Câu chuyện 37 tỷ đồng được trả lại cho nhà tài trợ của Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng đặt bên cạnh một đất nước mà tỷ lệ bệnh nhân ung thư cao nhất thế giới (trung bình mỗi năm có 110.000 người mắc bệnh- theo báo cáo của BV Bạch Mai 2014).
Tôi, không chỉ buồn mà lo sợ, thất vọng.
Bây giờ, có 2 luồng ý kiến. Một luồng thiên về bênh vực ông Trịnh Lương Trân, nguyên Giám đốc Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng, người ký quyết định trả lại tiền trước khi bệnh viện chuyển mô hình từ tư sang công một ngày.
Họ bênh vực ông Trân là vì họ cho rằng, ông Trân không được tự ý sử dụng số tiền khi chưa có sự chỉ đạo của đơn vị có quyền quyết định số mệnh của số tiền trên.
Luồng ý kiến khác, thì nghiêng về ý kiến của bà Nguyễn Thị Vân Lan, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh, rằng số tiền đó đã là của Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng, và khi chuyển mô hình thì phải chuyển sang cho Bệnh viện Ung bướu.
Lãnh đạo Đà Nẵng cũng khẳng định, việc chuyển trả lại như vậy là sai nguyên tắc. Sở tài chính Đà Nẵng cũng khẳng định, việc chuyển lại như thế là sai luật. Ngân hàng Liên Việt thì tỏ ra… ngỡ ngàng, không hiểu, không tưởng tượng nổi.
Thế nhưng, cái nút thắt để mọi chuyện đang cần phải được hiểu, đó chính là ngân hàng chỉ tài trợ cho bệnh viện tư, không tài trợ cho bệnh viện công.
Nếu xét trên nguyên tắc này, thì việc trả lại tiền cho Ngân hàng của ông Trân không thể gọi là đúng.
Về nguyên tắc giao dịch tài chính, giao dịch đã thực sự kết thúc và mọi hóa đơn chứng từ đã thể hiện Ngân hàng Liên Việt tài trợ cho Bệnh viện Ung bướu để mua sắm trang thiết bị.
Tiền đã được chuyển. Tiền đã đến rất lâu trước khi bệnh viện chuyển mô hình, chứ không phải tiền đến sau khi bệnh viện chuyển mô hình.
Lại càng không phải trong tình trạng: Khi tiền mới đến thì đùng một cái bệnh viện tư phù phép thành bệnh viện công.
Tóm lại, về nguyên tắc, thì Ngân hàng Liên Việt đang tài trợ cho một bệnh viện tư và không có một văn bản nào quy định rằng, khi bệnh viện tư chuyển thành bệnh viện công thì bệnh viện phải trả lại tiền!
Bên cạnh đó, việc anh tài trợ cho tôi, thì tài sản đó đã là của tôi. Mua trước hay mua sau là chuyện của tôi (xét ở góc độ quyền của nơi sở hữu). Việc mua các trang thiết bị cũng đã nằm trong kế hoạch.
Có nghĩa là số tiền đó đã có mục đích sử dụng rõ ràng (chắc chắn, khi ngân hàng tài trợ, họ cũng đã phải nắm kế hoạch chi tiết về việc sử dụng số tiền đó).
Vậy thì, khi chuyển mô hình, điều bắt buộc là bệnh viện cũ phải bàn giao lại số tiền cho bệnh viện mới, vì đó là tài sản, là kế hoạch công việc đang chạy để không bị ngắt quãng. Chứ không phải chấm dứt phát rụp đến như thế!
Đó là nguyên tắc tài sản.
Còn một nguyên tắc thứ 2, trong câu chuyện này, là nguyên tắc cái tâm. Một nguyên tắc không luật nào quy định, nhưng bắt buộc bất cứ ai làm nghề có lương tâm, nhất là những người làm công tác cứu người và thiện nguyện, đều phải hiểu và hành xử đúng với nó.
Tôi xin đi vào vấn đề này bắt đầu bằng một câu hỏi:
Tại sao khi số tiền về đến bệnh viện, mọi thứ đã có kế hoạch rõ ràng (tôi nhắc lại, nếu không có kế hoạch rõ ràng chắc chắn ngân hàng không tài trợ), bệnh viện và tổ chức kia không tiến hành làm ngay, mà cứ để "ngâm giấm"?
Rồi bây giờ lại đưa ra một lý lẽ: Tại ông Nguyễn Bá Thanh bị bệnh, đi điều trị và không trả lời email nên không dám sử dụng?
Mọi thứ đã nằm trong kế hoạch. Dù ông Thanh không còn thì người thừa quyền tiếp theo trong tổ chức ấy phải có trách nhiệm với công việc, đặc biệt là những việc đã nằm trong kế hoạch. Chứ tại sao cứ phải nhùng nhằng, đổ qua đổ lại.
Cuối cùng, xin lỗi các quý vị, ai là người thiệt thòi ở đây?
Tôi khẳng định luôn: Bệnh nhân. Những bệnh nhân mà sự sống được đếm bằng ngày và những trang máy móc thiết bị kia, có thể giúp kéo họ sống thêm được một ngày trên đời.
Một bên là bác sĩ chữa ung thư. Một bên là một tổ chức từ thiện. Các vị hiểu hơn bất cứ ai về ý nghĩa của sự sống trên đời. Các vị đang mỗi ngày chăm lo cho những người bất hạnh. Các vị mỗi ngày kéo dài thêm sự sống cho những số phận ngặt nghèo vì cơn bệnh quái ác.
Các vị, chứ không ai khác, sẽ hiểu được hành động chậm trễ, thậm chí trì trệ, nhùng nhằng để rồi không giải quyết được hơn 1 năm qua và rồi cuối cùng trả lại tất cả số tiền đó, là các vị đang cướp đi bao nhiêu ngày sống của những con người bất hạnh không?
Tôi không phải là bác sĩ, cũng không phải là nhà từ thiện. Nhưng tôi luôn luôn chuẩn bị mọi thứ, làm mọi thứ và quyết định mọi thứ như thể hôm nay là ngày sống cuối cùng của tôi.
Nếu giả sử, ngày hôm nay là ngày sống cuối cùng của các vị, các vị sẽ đối diện như thế nào với cái sự việc: Ngâm tiền một năm và trả lại tiền một cách đầy khó hiểu, trong khi các bệnh nhân đang chờ các vị từng ngày, để họ được có cơ hội sống thêm dù chỉ một giây?