Ngày 22/10, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được một thỏa thuận mở rộng quyền kiểm soát của họ ở Syria và qua đó cũng cắt giảm tối đa phần lãnh thổ do người Kurd chi phối trong bối cảnh Mỹ bắt đầu rút quân khỏi quốc gia Trung Đông này.
Bản ghi nhớ 10 điểm đã được ký kết giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại khu nghỉ dưỡng Sochi bên bờ biển Đen hôm thứ Ba.
Theo các điều khoản thỏa thuận có hiệu lực từ trưa thứ Tư (23/10), quân cảnh Nga cùng với biên phòng Syria sẽ triển khai tới phần lãnh thổ phía Syria trên tuyến biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria.
Các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG) do người Kurd lãnh đạo cùng trang thiết bị vũ khí của họ sẽ buộc phải rút ra cách xa biên giới 30 km.
Những khu vực hiện đang đặt dưới sự kiểm soát của người Kurd sẽ sớm được các lực lượng quân đội Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp quản và tiến hành tuần tra chung và sẽ được chuyển thành "vùng an toàn" hoặc vùng đệm giữa lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và phong trào vũ trang người Kurd.
Theo BBC, các nhóm người Kurd vẫn chưa xác nhận liệu họ có đồng ý với thỏa thuận này hay không.
Cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đều ca ngợi đây là một thỏa thuận mang tính "lịch sử". Thế nhưng giới phê bình Mỹ, chẳng hạn như Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Bob Menendez thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện thì cho rằng, Washington đã bị "gạt sang bên lề" và không còn là bên đưa ra quyết định cho cuộc xung đột ở Syria.
"Nga và chính quyền Assad đang là những người điều khiển cuộc chơi," ông Menendez phát biểu trong phiên điều trần tại Hạ viện Mỹ hôm thứ Ba.
Vậy đâu là những bên thắng cuộc và bên thua cuộc sau thỏa thuận lịch sử giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ngày 22/10 vừa qua?
Bên thắng cuộc
1) Nước Nga và Tổng thống Putin
Trong thỏa thuận vừa đạt được, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nổi lên như một chính khách đầy quyền lực có khả năng quyết định tới vận mệnh tương lai của Syria và trên thực tế đã tiếp quản vai trò mà Mỹ từng nắm giữ.
Nhìn bề ngoài, thỏa thuận giữa ông Putin và người đồng cấp Erdogan có vẻ như khá bất ngờ bởi Nga luôn ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad còn Thổ Nhĩ Kỳ lại hậu thuẫn cho các nhóm phiến quân chiến đấu chống lại chính phủ cầm quyền Syria.
Tuy nhiên, thỏa thuận giữa hai quốc gia đã củng cố ảnh hưởng của họ ở Syria trong khi Damascus đang nỗ lực khôi phục lại đất nước sau nhiều năm nội chiến.
Theo CNN, ông Putin nói rằng Ankara và Moscow đã đồng ý tôn trọng "chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ" của Syria. Đây có thể được coi là một thành công đáng ghi nhận trong chính sách đối ngoại của Nga.
Tờ Washington Post cũng dẫn lời các nhà phân tích cho rằng thỏa thuận này đã giúp ông Assad - một đồng minh của Nga, giành lại quyền kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ bị chia cắt sau 8 năm nội chiến. Bản thân ông Assad cũng "bày tỏ sự ủng hộ tuyệt đối" thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) bắt tay Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong cuộc họp báo ngày 12/10/2019 tại Sochi. Ảnh Getty Images
2) Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng thống Erdogan
Bên chiến thắng lớn nhất trong thỏa thuận này là Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng thống Erdogan. Ankara coi lực lượng người Kurd ở Syria là mối đe dọa đến an ninh của đất nước mình bởi mối liên kết của họ với Đảng Công nhân người Kurd (PKK), tổ chức từ lâu luôn chiến đấu để giành quyền độc lập với Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ trước đây cũng đã bày tỏ lo ngại về việc Mỹ vũ trang cho kẻ thù lâu đời của mình. Ông Erdogan đã thành công khi thúc ép được Tổng thống Donald Trump rút quân ra khỏi khu vực trong cuộc điện đàm hồi đầu tháng này.
