Khoa học đưa châu Âu đến gần Việt Nam

PHẠM LÊ HÀ THU |

Trong chuyên ngành vật lý hạt, Việt Nam đã trở thành đối tác nghiên cứu và giáo dục của Tổ chức nghiên cứu hạt nhân châu Âu CERN (Thụy Sĩ), Viện IN2P3 (Pháp) cùng rất nhiều viện nghiên cứu và các trường đại học lớn trên thế giới.

Khoa học đưa châu Âu đến gần Việt Nam - Ảnh 1.

GS Trần Thanh Vân (giữa) gặp gỡ GS Georges Charpak (trái), chủ nhân Nobel vật lý 1992, và GS Norman F. Ramsey (phải), chủ nhân Nobel vật lý 1989 tại CERN năm 1992 - Ảnh: CERN

Đây là những thành quả có được từ các chương trình hoạt động, kết nối khoa học hiệu quả như của Trung tâm quốc tế liên ngành khoa học và giáo dục Việt Nam (ICISE) tại Quy Nhơn, Bình Định - một tổ chức khoa học được thành lập năm 2012 với rất nhiều nỗ lực của giáo sư Trần Thanh Vân và các nhà khoa học trong và ngoài nước.

GS Trần Thanh Vân: đại sứ khoa học

Mục tiêu của ICISE là phát hiện và tận dụng nguồn nhân lực trình độ cao của Việt Nam, thúc đẩy nghiên cứu khoa học đồng thời tích hợp và phát triển các công nghệ mới. Trong suốt 10 năm qua, ICISE đã đẩy mạnh trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm giáo dục với các nước phát triển, tạo điều kiện cho các nhà khoa học, các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau gặp gỡ, trao đổi và cộng tác.

GS Trần Thanh Vân sinh năm 1936 tại Quảng Bình, sang Pháp định cư từ năm 17 tuổi. Ông theo học ngành toán và vật lý tại Đại học Paris. Sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ, ông làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) cho đến khi nghỉ hưu.

Phòng thí nghiệm gia tốc quốc gia Fermilab đã tôn vinh GS Trần Thanh Vân: "Người được công nhận là bậc thầy, trưởng bối, đại sứ của các hội nghị là một nhà vật lý lý thuyết người Việt từ Đại học Paris ở Orsay. Ông là nhà sáng lập và tổ chức ba trong số các hội nghị khoa học quốc tế uy tín nhất: Rencontres de Moriond, Rencontres de Blois, và Rencontres du Vietnam. […] Những sự kiện thường niên này đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ nhà vật lý thực nghiệm và lý thuyết".

Từ kinh nghiệm tổ chức các hội nghị quốc tế lớn, GS Trần Thanh Vân và các cộng sự mở rộng hợp tác nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, kết nối các nhà khoa học Việt cũng như với nước ngoài. Ông từng mời nhiều nhà khoa học nổi tiếng đến Việt Nam, trong đó có ông Georges Charpak, nhà vật lý hạt làm việc tại CERN đoạt giải Nobel 1992. Ông cũng vận động tài trợ cho nhiều hoạt động nghiên cứu và giáo dục từ các nhà hảo tâm trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, GS Trần Thanh Vân cùng ICISE đã liên kết tổ chức nhiều khóa đào tạo cho các nhà nghiên cứu trẻ, trong đó có INSS 2016 (trường quốc tế mùa hè về vật lý neutrino - hợp tác với Fermilab) và AEPSHEP 2018 (trường vật lý năng lượng cao khu vực châu Âu và châu Á Thái Bình Dương - hợp tác cùng CERN). Hằng năm, hàng chục hội nghị và hội thảo được tổ chức và đồng tổ chức bởi ICISE thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới.

Những hoài bão trẻ tiếp bước

Bên cạnh các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước như ICISE, rất nhiều tài năng trẻ người Việt đang làm ở nước ngoài vẫn đang âm thầm đóng góp cho sự phát triển của khoa học nước nhà. Dù trên danh nghĩa cá nhân độc lập, không thuộc biên chế hay đại diện các tổ chức trong nước, họ vẫn tìm cách kết nối Việt Nam với các viện nghiên cứu lớn ở nước ngoài.

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Đại Nghĩa (ĐH Montreal, Canada) hiện đang nghiên cứu ứng dụng học sâu (deep learning) trong vật lý hạt năng lượng cao tại ATLAS - một trong bốn thí nghiệm chính của cỗ máy gia tốc hạt lớn LHC thuộc CERN, là một trong những người như thế.

Ngoài công việc nghiên cứu, anh tích cực tham gia các hoạt động liên quan đến giáo dục tại Việt Nam. TS Nghĩa và các đồng nghiệp trong và ngoài nước đã cùng nhau tổ chức nhiều seminar tại Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM, nơi anh từng theo học cử nhân ngành vật lý lý thuyết.

Các seminar bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau, từ vật lý hạt, vũ trụ học đến vật lý chất rắn, chú trọng những mảng đề tài đang được quan tâm và đầu tư phát triển, kết nối lý thuyết đến thực nghiệm, nhằm mở rộng kiến thức cũng như phương pháp tư duy cho các sinh viên. Tại các buổi seminar, sinh viên được tiếp cận nhiều đề tài khoa học đa dạng cũng như các cơ hội học tập và nghiên cứu sau đại học.

Bằng năng lực kiến thức xuất sắc, các trí thức người Việt đang trở thành những cầu nối khoa học giữa cộng đồng chuyên môn trong nước với nước ngoài theo cách đầy cảm hứng. Trong đó không thể không nhắc tới TS Nguyễn Quang Thông - chuyên gia về trí tuệ nhân tạo (AI) tại Tập đoàn Microsoft, người từng có thời gian dài làm việc tại CMS - thí nghiệm quy mô lớn thứ nhì của cỗ máy gia tốc LHC, hợp tác giữa CERN và California Institute of Technology.

Trong nhiều dự án tại CERN, TS Thông đã phát triển các thuật toán học sâu nhằm tăng độ nhạy cũng như độ chuẩn xác và chính xác của các thí nghiệm, cũng như phát triển các phần mềm phục vụ mục đích phân tích dữ liệu vật lý.

TS Thông cho rằng học vật lý không chỉ để làm vật lý, mà để học và rèn luyện tư duy lập luận từ nguyên lý cơ bản. Anh khẳng định khoa học không có biên giới, bởi khi đã đi vào kiến thức chuyên sâu thì ranh giới giữa các ngành khoa học bị xóa nhòa. Những kiến thức và kỹ năng từng học trong vật lý nay lại được anh ứng dụng vào các dự án AI ở Microsoft. Tại CERN, các ứng dụng nghiên cứu không chỉ bó hẹp trong vật lý, mà còn sử dụng rộng rãi trong đời sống, như hệ thống world wide web hay công nghệ trị liệu ung thư bằng proton (PET).

Khoa học bình đẳng, không biên giới

TS Nguyễn Quang Thông tin rằng trong khoa học các quốc gia đều bình đẳng và có thể khẳng định bản thân qua thực lực. Do đó, tiếp cận tức thời, toàn diện các kỹ năng và công nghệ đem lại cơ hội lớn để thu hút chất xám, giữ chân người tài, tìm ra các giải pháp lâu dài cho các vấn đề xã hội, từ đó nâng tầm quốc gia, giúp Việt Nam có tiếng nói và sức nặng cả trong những lĩnh vực ngoài khoa học.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại