Sau khi đưa Nga trở lại vai trò cường quốc ở Trung Đông, Tổng thống Vladimir Putin đang hướng sự chú ý tới châu Phi để nâng cao vị thế của Moscow về ảnh hưởng địa chính trị toàn cầu, theo Al Jazeera.
Tổng thống Putin vừa tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh có sự tham gia của các nhà lãnh đạo đến từ hơn 50 quốc gia châu Phi vào giữa tuần này, nhấn mạnh ý định thúc đẩy của Điện Kremlin để cạnh tranh với Mỹ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc với tư cách là các cường quốc chiến lược trong khu vực giàu tài nguyên.
"Nga đang ngày càng quan tâm hơn tới châu Phi khi coi đây là khu vực có thể phát huy sức mạnh và tầm ảnh hưởng", chuyên gia Paul Stronski từ Tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế có trụ sở tại Washington cho biết. "Những khoảng trống quyền lực được tạo ra bởi chính sách thiếu tập trung của phương Tây trong những năm gần đây đang tạo cho Nga cơ hội thú vị".
Hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày tại Sochi là một nỗ lực vực dậy các mối quan hệ dưới thời Chiến tranh Lạnh giữa các quốc gia châu Phi và Moscow. Đây được coi là một sự kiện chưa từng có trong hàng chục năm qua, đánh dấu sự trở lại của Nga với "lục địa đen".
Tuy nhiên, giới quan sát vẫn cho rằng Nga đang đến với lục địa này muộn hơn Trung Quốc và các quốc gia khác bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.
Giá trị thương mại 20 tỷ USD của Nga với châu Phi năm 2018 đã bị lấn át bởi con số 300 tỷ USD của Liên minh châu Âu (EU) và 204 tỷ USD của Trung Quốc, và chỉ bằng 1/3 so với Mỹ.
Ronak Gopaldas, giám đốc Signal Risk ở Nam Phi, một công ty quản lý rủi ro cho biết, ảnh hưởng của Moscow sẽ tăng lên nhưng sẽ không tăng theo cấp số nhân. "Tôi không nghĩ họ sẽ đến đạt được tầm ảnh hưởng như của Trung Quốc ở Châu Phi".
Đổi mới hướng đi
Giống như ở Trung Đông, nơi Tổng thống Putin tận dụng sự can thiệp thành công ở Syria để củng cố vị thế của Nga, Điện Kremlin đang khai thác ảnh hưởng mờ nhạt của Washington ngay cả khi chiến lược thịnh vượng mới của Tổng thống Donald Trump ở châu Phi đang tìm cách cứu vãn điều này.
Mặc dù chưa bao giờ vắng mặt hoàn toàn ở châu Phi, nhưng trọng tâm đổi mới của Điện Kremlin lần này sẽ đi theo hai hướng chiến lược: Hợp tác quân sự và năng lượng với các quốc gia còn khó khăn ở châu Phi, nhằm gây dựng quan hệ chặt chẽ hơn.
"Chúng tôi sẵn sàng tham gia vào cuộc cạnh tranh hợp tác với châu Phi", ông Putin nói trong cuộc phỏng vấn. "Chúng tôi thấy một số quốc gia phương Tây đang phải dùng đến áp lực, đe dọa và tống tiền, trong nỗ lực giành lại tầm ảnh hưởng và vị trí thống trị ở các thuộc địa cũ".
Tổng thống Trump cũng không muốn "lục địa đen" rời khỏi tầm ảnh hưởng của mình.
Nga, nước đã xóa 20 tỷ USD tiền nợ cho châu Phi, có kế hoạch cung cấp tài chính cho các quốc gia ít có điều kiện tiếp cận thị trường vốn.
Trong các bước đi mới nhất của mình, Moscow cũng đã ký kết các hiệp định hợp tác quốc phòng trong những năm gần đây với khoảng 15 quốc gia châu Phi.
Cùng với đó, công ty năng lượng nguyên tử nhà nước Rosatom Corp đang tìm kiếm hợp đồng trên khắp lục địa bao gồm ở Uganda, Kenya, Nigeria và Zambia.
Tuy nhiên, Nga lúc này được cho là khó có thể sánh bằng "hỏa lực tài chính" của Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm ngoái đã công bố khoản vay 60 tỷ USD, cùng các khoản tài trợ khác tại một hội nghị ở Bắc Kinh với các quốc gia châu Phi, ba năm sau khi ông từng cam kết một số tiền tương tự.
Nhân tố thích hợp
"Nga hiện là một nhân tố thích hợp trong lĩnh vực năng lượng và an ninh", chuyên gia Steven Gruzd, người đứng đầu Chương trình Quản trị và Ngoại giao của Học viện Quốc tế Nam Phi tại Johannesburg cho biết.
Ông hy vọng rằng, việc cung cấp cho các quốc gia châu Phi mối quan hệ kinh tế và chính trị chặt chẽ hơn "sẽ giúp hỗ trợ họ nhiều hơn trên các diễn đàn như Liên Hợp Quốc".
Mặc dù vậy, con đường của Nga cũng không hẳn được trải thảm đỏ. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã đóng băng một dự án điện hạt nhân trị giá hàng tỷ USD với Moscow sau khi ông nhậm chức năm ngoái.
"Nga đã thiết kế hoành tráng để trở thành một siêu cường toàn cầu một lần nữa và biết rằng họ không thể bỏ qua châu Phi, nơi được coi là một bàn cờ địa chính trị mới", chuyên gia Gopaldas tại Signal Risk nhấn mạnh. "Còn đối với các nhà hoạch định chính sách châu Phi, sự có mặt của Nga tạo ra cho họ nhiều sự lựa chọn hơn".