Chủ nhân giải thưởng VinFuture năm 2021 là 3 nhà khoa học với công trình nghiên cứu về công nghệ mRNA. Ảnh: TL.
Vượt qua định kiến giới để nghiên cứu khoa học
“Phụ nữ đừng để định kiến giới cản trở bản thân, hãy cứ mơ lớn” - đó là lời khuyên của GS Nguyễn Thục Quyên - Đại học California, Santa Barbara (Hoa Kỳ) dành cho các nhà khoa học nữ, trong buổi giao lưu với thành viên Hội đồng Giải thưởng và Hội đồng Sơ khảo VinFuture (diễn ra ngày 17/12). Tại phiên thảo luận thứ hai với chủ đề “Hành trình của nhà khoa học nữ: Thách thức và thành công”, GS Nguyễn Thục Quyên - đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture đã đặt ra vấn đề về định kiến giới trong nghiên cứu khoa học - điều được xem là cản trở lớn với các nhà khoa học nữ.
Một khảo sát được thực hiện trực tiếp ngay tại hội trường với câu hỏi: Điều gì mà mọi người nghĩ là thách thức lớn nhất với các nhà khoa học nữ? Kết quả, có 30,1% người tham gia cho rằng đó là rào cản từ truyền thống - văn hóa - xã hội; 25,3% cho rằng đó là vấn đề cân bằng trong cuộc sống và 12% cho rằng đó là trách nhiệm sinh nở và nuôi dưỡng con cái.
Bà Quyên tổng kết lại bằng khái niệm định kiến giới. Với các nhà khoa học nữ, để thành công, họ phải vượt qua định kiến giới nặng nề, dù ở phương Đông hay phương Tây, ở quốc gia đang phát triển hay quốc gia phát triển. Bà Quyên cũng khẳng định: Điều quan trọng nhất của giải VinFuture là có giải riêng cho phụ nữ. Các giải khác trên thế giới rất ít có giải cho phụ nữ. Nhờ điểm này có nhiều phụ nữ từ Việt Nam và các nước khác sẵn sàng gửi đề cử tới giải thưởng.
Vậy điều gì khiến nhiều nhà khoa học nữ vượt lên trên định kiến giới để thành công và đóng góp cho nhân loại? Các diễn giả của VinFuture khẳng định: Đó là niềm tin vào bản thân, dám mơ lớn và sẵn sàng tìm kiếm sự hỗ trợ bên ngoài.
Ưu tiên những đề cử có sức ảnh hưởng lớn
Chia sẻ về giải thưởng VinFuture 2022, GS Nguyễn Thục Quyên cho hay: Bạn bè thế giới ngạc nhiên nhưng cũng rất khâm phục vì tiêu chí giải VinFuture khác biệt so với các giải khoa học toàn cầu khác. Có những giải thưởng như Nobel tôn vinh những công trình khoa học đột phá hay khoa học cơ bản. Nhưng VinFuture hướng đến những đột phá có tầm ảnh hưởng và mang lợi ích đến cho nhân loại. Không phân biệt người giàu hay nghèo, mọi người đều được hưởng lợi từ những công trình VinFuture vinh danh. Đó là điều cộng đồng khoa học thế giới rất ngưỡng mộ. “Thế giới rất bất ngờ và ngưỡng mộ khi biết được rằng một giải thưởng lớn vinh danh các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực lại do một tập đoàn ở Việt Nam khởi xướng”- GS Quyên cho biết.
Theo Hội đồng giải thưởng VinFuture 2022, số lượng đề cử mà ban tổ chức nhận được năm nay cao hơn hẳn năm ngoái, với 970 công trình thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đến từ 71 quốc gia trên khắp các châu lục, tăng đáng kể so với gần 600 đề cử của năm 2021. Đây là con số ấn tượng, cho thấy sự quan tâm từ khắp thế giới với giải thưởng khoa học công nghệ toàn cầu từ Việt Nam. Chất lượng các đề cử mùa giải này cũng tốt hơn, thậm chí có nhiều phát minh mới mẻ với ngay cả ban giám khảo vốn đều là những nhà khoa học kiệt xuất.
GS Nguyễn Thục Quyên nhận định, bước sang năm thứ 2 tổ chức, số lượng đề cử tăng lên rất nhiều. Ban giám khảo và các nhà khoa học đánh giá hồ sơ rất vất vả nhưng rất vui vì giải thưởng VinFuture đã được toàn cầu biết tới nên chất lượng càng ngày càng cao hơn. Năm ngoái chất lượng các nghiên cứu đã tốt, năm nay chất lượng còn tốt hơn và có sự tham gia của nhiều ngành nghiên cứu khác nhau. Trong 50 năm đề cử có các ngành từ trồng trọt, pin năng lượng mặt trời, vật liệu mới, y khoa… Những phát minh này rất quan trọng, có ảnh hưởng tới cuộc sống. Có một số đề cử đến từ Việt Nam. Hy vọng trong tương lai, giải thưởng sẽ nhận được nhiều hơn các nghiên cứu đến từ Việt Nam.