Kênh Al Jazeera cho biết vệ tinh này được triển khai từ một căn cứ quân sự ở tỉnh Semnan. Vụ phóng vệ tinh diễn ra vào dịp kỷ niệm 41 năm thành lập IRGC. Sự kiện này còn chấm dứt hàng loạt thất bại trước đó trong chương trình phát triển không gian vũ trụ của Iran.
Tuy Tehran không công bố nhiều thông tin về sáng kiến này nhưng Thiếu Tướng Hossein Salami miêu tả đây là vệ tinh “đa mục đích” có thể mở rộng “tình báo chiến lược” của IRGC.
Không lâu sau vụ phóng vệ tinh này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Iran cần chịu trách nhiệm, đồng thời dẫn Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về vấn đề hạt nhân Iran.
Ngoại trưởng Mike Pompeo nói: “Mọi quốc gia cần phải tới Liên hợp quốc và đánh giá liệu vụ phóng vệ tinh này có nhất quán với nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hay không”.
Iran phản bác cáo buộc của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo và nhận định rằng Nghị quyết 2231 không cấm nước này phóng vệ tinh. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho rằng Mỹ và châu Âu đã hiểu sai Nghị quyết 2231 và tên lửa của Tehran không hề mang vũ khí hạt nhân.
Vụ phóng vệ tinh cũng khiến Israel để ý. Bộ Ngoại giao Israel cho biết nước này quan ngại về vụ phóng vệ tinh quân sự của IRGC. Đức, Pháp và Anh cũng bày tỏ quan ngại. Trong khi đó, Nga tuyên bố việc triển khai này không vi phạm nghị quyết của Liên hợp quốc.
Vụ phóng vệ tinh thành công của Iran diễn ra ở thời điểm xảy ra khủng khoảng COVID-19 và nước này phải đối mặt với áp lực từ lệnh trừng phạt của Mỹ. Những lệnh trừng phạt mới nhất được ban hành từ tháng 9/2019 khi Mỹ cáo buộc Iran lợi dụng cơ quan vũ trụ dân sự để phát triển chương trình tên lửa hạt nhân.
Thiếu Tướng Hossein Salami nêu rõ: “Thông điệp từ vụ phóng vệ tinh thành công là các lệnh trừng phạt không thể trở thành chướng ngại vật trên con đường phát triển của Iran mà còn thúc đẩy quốc gia này trở thành cường quốc trong khu vực”.
Chuyên gia về an ninh Trung Đông, ông Seyed Hossein Mousavian tại Đại học Princeton (Mỹ) đánh giá: “Năng lực tên lửa của Tehran là lo ngại lớn nhất đối với Mỹ và Israel trong trường hợp có tấn công hạt nhân nhằm vào Iran”.
Nhà nghiên cứu Fabian Hinz tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury (Mỹ) phân tích:
“Động cơ đẩy nhiên liệu rắn mới mà Iran sử dụng rất phức tạp và mang công nghệ then chốt trong phát triển tên lửa tầm xa. Tên lửa và công nghệ rocket của nước này đã phát triển đến mức đáng kinh ngạc trong hai thập niên qua. Thành tựu công nghệ họ đạt được cũng đáng ngưỡng mộ. Tuy nhiên, họ đã hạn chế chỉ trong tầm bắn 2.000 km”.
Ông Amirali Hajizadeh trước vụ phóng vệ tinh. Ảnh: Reuters
Khi các nước phương Tây cáo buộc Iran lợi dụng chương trình vũ trụ để che giấu tên lửa đạn đạo tầm xa, nhà phân tích Michael Elleman tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington đã phủ nhận cáo buộc này. Ông Michael Elleman cho rằng việc phóng vệ tinh của Iran chưa đạt đến mức thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Ông Seyed Hossein Mousavian đánh giá khả năng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đưa ra nghị quyết chống lại Iran là khá thấp. Ông Mousavian nói: "Washington muốn đưa vụ việc lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhưng khó có khả năng Nga và Trung Quốc chấp thuận một nghị quyết chống lại Iran".
Không giống như những lần phóng trước, vụ phóng vệ tinh thành công lần này của Iran đã qua mặt tình báo nước ngoài. Một nhà phân tích giấu tên nhận định với Al Jazeera rằng vụ phóng vệ tinh này gửi đi thông điệp rằng IRGC có thể giữ bí mật hoạt động cho đến khi phóng thành công.
Chỉ huy lực lượng vũ trụ của IRGC, ông Ali Jafarabadi phát biểu trên truyền thông địa phương rằng Iran có thể phóng vệ tinh thứ hai trong tương lai gần.Ông Fabian Hinz nhận xét: "Iran không có gì để mất bởi quan điểm cho rằng nước này sẽ bị áp đặt lệnh trừng phạt, cho dù có hạn chế chương trình tên lửa hay không".