Trong một bài viết mới đây, Tạp chí National Interest cho biết các nhân chứng đã "nhìn thấy ngày tận thế" khi tận mắt chứng kiến vụ thử Castle Bravo.
Theo Tạp chí National Interest, không phải tất cả các vụ thử hạt nhân đều có uy lực như nhau. Một số vụ thử tạo ra các vụ nổ có sức công phá tương đương hàng chục hoặc hàng trăm tấn thuốc nổ TNT, trong khi có những vụ lại lên đến hàng chục megaton (1 megaton tương đương 1 triệu tấn TNT). Castle Bravo là vụ thử hạt nhân lớn nhất của Mỹ.
Chưa đầy 9 năm sau vụ thử hạt nhân đầu tiên có mật danh Trinity, Mỹ đã tiến hành vụ thử Castle Bravo tại đảo Bikini thuộc quần đảo Marshall ở Thái Bình Dương vào ngày 1-3-1954. Trước khi tiến hành thử nghiệm, các chuyên gia Mỹ đã tính toán kỹ mức độ phát tán phóng xạ.
Dân cư sinh sống tại các đảo cách tâm vụ nổ 60 km đều được di tản, tàu thuyền qua lại trên biển cũng được thông báo không được tiến vào khu vực cấm. “Tôi nghĩ thông điệp quan trọng nhất từ vụ Castle Bravo chính là sự ngạo mạn.
Giới khoa học và quân đội Mỹ đã cam đoan với các chính trị gia và người dân quần đảo Marshall rằng đây là một cuộc thử nghiệm an toàn. Mọi thứ đều nằm trong tầm kiểm soát và họ hiểu chuyện gì sẽ diễn ra. Thế nhưng, họ đã sai lầm tai hại”, Tạp chí National Interest dẫn lời sử gia Alex Wellerstein tại Viện Công nghệ Stevens của Mỹ cho biết.
Theo tính toán ban đầu, vụ thử Castle Bravo sẽ chỉ tạo ra vụ nổ có sức công phá khoảng 5-6 megaton, song trên thực tế lại lên tới 15 megaton, mạnh gấp 1.000 lần hai quả bom nguyên tử ném xuống Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Việc dự đoán sai các điều kiện thời tiết và hướng gió thay đổi đột ngột khiến đám mây phóng xạ bị đẩy lên cao hơn nhiều so với dự kiến, do đó mức độ phát tán phóng xạ đã vượt ra ngoài dự đoán ban đầu. Không biết được mối nguy hại, các cư dân quần đảo Marshall thậm chí còn chơi đùa với bụi phóng xạ vì tưởng là tuyết rơi.
Để rồi nhiều năm sau đó, họ gặp phải các vấn đề về sức khỏe, trong đó có tình trạng dị tật bẩm sinh và bệnh ung thư tuyến giáp.
Bụi phóng xạ tạo ra từ vụ thử Castle Bravo nhanh chóng trở thành một thảm họa quốc tế khi chúng phát tán trên một khu vực rộng hơn 7.000 dặm vuông (hơn 18.000km2).
Đáng chú ý nhất là 23 người trên một tàu đánh cá của Nhật Bản vô tình đi vào khu vực bị ảnh hưởng của vụ thử đã thiệt mạng sau đó không lâu do bị nhiễm độc phóng xạ. Sóng xung kích tạo ra từ vụ thử Castle Bravo đã phá hủy nhiều tòa nhà vốn nằm ngoài khu vực chịu ảnh hưởng theo dự kiến ban đầu.
Trong khi đó, theo trang mạng Slate.fr, các video tư liệu được ghi lại cho thấy đám mây phóng xạ hình nấm với đường kính 11km hình thành từ vụ nổ đạt đến độ cao 14km chỉ trong có một phút đầu tiên và sau đó đạt đến độ cao 40km với đường kính 100km trong vòng 10 phút tiếp theo.
Tạp chí National Interest cho biết, thủy thủ trên các tàu Hải quân Mỹ qua lại khu vực bị ảnh hưởng bởi vụ thử Castle Bravo đã sớm nhận ra bất ổn khi nhìn thấy những quả cầu lửa. Họ cảm thấy da thịt như bị chiếc đèn hàn rọi vào. “Chỉ trong vài giây, các thủy thủ nhận thấy có điều gì không ổn đang xảy ra nhưng họ không thể diễn tả thành lời.
Những người đàn ông từng kinh qua trận mạc trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 giờ đây chỉ biết quỳ gối cầu nguyện. Chúng tôi nhanh chóng thấy mình đang ở phía dưới một đám mây lớn có cả màu đen lẫn màu cam.
Đám mây dường như đang thả những quả cầu lửa đỏ rực bao trùm toàn bộ vùng biển xung quanh chúng tôi. Nhiều người trong chúng tôi nghĩ rằng mình đang tận mắt chứng kiến ngày tận thế”, một thủy thủ nhớ lại.
Theo tạp chí National Interest, các nhà khoa học Mỹ đã sai lầm trong việc lựa chọn chất đồng vị lithium để chế tạo bom dẫn đến phản ứng nhiệt hạch mạnh đến mức không thể kiểm soát được.
Điều đáng nói là cho dù hàng chục năm trôi qua kể từ khi Mỹ thực hiện vụ thử Castle Bravo, các cư dân bản địa trên nhiều hòn đảo thuộc quần đảo Marshall chưa thể hồi hương do môi trường vẫn còn trong tình trạng nhiễm phóng xạ nặng nề.
“Chúng tôi đã rời đảo Bikini và phiêu bạt hết từ đảo này tới đảo khác. Chúng tôi sẽ không bao giờ quay lại vùng đất hứa của mình”, một đại diện của cư dân đảo Bikini tên Tomaki Juda chia sẻ nhân dịp tưởng niệm 60 năm thảm họa Castle Bravo vào năm 2014.