Tại Giải thưởng VinFuture mùa đầu tiên, GS Quarraisha Abdool Karim và chồng là GS Salim Abdool Karim đã được trao giải Đặc biệt dành cho "Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển", với công trình phát triển một loại gel có chứa dược chất tenofovir giúp kháng virus HIV và ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm.
Là một trong những chủ nhân Giải thưởng VinFuture mùa đầu tiên, đồng thời là nữ giám khảo trong Hội đồng Sơ khảo của giải thưởng năm 2022, GS Quarraisha Abdool Karim mới đây vừa có những chia sẻ ấn tượng về giải thưởng, cũng như những thách thức, cơ hội của nhà khoa học tới từ các quốc gia đang phát triển.
GS Quarraisha Abdool Karim và chồng là GS Quarraisha Abdool Karim nhận giải Đặc biệt giải dành cho "Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển” trong mùa giải đầu tiên của VinFuture. Ảnh: VFP
VinFuture – Giải thưởng mang lại nhiều sự khác biệt
PV: Năm 2021, GS đến Việt Nam với vai trò là ứng cử viên của giải VinFuture. Năm 2022, GS là thành viên mới trong Hội đồng Sơ khảo của giải thưởng. Với vai trò này, GS cảm thấy thế nào?
GS Quarraisha Abdool Karim: Tôi rất hứng thú với vai trò mới này, bởi tôi có cơ hội được đọc và xem rất nhiều các đề cử là các công trình khoa học tới từ nhiều nơi trên thế giới. Tôi cũng có cơ hội biết trước những điều gì sẽ xảy ra. Đây là năm đầu tiên tôi tham gia với tư cách là thành viên hội đồng sơ khảo thì tôi mới thấy được số lượng và chất lượng, cũng như sự đa dạng của các đề cử.
Điểm khác biệt của VinFuture không chỉ là giải thưởng để tôn vinh các nghiên cứu khoa học. Bởi các nghiên cứu khoa học này tạo ra những thay đổi và tác động tới đời sống của con người. Đây cũng là mục đích sống mà tôi luôn tìm kiếm. Vì vậy, đó là lý do mà tôi không ngần ngại nhận lời mời tham gia VinFuture ngay lập tức.
Năm 2021, đây là lần đầu tiên tôi tới Việt Nam, thực sự rất hứng thú. Rất nhiều người bạn của tôi đã hỏi rằng Việt Nam như thế nào? Sau chuyến đi này, tôi và các nhà khoa học đã có những hợp tác với nhau, chẳng hạn như dự án đưa sinh viên Việt Nam về lĩnh vực y khoa đến với Nam Phi. Chúng tôi cũng có những bài giảng, những dự án nghiên cứu chung về vấn đề y tế giữa Việt Nam và Nam Phi.
GS Quarraisha Abdool Karim có những chia sẻ về thách thức và cơ hội của nhà khoa học từ các nước đang phát triển. Ảnh: VFP
PV: Năm ngoái, GS cùng với người chồng của mình đến Việt Nam và giành chiến thắng ấn tượng tại giải VinFuture. Năm nay, GS đến đây với vai trò mới, phải chăng chồng có phải là người tạo động lực cho GS?
GS Quarraisha Abdool Karim: Tôi đã ở với chồng tôi hơn 30 năm. Chúng tôi từng theo đuổi nghiên cứu nhiều dự án khác nhau, trước khi cùng nhau nghiên cứu về HIV. Những quan điểm của tôi và chồng tôi đều mang tính chất bổ sung cho nhau, giống như âm và dương. Do đó, việc tôi tham gia vào Hội đồng Sơ khảo giải thưởng VinFuture 2022 cũng không ảnh hưởng đến chồng. Sau khi nghe nói tôi được mời vào Hội đồng Sơ khảo, chồng tôi rất hào hứng. Bởi đây là cơ hội để tôi được tham gia nhiều hoạt động của giải thưởng VinFuture, đồng thời tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa những nhà khoa học ở Việt Nam và Nam Phi.
PV: Trước khi tham gia Hội đồng Sơ khảo giải thưởng VinFuture, GS đã từng tham gia vào hội đồng giải thưởng nào chưa và phải chăng có sự khác biệt?
GS Quarraisha Abdool Karim: Tôi từng tham gia vào các hội đồng giải thưởng khác nhau, chẳng hạn như hội đồng giải thưởng khoa học ở Canada, Nam Phi… Tuy nhiên, tôi thấy sự khác biệt lớn nhất giữa hội đồng giải thưởng VinFuture và các nơi khác là sự khám phá và giải thưởng hướng đến việc tạo ra được các dấu ấn lớn, ảnh hưởng lớn tới toàn nhân loại. Đây cũng là điều mà tôi ấn tượng nhất với giải thưởng VinFuture.
PV: Chủ đề giải thưởng VinFuture 2022 là "Hồi sinh và Tái thiết", vậy các đề cử năm nay có đáp ứng được tiêu chí này không, thưa GS?
GS Quarraisha Abdool Karim: Đương nhiên là có. "Hồi sinh và Tái thiết" là một chủ đề sâu sắc và được phản ánh tốt qua những đề cử năm nay. Đại dịch Covid-19 đã cho chúng ta thấy vai trò của công nghệ để hướng tới tương lai. Do đó, chủ đề "Hồi sinh và Tái thiết" cũng là lời nhắc thế giới, rằng chúng ta vẫn còn nhiều thách thức và không thể bỏ dở về những điều đang làm.
Trong số các đề cử năm nay, chúng tôi đã thấy nhiều nghiên cứu khoa học chất lượng cao. Thực tế có rất nhiều dự án mới trong giai đoạn đầu của nghiên cứu. Nhưng vấn đề quan trọng là sức ảnh hưởng và khả năng tác động của các nghiên cứu. Không quan trọng là nghiên cứu đang ở giai đoạn nào.
GS Quarraisha Abdool Karim lần đầu đảm nhận vai trò là thành viên của Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture. Ảnh: VH
PV: Nhiều người cho rằng sức hấp dẫn của giải VinFuture là đến từ tiền thưởng. Là người từng đóng ở cả hai vai trò là ứng cử viên và thành viên của Hội đồng Sơ khảo, bà nghĩ như thế nào?
GS Quarraisha Abdool Karim: Đương nhiên tiền thưởng hấp dẫn là một trong những lý do người ta lựa chọn VinFuture. Bởi giá trị giải thưởng của VinFuture thậm chí còn lớn hơn cả giải Nobel, nên mọi người đều bất ngờ vì điều này. Thế nhưng những giá trị mà VinFuture mang lại sẽ giúp giải thưởng này vươn tầm đến thế giới. Ở Thụy Sĩ sẽ có Nobel, ở Nhật Bản sẽ có giải thưởng Kyoto từ Quỹ Inamori… và ở Việt Nam sau này sẽ là VinFuture. Giải thưởng này sẽ đưa Việt Nam lên trên bản đồ thế giới về tầm vóc khoa học.
Tuy nhiên, trên hết, đối với tôi, lựa chọn VinFuture bởi đây không chỉ là nơi tôn vinh những khoa học đổi mới mà còn tạo ra những tác động để thay đổi cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới. Ngoài ra, khác biệt với các giải thưởng khác, VinFuture có tới 4 giải thưởng, trong đó có giải đặc biệt dành cho các nhà khoa học nữ. Do đó, đây là một sân chơi công bằng cho nhiều sáng kiến, nghiên cứu khoa học ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Tăng cường hợp tác trong nghiên cứu khoa học – công nghệ
PV: Làm sao để cải thiện tình hình nghiên cứu, phát triển khoa học – công nghệ ở các nước đang phát triển?
GS Quarraisha Abdool Karim: Trong lĩnh vực khoa học – công nghệ, không có sự khác biệt giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển. Do đó, điều quan trọng là phải tăng cường kết nối khắp nơi. Đầu tiên, để thiết lập mối quan hệ đối tác cần hiểu rằng chúng ta có thể làm được nhiều hơn khi tự làm.
Trong các nước đang phát triển, chúng ta cần tìm kiếm người có thể mang lại thêm giá trị. Để hiện thực hóa điều này, chúng ta cần có sự hợp tác. Đơn cử như việc đọc nghiên cứu của các đồng nghiệp trong cùng lĩnh vực. Để lựa chọn đối tác, chúng ta cũng cần "phản ứng hóa học" nào đó trong mình để có sự tôn trọng lẫn nhau dù ở mức độ phát triển khác nhau.
Khi chúng ta cùng làm việc với nhau thì có thể kết nối cả một cộng đồng để tìm ra giải pháp cho những vấn đề chung của nhân loại. Đặc biệt, khi chúng ta hợp tác với nhau thì sẽ giải quyết vấn đề đó nhanh hơn.
PV: Về việc đổi mới sáng tạo khoa học tại các quốc gia đang phát triển là không đơn giản, đâu là cách để thúc đẩy, thưa GS?
GS Quarraisha Abdool Karim: Rào cản luôn đi kèm với cơ hội. Với tôi, động lực yêu thích từ một vị GS đã hình thành tư tưởng cho tôi. Đó là khi cơ hội tới thì phải đảm bảo chắc chắn mình sẵn sàng. Thách thức đối với các quốc gia đang phát triển là hạn chế số lượng nhà khoa học đủ kĩ năng và giới hạn công nghệ không đủ cập nhật. Chúng ta cần xem ai có kỹ năng gì, đóng góp gì và trở thành một phần đội ngũ ra sao. Khi đó, chúng sẽ có đội ngũ khoa học toàn diện.
Trong khi diễn ra đại dịch Covid-19, lần đầu các rào cản được phá bỏ. Đây là lần đầu khả năng tiếp cận vắc xin là công bằng và bình đẳng toàn cầu.
Thời Covid-19, khi chúng ta còn đang tìm sản phẩm nào điều trị căn bệnh thì WHO đưa ra nền tảng đoàn kết, để rà soát mọi phác đồ. Nhờ đoàn kết chúng ta có thể chia sẻ phát kiến y học lâm sàng. Bình thường chúng ta mất 10 - 20 năm để kiểm chứng nhưng nền tảng đoàn kết cho chúng ta phản ứng nhanh chóng hơn. Tức là đổi mới sáng tạo có thể tăng tốc việc giải quyết vấn đề của nhân loại.
Do đó, chúng ta cần chung tay thu hút sự tham gia các quốc gia và các tài năng, nhằm tạo ra cơ chế đoàn kết như vậy để hành động.
PV: Nhiều bạn trẻ lựa chọn theo đuổi nhiều ngành nghề khác mà không phải là khoa học. Đối với vấn đề này, GS sẽ nói gì với các nhà khoa học trẻ?
GS Quarraisha Abdool Karim: Tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, không nhiều người chọn theo đuổi nghiên cứu khoa học.
Thế nhưng nếu chúng ta nhìn vào những bộ quần áo, điện thoại, các tòa nhà cao tầng thì đều có thể thấy rằng chúng đều là những thành quả của khoa học từ các lĩnh vực khác nhau.
Do đó, nếu chúng ta làm việc với nhau thì có thể xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn trong tương lai. Đó không chỉ dừng lại ở những tòa nhà mà còn là nhiều tiện ích cơ bản khác. Mục đích của khoa học là mang lại cuộc sống ý nghĩa không chỉ cho chúng ta mà còn cho những người xung quanh.
Tôi hy vọng khi những người trẻ có thể thấy rằng khoa học sẽ dẫn dắt thế giới và mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn ra sao thì họ sẽ có niềm cảm hứng và đam mê để theo đuổi nó, chứ không phải chạy theo TikTok, Instagram hay theo dõi Kim Kardashian.
Xin cảm ơn GS!
Lễ trao giải VinFuture 2022 sẽ diễn ra vào tối 20/12. Ảnh: VFP