Khi ông Trump tuyên bố rút quân nốt số binh lính Mỹ còn lại, Thổ Nhĩ Kỳ đã ngay lập tức tiến hành một cuộc tấn công chống lại lực lượng người Kurd ở Syria.
Qua thỏa thuận ngày 22/10, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã có thể mở rộng vùng đệm dọc biên giới, địa bàn mà ông Erdogan tuyên bố sẽ được sử dụng để tái định cư hơn 1 triệu người tị nạn Syria phải di tản để chạy trốn cuộc nội chiến trước đây.
Trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được chính xác những gì họ mong muốn về việc thiết lập một "vùng an toàn" dọc biên giới. Ngày 17/10, Thổ Nhĩ Kỳ đã chấp thuận ngừng bắn 5 ngày để đổi lấy việc Mỹ không áp dụng các biện pháp trừng phạt tiếp theo.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Ảnh: AP
Bên thua cuộc
1) Các lực lượng do người Kurd lãnh đạo
Mặc dù người Kurd vẫn chưa đồng ý rõ ràng với thỏa thuận nhưng họ buộc phải đối diện với một quyết định khó khăn: Chống lại cuộc tấn công áp đảo từ Thổ Nhĩ Kỳ hoặc phải thừa nhận thất bại và từ bỏ vùng đất mà họ đang kiểm soát hiện nay.
Ngoài khu vực nằm dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, thỏa thuận Nga - Thổ Nhĩ Kỳ cũng yêu cầu YPG phải rút khỏi các thị trấn Manbij và Tal Rifaat, địa bàn nằm ngoài "vùng an toàn" đã thỏa thuận.
Theo Wall Street Journal, Mazloum Abdi - người đứng đầu Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo đã gửi một lá thư tới Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hôm thứ Ba rằng SDF đã hoàn thành việc rút khỏi "vùng an toàn" của Thổ Nhĩ Kỳ cho dù cả người Kurd và Ankara đều không chính thức xác nhận thông tin này.
Một quan chức cấp cao của Mỹ nói với Wall Street Journal rằng thỏa thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có nghĩa là Ankara được quyền sử dụng vũ lực chống lại người Kurd nếu họ bị phát hiện thấy bên trong "vùng an toàn".
Cờ của Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) tung bay trên vùng biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ tháng 3/2017. Ảnh: Reuters
2) Nước Mỹ và Tổng thống Donald Trump
Thỏa thuận cũng cho thấy Mỹ, về cơ bản, đã gần như bị mất hoàn toàn quyền lực trong khu vực, vì Thổ Nhĩ Kỳ và Nga tiến hành đàm phán với nhau mà không cần tới sự tham gia của Washington.
Mặc dù Mỹ chưa đưa ra bất kỳ thời hạn rõ ràng nào cho việc rút quân nhưng thỏa thuận Nga - Thổ đã chứng tỏ Mỹ không còn là bên quyết định.
Khi thỏa thuận ngừng bắn giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ sắp hết hạn, tối thứ Ba (22/10) Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã tuyên bố mạnh mẽ Mỹ chỉ còn "1 giờ 31 phút nữa" để rời khỏi Syria.
Một quan chức cấp cao của Mỹ nói với tờ Wall Street Journal rằng, chính quyền Donald Trump vẫn đang xem xét các lựa chọn rút quân đội ra khỏi Syria mặc dù Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper trước đó cho biết phần lớn binh lính Mỹ sẽ sớm được chuyển đến nước láng giềng Iraq để ngăn chặn sự hồi sinh của Nhà nước Hồi giáo.
Quân đội Nga đã ngay lập tức tiến vào khu vực này và bắt đầu chiếm các căn cứ quân sự của Mỹ để lại.
"Sự sỉ nhục vẫn chưa thể diễn tả hết những gì mà các lực lượng Mỹ đang cảm nhận thấy ngay lúc này", một quan chức quân đội thuộc liên minh do Mỹ chỉ huy chia sẻ.
Căn cứ quân sự Mỹ ở Syria như “thị trấn ma“