nhỏ ở mức xử lý hành chính sau khi tiến hành tới 804 cuộc thanh tra...

Nhà nghiên cứu lịch sử, ĐBQH Dương Trung Quốc khẳng định: “Tôi cho là trong sâu xa, nhiều cán bộ đã đánh mất một phẩm chất rất lớn của con người nói chung, đó là liêm sỉ. Với họ, nói dối, chối tội là việc rất đơn giản và có cảm giác như cơm bữa.” Cái nhận định của ông Quốc không mới, chỉ là sự nhắc lại những gì mà dân gian đã nói từ nhiều chục năm trước: Thật thà thẳng thắn thường thua thiệt/ Lọt luồn lươn lẹo lại lên lương.

Mới đây, viện Duma Quốc gia Nga, khi sửa đổi Luật Chống tham nhũng đã phải đưa vào điều khoản: Các quan chức chính phủ bắt buộc phải bị kiểm tra bởi máy phát hiện nói dối. Trước đó, một đợt kiểm tra quan chức nói dối từng diễn ra tại Kazan năm 2007 - kết quả là chính quyền thành phố đã sa thải 80 nhân viên.

Có nên lắp máy phát hiện nói dối công suất lớn ở Việt Nam?

Mời Quý độc giả gửi thư, bày tỏ quan điểm về vấn đề nói dối ở Việt Nam, xin gửi ý kiến tới tòa soạn theo email: banthoisu@soha.vn. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của Quý độc giả.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại