World Cup 2018: Tại sao cả một châu lục lại đứng sau ĐT Pháp trong trận đấu lịch sử?

Nam Khánh |

Những mối liên quan trong quá khứ khiến cho ĐT Pháp trở thành nơi tụ họp của các cầu thủ có gốc gác từ nhiều quốc gia châu Phi khác nhau.

1. Sự góp mặt của các đại diện Châu Phi ở World Cup 2018 đã chính thức kết thúc kể từ ngày 28 tháng 6, tại Samara, khi Senegal bị Colombia đánh bại. Nhưng trong mắt của các fan hâm mộ đến từ "lục địa đen", vẫn còn một đội bóng mà họ cảm thấy thân thuộc còn sót lại ở giải đấu này. Đội bóng đó sẽ đối đầu với Croatia trong trận chung kết diễn ra vào tối nay.

Có ít nhất 15 cầu thủ gốc Phi đang góp mặt trong đội hình tuyển Pháp, và họ có gốc gác từ rất nhiều đất nước trên khắp châu Phi.

World Cup 2018: Tại sao cả một châu lục lại đứng sau ĐT Pháp trong trận đấu lịch sử? - Ảnh 1.

Trong đội hình Pháp có nhiều cầu thủ gốc châu Phi.

Samuel Umtiti sinh ra ở Cameroon, Steve Mandanda chào đời ở Cộng Hòa Dân Chủ Congo. Cha mẹ của Paul Pogba là dân nhập cư từ Guinea, còn của N’Golo Kante là từ Mali. Cha mẹ của Blaise Matuidi là người gốc Angola và đến với Pháp từ Cộng Hòa Dân Chủ Congo.

Kylian Mbappé có một người mẹ gốc Algeria và một người cha gốc Cameroon. Cha của Presnel Kimpembe và Steven N’Zonzi đều là người Congo. Cha của Corentin Tolisso đến từ Togo. Danh sách này vẫn còn rất dài.

Chính bản thân những cầu thủ này cũng rất tự hào về nguồn gốc cũng như sự đoàn kết giữa họ. Sau chiến thắng 4-3 của đội tuyển Pháp trước Argentina ở vòng 1/16, Kimpembe đã đăng tải một đoạn video ghi lại cảnh các đồng đội như Pogba, Benjamin Mendy và Antoine Griezmann - đang nhảy theo bài hát "Seka Seka" của nghệ sĩ người Congo Marechal.

Âm nhạc châu Phi đã theo chân đội tuyển Pháp trong xuyên suốt của hành trình của họ tại World Cup, thậm chí xuất hiện tại tất cả những sân vận động họ đặt chân đến.

Bài hát được phát mỗi khi đội tuyển Pháp ghi bàn chính là "Magic in the Air" của nhóm nhạc đến từ Bờ Biển Nga MAGIC SYSTEM, đây cũng chính là ca khúc được chọn làm bài hát chính thức của Les Bleus trước khi World Cup diễn ra, bởi Liên đoàn bóng đá Pháp.

Nhóm nhạc bốn người này đã biểu diễn trước đội hình tuyển Pháp (và huấn luyện viên Didier Deschamps) tại Clairefontaine trước khi họ hành quân đến Brazil để tham dự World Cup 2014, và kể từ đó, "Magic in the Air" đã trở thành bài hát chủ để của đội bóng này.

2. Trong con mắt của các fan hâm mộ bóng đá châu Phi, Pháp không chỉ là một đội bóng sở hữu trong đội hình nhiều cầu thủ gốc Phi.

Là một trong bốn cầu thủ sinh ra ở Cameroon được điền tên vào danh sách tham dự World Cup (cùng với bộ ba người Thụy Sĩ Moubandje, Embolo và Mvogo), những trận đấu của Umtiti ở Nga được đông đảo người dân tại đất nước sinh ra anh theo dõi, và đã có rất nhiều người thể hiện sự vui sướng rõ rệt khi anh ghi bàn vào lưới đội tuyển Bỉ để đưa Pháp vào trận chung kết.

"Bàn thắng mà cậu ấy ghi trong trận bán kết đã được hưởng ứng bởi vô số người dân ở đất nước này với sự cuồng nhiệt và say mê, đặc biệt là ở Yaounde." Njie Enow Ebai, một nhà báo của đài truyền hình quốc gia Cameroon, Radio Television, cho biết. "Một tờ báo thậm chí còn giật title: ‘NGƯỜI CAMEROON ĐÃ GIÚP PHÁP ĐẶT CHÂN VÀO TRẬN CHUNG KẾT".

World Cup 2018: Tại sao cả một châu lục lại đứng sau ĐT Pháp trong trận đấu lịch sử? - Ảnh 2.

Umtiti ghi bàn duy nhất giúp Pháp đánh bại Bỉ.

Ebai cho biết, đối với bộ phận các fan bóng đá sử dụng tiếng Pháp tại Cameroon thì việc cổ vũ cho đội tuyển Pháp là chuyện đương nhiên.

"Mọi người có xu hướng ủng hộ cho đội tuyển Pháp. Họ nhìn thấy chính bản thân mình trong đội bóng đó," ông nói.

"Nếu bạn đặt chân vào các quán bar, quán rượu và các khách sạn lớn khi họ đang phát sóng các trận đấu thuộc World Cup, bạn sẽ nhìn thấy tất cả mọi người đều khoác lên mình chiếc áo đấu của tuyển Pháp và cổ vũ đội bóng này giành chiến thắng.

Mặc dù đó không phải là đội tuyển Cameroon đang thi đấu, nhưng họ vẫn cổ vũ một cách rất cuồng nhiệt và ăn mừng đầy phấn khích."

Gốc gác Cameroon của Kylian Mbappé đã cho người dân tại đây thêm một lý do để ủng hộ Les Bleus.

Danh tiếng và sự yêu mến của đất nước này dành cho cầu thủ trẻ người Pháp lại càng tăng thêm bởi việc anh có cùng họ, cũng như vẻ ngoài khá giống với Samuel Mbappe Leppe, người đã có những màn trình diễn xuất sắc ở hàng tiền vệ của Oryx Douala trong những năm 1960, biến ông thành ngôi sao đầu tiên của bóng đá Cameroon.

World Cup 2018: Tại sao cả một châu lục lại đứng sau ĐT Pháp trong trận đấu lịch sử? - Ảnh 3.

Mbappe có gốc gác Cameroon.

Ở Mali, các fan bóng đá đã tập trung rất đông để cổ vũ cho Mbappé và đội tuyển Pháp. Tình yêu bóng đá ở Bamoko thường được phân chia rạch ròi giữa hai nhóm cổ động viên của Barcelona và Real Madrid.

Các cổ động viên của Barcelona thường có xu hướng ủng hộ đội tuyển Argentina của Lionel Messi, trong khi đó, các cổ động viên của Real Madrid sẽ ủng hộ Bồ Đào Nha của Cristiano Ronaldo. Sau khi cả Argentina lẫn Bồ Đào Nha đều bị loại, họ đều chuyển sang cổ vũ cho tuyển Pháp.

"Ở World Cup 2018, tất cả người Mali đều nói rằng châu Phi đã góp mặt đến sáu đại diện chứ không phải chỉ có năm. Đội thứ sáu đó chính là Pháp," nhà báo người Mali, Amadou Alhousseini Toure, cho biết.

"Mọi người đang cổ vũ cho tuyển Pháp nhiều hơn bất cứ đội nào khác, bởi vì các fan hâm mộ của Barca đã chứng kiến cảnh Argentina bị loại, các fan của Real Madrid cũng phải chịu đựng cảnh Bồ Đào Nha dừng bước ở vòng 1/16. Tất cả mọi người ủng hộ tuyển Pháp là vì những cầu thủ gốc Phi đang thi đấu cho họ."

Vốn là một thuộc địa cũ của Pháp, hiện nay, tin tức ở Pháp vẫn được cập nhật thường xuyên tại Mali qua các hãng truyền thông như Canal +, Radio France International và Agence France-Presse.

Đối với những người quan tâm đến bóng đá tại đất nước này, điều đó có nghĩa là các câu lạc bộ ở Pháp - rộng hơn là những cầu thủ tại Ligue 1 - thậm chí còn quen thuộc với họ hơn cả các đội bóng ở địa phương.

Ở Senegal, sự quan tâm đối với đội tuyển Pháp thậm chí đã tồn tại trong suốt nửa thế kỷ qua.

"Cha mẹ chúng tôi và những người lớn tuổi tại đây đã theo dõi tuyển Pháp từ những năm 1950 qua radio và báo chí," Mamadou Koume, một nhà báo ở Dakar, cho biết.

"Vào thời điểm đó, rất nhiều cầu thủ người Senegal đã được đặt cho những biệt danh kiểu như Kopa (dựa theo huyền thoại Raymond Kopa), Fontaine (Just Fontaine), Marche (Roger Marche), Ujlaki (Joseph Ujlaki) hoặc Jonquet (Robert Jonquet).

Mặc dù Cộng Hòa Dân Chủ Congo từng là thuộc địa của Bỉ, nhưng một lần nữa, khả năng tiếp cận của truyền hình Pháp đã cho phép nó đi sâu vào nền văn hóa của đất nước này.

"Họ đã tạo ra một sự ảnh hưởng rất lớn đến xã hội tại đất nước chúng tôi, bởi vì tất cả mọi người đều có thể theo dõi các kênh truyền hình Pháp," nhà báo người Congo, Dickson Yalla, cho biết.

"Cứ ba ngôi nhà ở Kinshasa là sẽ có một ngôi nhà sở hữu bộ giải mã Canal+, vì vậy, Pháp đã tạo ra sự ảnh hưởng mạnh mẽ đến văn hóa của chúng tôi, và chúng tôi cũng được cập nhật rất đầy đủ mọi tin tức về Pháp. Họ chính là đội tuyển quốc gia đầu tiên (ngoài đội tuyển Congo) mà người Congo được theo dõi."

Và một điều không thể tránh khỏi, đó là mối quan tâm của người Congo đến tuyển Pháp chủ yếu là bởi sự góp mặt của khá nhiều cầu thủ có quan hệ với đất nước này trong đội hình Les Bleus - Mandanda, Matuidi, Kimpembe và Nzonzi – nhưng không phải tất cả những cầu thủ có gốc Congo đều được người dân ở đây yêu thích.

World Cup 2018: Tại sao cả một châu lục lại đứng sau ĐT Pháp trong trận đấu lịch sử? - Ảnh 4.

ĐT Pháp nhận nhiều sự ủng hộ từ châu Phi.

Mandanda đã khá may mắn khi không gặp phải sự thù địch nào vì đã chủ động chọn thi đấu cho tuyển Pháp chứ không phải đội tuyển Congo (một phần lý do khiến việc này không gây ảnh hưởng lớn là nhờ có cậu em trai Parfait của anh, người hiện đang chơi ở vị trí thủ môn cho tuyển Congo).

Mặt khác, Nzonzi đã không được các cổ động viên ở đất nước này tha thứ, vì đã nhiều lần từ chối lệnh triệu tập của đội tuyển Congo trước khi chính thức có được trận đấu đầu tiên cho tuyển Pháp vào năm ngoái, ở tuổi 28.

"Steven Nzonzi đã phải nhận rất nhiều sự thù địch của người Congo. Họ có thể tha thứ cho Mandanda, nhưng Nzonzi thì không." Yalla nói.

Nzonzi không phải là cầu thủ gốc Phi duy nhất bị chính người dân ở "quê cha đất tổ" thù hận, khinh miệt. Ngay cả một cầu thủ được nhiều người yêu mến như Kante cũng bị rất nhiều fan bóng đá ở Mali khinh thường vì đã chạy theo lời gọi của tuyển Pháp, mặc dù sự thù hằn đối với anh bây giờ đã dịu đi khác nhiều.

Nabi Fekir đã tạo ra rất nhiều tranh cãi ở Algeria, vì sau nhiều tháng cân nhắc, suy nghĩ, anh đã quyết định chơi cho đội tuyển Pháp, chứ không phải đội bóng quê hương của cha mẹ anh.

"Tôi cho rằng hầu hết người dân Algeria đều có xu hướng không ưa tuyển Pháp," Maher Mezahi, một nhà báo người Algeria, cho biết.

"Đối với những người thuộc thế hệ cũ, ngay khi họ nhìn thấy quốc kì hoặc nghe quốc ca của Pháp, nó sẽ nhắc cho họ nhớ về những ký ức tồi tệ.

Thế hệ trẻ hiện nay chưa thực sự trải qua những điều đó và họ có thể hâm mộ cuồng nhiệt Mbappé hoặc Paul Pogba, và đồng cảm với những cầu thủ này, vì vậy, họ là thế hệ gắn kết mạnh mẽ với đội tuyển Pháp nhất."

Mối ác cảm Pháp càng trở nên sâu nặng hơn sau khi Didier Deschamps quyết định loại bỏ Karim Benzema và Samir Nasri – những cầu thủ Pháp gốc Algeria xuất sắc nhất 10 năm qua – và Hatem Ben Arfar – một cầu thủ gốc Tunisia - ra khỏi kế hoạch của ông.

Nasri đã từ giã sự nghiệp thi đấu cấp đội tuyển quốc gia vào năm 2014 sau khi Deschamps không điền tên anh vào đội hình tham dự kì World Cup diễn ra trên đất Brazil, và trận đấu cuối cùng của Ben Arfar cho đội tuyển Pháp là vào tháng 11 năm 2015.

Sự nghiệp trong màu áo đội tuyển quốc gia của Karim Benzema đã chấm dứt sau khi vụ bê bối tình dục với Mathieu Valbuena nổ ra ba năm trước.

Sau khi bỏ lỡ Euro 2016, Benzema đã đưa ra cáo buộc cho rằng Deschamps đang đầu hàng trước áp lực của "một bộ phận phân biệt chủng tộc tại Pháp." Khi Eric Cantona hùa theo Karim Benzema khẳng định Deschamps là một gã phân biệt chủng tộc, vị huấn luyện viên này đã đâm đơn kiện anh.

Người tiền nhiệm của Deschamps, Laurent Blanc cũng đã bị lôi kéo vào một cuộc chiến về vấn đề sắc tộc vào năm 2011. Một đoạn băng ghi âm đã cho thấy nhà cầm quân này đã có những ý kiến mang hàm ý đồng tình với ý tưởng "hạn ngạch màu da", một ý tưởng về việc hạn chế số lượng cầu thủ da màu mang hai quốc tịch thi đấu cho các đội tuyển trẻ của Pháp.

Blanc đã được FFF minh oan, nhưng trường hợp này đã cho thấy, bóng đá Pháp đang hụt hơi trong công cuộc tạo ra sự hòa hợp chủng tộc mà họ từng hô vang qua câu slogan nổi tiếng "black-franc-beur" (Đen-trắng-Ả Rập) gắn liền với đội hình Les Bleus năm 1998.

20 năm đã trôi qua kể từ chức vô địch năm 1998, đội tuyển Pháp và Deschamps đang một lần nữa chuẩn bị bước chân vào một trận chung kết World Cup khác, cùng với những cầu thủ có gốc gác từ khắp các đất nước thuộc địa trước kia.

Các vấn đề xã hội chưa được giải quyết của đất nước này đã cho thấy, sự thành công trong thể thao và hội nhập xã hội đôi khi không liên quan gì đến nhau cả.

Khi Pháp bước ra sân để bắt đầu cuộc chạm trán với Croatia ở Moscow vào chủ nhật, họ không chỉ được dõi theo bởi một quốc gia mà còn bởi cả một lục địa.

Clip World Cup: Pháp 1-0 Bỉ


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại