37 tỉ, Thương Sobey, “nụ cười động đất” và chiếc xe lăn đặc biệt

Bùi Hải |

Một “cơn địa chấn mạnh 7,8 độ richter” vừa giáng xuống đầu nhiều bệnh nhân ung thư ở Đà Nẵng và lân cận.

Đó là việc ông cựu Giám đốc Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng Trịnh Lương Trân đã trả lại hơn 37 tỉ đồng mà nhà tài trợ đã tặng để mua trang thiết bị chữa ung thư.

Hành động này có sức “công phá” tương đương nụ cười làm dậy sóng của một nữ lãnh đạo chữ thập đỏ Việt Nam, khi đứng trên đống hoang tàn sau trận động đất mạnh 7,8 độ richter ở Nepal vào tháng 4.2015.

Số phận nhiều người bệnh ung thư cũng chẳng khác gì nạn nhân động đất. Họ đều cần được chia sẻ, đồng cảm và cần được cứu, giúp.

Cũng là cười, nhưng một người phụ nữ khác đã dùng nụ cười để tiếp thêm nghị lực và lay động hàng triệu trái tim khác.

Đó là nụ cười của Thương Sobey, người sáng lập và phát triển mạng lưới ung thư vú ở Việt Nam.

Nếu so địa vị trong xã hội, Thương Sobey là một người “không có tóc” – cô chỉ là một giảng viên bình thường (“mái tóc nghĩa đen” của cô không còn sau những đợt xạ trị triền miên).

Nhưng nhiều bệnh nhân ung thư đã được “nắm lấy tóc” của cô để nuôi dưỡng thêm hy vọng chiến thắng bệnh tật, hy vọng sống và cống hiến.

Hàng triệu phụ nữ Việt đã được hưởng lợi thông qua các chiến dịch nâng cao nhận thức về ung thư vú. Hàng trăm phụ nữ ung thư được hưởng lợi từ điều trị, chăm sóc sức khỏe và làm đẹp.

Là một GĐ bệnh viện, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh TP Đà Nẵng, hiển nhiên ông Trịnh Lương Trân là một “người có tóc”.

Nhưng tại sao ông Trân nhanh chóng rút “mái tóc” mình ra khỏi những bàn tay đang cầu cứu?

Một chữ ký của ông Trân đã tước đi cơ hội được điều trị bằng máy móc hiện đại của rất nhiều bệnh nhân ung thư. Ảnh: Báo Đà Nẵng
Một chữ ký của ông Trân đã tước đi cơ hội được điều trị bằng máy móc hiện đại của rất nhiều bệnh nhân ung thư. Ảnh: Báo Đà Nẵng

Sau khi Thương Sobey qua đời, Thủy Tiên (em gái cô) nguyện tiếp tục điều hành mạng lưới ung thư vú Việt Nam.

Thủy Tiên nói: “Em hiểu rằng người đi, phải đi, người sống, phải sống tiếp”.

Khi đặt bút ký trả lại hơn 37 tỉ đồng, đúng một ngày trước khi nghỉ hưu, ông Trân đã không chọn con đường “đi tiếp” như Thủy Tiên đã chọn.

Làm việc thiện, chắc chắn không phải một thứ công việc theo nhiệm kỳ.

Bệnh ung thư, càng không phải là bệnh mắc theo nhiệm kỳ. Làm  gì có chuyện khi ông Trân không còn làm GĐ bệnh viện, thì bệnh nhân ung thư cũng hết!

Thế nhưng, cách mà ông Trân “dừng lại” và phủi trách nhiệm với bao bệnh nhân bất hạnh, lại theo đúng nhiệm kỳ quan chức của mình.

“Nhiệm kỳ sống” của Thương Sobey rất ngắn ngủi, nhưng thay vì chỉ kêu người khác cứu giúp mình, chị đem những giọt nhựa sống cuối cùng, nỗ lực tiếp sức cho bao người khác.

Có thể, trong câu chuyện trả 37 tỉ, xuất hiện những chuyện “tế nhị” nào đó về con đường đi của khoản tài trợ, điều uẩn khúc gì đó trong ý kiến của “một ông anh”, “một bà chị”, như ông Trân đã hé lộ vài lần.

Nhưng kể cả điều đó là có thật, thì ông Trân, đã không có những nỗ lực cần có, nỗ lực tối thiểu, nỗ lực cuối cùng, của một thầy thuốc nhân dân.

Ông bảo: "Nếu không trả lại gần 37,2 tỷ đồng cho nhà tài trợ, tôi thành kẻ có tội. Còn chuyển tiền cho họ thì bị quy thành kẻ đánh rơi bát cháo của bệnh nhân nghèo".

Giữa trách nhiệm hành chính và trách nhiệm lương tâm, ông Trân đã ngoảnh mặt với “bát cháo của bệnh nhân nghèo”.

Nhiều người đến khoa Thần kinh - Đầu cổ - Lồng ngực của Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng, đều thấy ở hành lang có hai chiếc xe lăn đặc biệt.

Hai chiếc xe ấy được mang vào viện sau khi bệnh nhân Nguyễn Đức Th. (đường Hoàng Văn Thụ, quận Hải Châu, Đà Nẵng) mất tròn một tháng.

Khi còn sống, bệnh nhân Th. vô cùng cảm động vì được y bác sĩ chăm sóc tận tình, tôn trọng như thượng đế.

Vì vậy, trong lời trăn trối cuối cùng, ông Th. muốn tặng 2 chiếc xe lăn cho viện để chăm sóc những bệnh nhân khác.

Giống như Thương Sobey, bệnh nhân Th. đã buộc phải dừng lại giữa chừng hành trình nhân sinh cát bụi.

Nhưng cái chết cũng không thể ngăn cản được “hành trình kéo dài giá trị sống” của ông, khi chiếc xe lăn tiếp tục nâng đỡ những người đồng cảnh ngộ.

Là GĐ một bệnh viện đã từng chữa trị miễn phí cho nhiều ngàn người bệnh, là một thầy thuốc nhân dân và một lãnh đạo hội từ thiện, chắc hẳn ông Trịnh Lương Trân phải có những đóng góp được ghi nhận cho cộng đồng.

Thế nhưng, một con người như vậy, tại sao lại có thể đưa ra một quyết định lạnh lùng, có thể gây tổn hại đến hàng ngàn người bệnh khác như vậy?

Câu hỏi ấy, ngoài ông Trân, không ai có thể trả lời thấu đáo.

Nhưng câu chuyện kỳ quặc trả lại số tiền 37 tỉ đồng, “nụ cười động đất” tai hại, nụ cười truyền lửa của Thương Sobey và lai lịch hai chiếc xe lăn đặc biệt, sẽ là một nhắc nhở ám ảnh đối với những “người có tóc”:

Đừng bao giờ vô cảm khi biết đằng sau mỗi chữ ký của mình là số phận của thảo dân!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại