Vượt qua nỗi đau mất con hay con bị bạo hành: Có bình yên nào không xót xa

D.L |

“Mẹ đã mất tới 9 tháng mang nặng đẻ đau để cho con một trái tim biết đập. Đừng làm nó đau chỉ vì một ai đó không xứng đáng!”

Đó vẫn là lời nhắn gửi tôi nhớ nhất từ mẹ mình. Đã làm mẹ, ai cũng sẽ thấu hiểu cảm giác mỗi nhịp đập trái tim con là nguồn sống mạnh mẽ cho mẹ. Nhưng khi đứa con ấy đột nhiên không còn nữa hay bị bạo hành, đánh đập đến dã man, lòng mẹ sẽ sống chẳng bằng chết.

Đâu là nơi con có thể an trú, khi cuộc đời đầy rẫy những hiểm nguy?

Mấy ngày này, tôi thực sự không dám xem tin tức trên các trang mạng xã hội. Bởi nếu xem, tôi không dám chắc mình còn giữ được bình tĩnh. Hàng loạt những tin tức về bạo hành trẻ nhỏ, thậm chí là trẻ sơ sinh, trẻ bị bắt cóc rồi giết hại dã man. 

Tôi sợ nhìn thấy những hình ảnh ấy, giận dữ và đau đớn trước những mất mát mà người mẹ và gia đình của các em phải hứng chịu. Đã làm mẹ, hơn ai hết, tôi thấu hiểu đến tận cùng những nỗi đau ấy, nó như lưỡi dao đâm thẳng vào tim gan người mẹ. Không phải ai cũng có thể vượt qua mất mát quá lớn lao đó.

Vượt qua nỗi đau mất con hay con bị bạo hành: Có bình yên nào không xót xa - Ảnh 1.

Có ba nỗi đau đớn của sự mất mát gây ám ảnh nhất và luôn thường trực trong lòng mỗi người. Một là nỗi đau khi nghĩ đến việc sẽ đánh mất người mình yêu thương dù họ vẫn ở bên cạnh ta, hai là nỗi đau khi đã mất đi một người mình yêu thương, ba là nỗi đau khi đánh mất chính mình. 

Những người mẹ có con bị bạo hành dã man mà không thể biết sớm, không thể bảo vệ được con, hay những người mẹ phải chứng kiến sự ra đi quá đột ngột của con mình, chắc chắn họ đã phải nếm trải đủ ba sự đau đớn tột cùng kia.

Không đau sao được, khi cuộc sống bận rộn với nỗi lo cơm áo gạo tiền đã vô tình làm mẹ quên để ý con nhiều hơn, quên hỏi con ở trường hôm nay khóc nhiều hay cười nhiều. Khi những mâu thuẫn, xích mích của người lớn được giải quyết bằng cái chết của con trẻ. 

Thậm chí là con chỉ chạy ra mua gói bánh, rồi vĩnh viễn không về với mẹ nữa, chỉ vì bị một kẻ tâm thần cứa dao vào cổ. Tất cả vẫn ở đúng vị trí của nó, ngày mai Mặt Trời vẫn mọc, Trái Đất vẫn quay, mọi người vẫn sống, chỉ còn đó một chỗ trống trong tim người mẹ và gia đình của những đứa trẻ vô tội xấu số. Không gì có thể bù đắp được cho những nỗi đau ấy.

Người mẹ khi ấy sẽ là người khó giữ được bình tĩnh nhất, khó lòng vượt qua được nhất. Như một người mẹ ở Anh, sau khi không thể cứu sống được con mình trong trận hỏa hoạn, cô đã chọn cách kết liễu đời mình bằng việc treo cổ tự tử.

Hay như một người bạn của chị tôi, sau khi con chị bị sóng biển cuốn mất xác trong một lần gia đình đi du lịch, đã bị trầm cảm tới mức phát điên. Chị đòi li dị chồng, đòi giết chồng bởi chính anh đã không để ý trông nom con cẩn thận, vô tình để sóng cuốn con ra xa, xa mãi, rồi biến mất. 

Chị trở thành một người khác, ngày đêm gào thét gọi tên con đến khi kiệt sức rồi lại ngất đi. Cuộc sống của chị trôi qua ngày cũng như đêm, không có nổi một tia hi vọng khi đứa con gái duy nhất đã qua đời đột ngột và đớn đau như vậy.

Vượt qua nỗi đau mất con hay con bị bạo hành: Có bình yên nào không xót xa - Ảnh 2.

Một lần có duyên là mẹ con, vĩnh viễn sẽ còn tình mẫu tử

Mất mát chưa bao giờ là nỗi đau đớn dễ vượt qua. Những tổn thương về mặt thể xác và tinh thần của những đứa trẻ bị bạo hành cũng không phải là những vết thương có thể lành sẹo trong ngày một ngày hai. 

Tất cả đều cần thời gian, cần sự quan tâm của những người thân trong gia đình để có thể làm quen và đối diện với nó.

Cuộc sống này cứ như thể chưa đủ đau đớn ấy, khi cứ sáng mở mắt ra, lại thấy ngoài kia nguy hiểm hơn một chút, nhiều rủi ro hơn một chút. 

Thậm chí có thể chỉ trong một tích tắc, là chúng ta đã mất đi những gì quý giá nhất đối với mình, nhưng có một sự thật cần phải đối mặt: Ấy là chúng ta vẫn cần phải sống.

Vượt qua nỗi đau mất con hay con bị bạo hành: Có bình yên nào không xót xa - Ảnh 3.

Vợ chồng đứa em họ của tôi, cưới nhau đã 7 năm trời, vẫn không có con. Nguyên nhân bởi em dâu tôi hoóc-môn kém nên cứ chửa là sảy. Nhưng cả hai vợ chồng vẫn không ngừng nuôi hy vọng. Mất bao nhiêu tiền chạy chữa, cuối cùng cũng có thai. 

Cả nhà mừng như bắt được vàng, em dâu tôi kiêng khem vô cùng cẩn thận, hầu như chỉ ở trong nhà chẳng đi đâu. Ấy thế nhưng ông trời vẫn thử thách lòng người. Đến tuần thứ 25, em sinh non, vì con còn bé quá nên không sống nổi.

Tôi vẫn nhớ rõ khung cảnh u ám của gia đình em ngày giáp Tết. Nỗi đau như bao trùm khắp ngôi nhà, không ai dám thở mạnh, không ai dám lên tiếng, vì sợ sẽ lại nhấn chìm cả căn nhà trong nước mắt và những tiếng kêu than ai oán. 

Thế nhưng khi ấy, em dâu tôi lại là người động viên cả nhà rằng "Không sao đâu, rồi con khỏe con sẽ lại bầu. Con của con không đi đâu cả, nó rồi lại về với con thôi". Rồi phép màu cũng đến, em tôi lại bầu, là song thai, và giờ thì đã có hai đứa con - một trai, một gái khỏe mạnh bụ bẫm.

Lúc đầu, tôi thực sự cảm thấy bất ngờ và có phần khó chịu với sự lạc quan của em mình. Nhưng giờ đây, khi ngẫm lại mọi chuyện, tôi mới thấy thầm cảm ơn sự vô tư và lạc quan ấy của em mình. Đó là nụ cười an nhiên, cõi lòng tĩnh lặng trước mọi sóng gió của cuộc đời.

Nếu con bị bạo hành, và chúng ta biết quá trễ, con đã phải hứng chịu đủ những cơn địa chấn tâm lí lớn nhỏ, thì cũng đừng chỉ ngồi đấy ôm con rồi trách mình. Hãy cùng con xoa dịu vết thương, cùng con vượt qua những cú sốc bằng sự quan tâm, chăm sóc hết mình của những người làm cha, làm mẹ.

Vượt qua nỗi đau mất con hay con bị bạo hành: Có bình yên nào không xót xa - Ảnh 4.

Nếu con đột nhiên không còn nữa, hãy nghĩ rằng đó là bởi duyên của con với cõi trần đã cạn. Nhưng đừng quên một lần có duyên là mẹ con, vĩnh viễn sẽ còn tình mẫu tử. Con sẽ vẫn ở đó dõi theo mẹ, bảo vệ mẹ, ôm lấy mẹ dù mẹ không còn nhìn thấy con nữa. 

Và nếu có cơ hội, con sẽ lại về bên mẹ, một lần nữa. Chỉ cần đừng đánh mất niềm tin, và đánh mất chính mình, thì vẫn còn đó một ánh sáng le lói cuối đường hầm, nhỏ thôi nhưng sẽ không bao giờ tắt.

Đừng buông xuôi, đừng tuyệt vọng, đừng từ bỏ. Rồi hạnh phúc sẽ lại mỉm cười một lần nữa, cho những ai dám chống lại sự nghiệt ngã của dòng đời.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại