"Cuộc chiến ngầm" ở Syria: Iran đến lúc "khăn gói" trở về hay ở lại "cạnh tranh" với Nga đến cùng?

Mạnh Kiên |

Tình bạn của Nga-Iran ở Syria là không chắc chắn. Cả hai có thể cạnh tranh để giành lấy ảnh hưởng cho riêng mình. Nhưng cuối cùng hai nước vẫn cần nhau.

Tình bạn Nga-Iran không chắc chắn.

Số lượng các cuộc tấn công của Israel ở Syria trong chín năm qua được ước tính lên đến hàng trăm.

Giữa lúc sự bùng phát dịch Covid-19 đang ảnh hưởng đến khả năng duy trì sự hiện diện quân sự ở nước ngoài của Iran – đặc biệt là ở Syria – các cuộc không kích của Israel lại càng tăng lên.

Đó dường như là một thông điệp nhấn mạnh rằng, Israel sẽ không ngừng tấn công Syria cho đến khi Iran rút lực lượng ra khỏi đất nước.

Cuộc chiến ngầm ở Syria: Iran đến lúc khăn gói trở về hay ở lại cạnh tranh với Nga đến cùng? - Ảnh 1.

Tình bạn Nga-Iran không chắc chắn.

Cuộc chiến bí mật

Chiến dịch trên không của Israel đã được duy trì một cách tương đối bí mật, do sự nhạy cảm về việc can thiệp vào cuộc chiến Syria. Trên thực tế, dù có nhiều bất đồng nhưng biên giới Syria-Israel được mô tả là khá yên tĩnh trong thập kỷ qua.

Tình hình chỉ thay đổi cho đến khi Iran can thiệp vào cuộc chiến để ủng hộ chính quyền Damascus.

"Syria đang phải trả giá cho sự hiện diện của Iran trên lãnh thổ, khi họ rơi vào cuộc chiến mà mình không liên quan. Trong khi Iran đã biến Syria từ một vùng đất lợi ích trở thành gánh nặng", tờ Times of Israel dẫn lời một quan chức quân sự Israel đánh giá.

Tuy nhiên, quan chức này cũng thừa nhận rằng Iran đã rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, khi muốn rút quân khỏi Syria cũng không phải là vấn đề dễ dàng.

Iran có thể phải chịu hậu quả kinh tế nghiêm trọng từ các lệnh trừng phạt và khủng hoảng dịch bệnh, nhưng lượng tài nguyên mà Tehran đổ vào Syria và Iraq trong thập kỷ qua cũng khiến họ không thể cắn răng mà rút đi.

"Syria đã trở thành nền tảng mà người Iran coi là hệ thống phòng thủ tiền phương của mình. Mất điều đó sẽ mất tất cả", Heiko Wimmen, giám đốc chương trình Iraq, Syria và Lebanon từ International Crisis Group nêu quan điểm.

"Mỗi đô la đầu tư để duy trì vị thế của Iran ở Syria mang lại nhiều lợi ích chiến lược hơn khi so vào mỗi đô la được đầu tư vào vũ khí quân sự - ngoại trừ các chương trình máy bay không người lái và tên lửa chính xác - vì vậy nếu họ có rút lui, tôi nghĩ chỉ là quyết định mang tính chiến thuật".

"Tôi không thấy bất kỳ kịch bản nào mà họ sẽ rời khỏi Syria một cách đúng nghĩa", chuyên gia Wimmen nói thêm.

Cuộc chiến ngầm ở Syria: Iran đến lúc khăn gói trở về hay ở lại cạnh tranh với Nga đến cùng? - Ảnh 3.

Tổng thống Assad đang vất vả cân bằng giữa Iran và Nga.

Bế tắc

Mohanad Hage Ali, chuyên gia tại Trung tâm Carnegie Trung Đông đánh giá, diễn biến gần đây ở Idlib đã nhấn mạnh sự bế tắc hiện tại ở Syria và cách mà Tổng thống Assad phụ thuộc vào hai thế lực chính Nga - Iran.

Thỏa thuận ngừng bắn được ký kết giữa hai nhà lãnh đạo Vladimir Putin và Recep Tayyip Erdogan chỉ ra rằng Nga có lẽ quan tâm nhiều hơn đến việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Thổ Nhĩ Kỳ thay vì để chính quyền Assad giành chiến thắng.

Những ngày gần đây, giới quan sát đã nói về quan hệ giữa Moscow và Damascus đã rơi xuống điểm thấp chưa từng có, với những đồn đoán cho rằng Nga không còn muốn tiếp tục ủng hộ Tổng thống Assad làm lãnh đạo Syria.

Các cuộc tuần tra chung của quân đội Nga và Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra trên đường cao tốc M4 cũng khiến cho các bước tiến quân sự của Damascus dừng lại.

"Tổng thống Assad muốn có một chiến thắng quân sự nhưng điều này là không khả thi", chuyên gia Hage Ali nói thêm. "Với căng thẳng đang nổi lên, chính quyền Assad có thể nghiêng về phía Iran để cân bằng áp lực với Nga. Nhưng điều này có thể gây ra rủi ro cho Assad khi nói đến mức độ ảnh hưởng sâu rộng của Nga trong các lĩnh vực quân sự và an ninh".

"Iran và Nga muốn những thứ khác nhau ở Syria. Đôi khi những mục tiêu này có thể xảy ra mâu thuẫn, thậm chí là chẳng mang lại điều gì cho cả hai", chuyên gia Wimmen nói. "Tình bạn của họ không chắc chắn. Họ có thể cạnh tranh để giành lấy ảnh hưởng cho riêng mình. Nhưng cuối cùng họ vẫn cần nhau, không chỉ ở Syria."

Trong khi đó, nhà phân tích Daniel Makki tin rằng, vẫn còn quá sớm để nói về nguy cơ Nga và Iran đụng độ nhau hay không, vì cả hai nước sẽ không được hưởng lợi nhiều từ việc tạo nên sự thù địch. Điều đó sẽ chỉ làm suy yếu thêm nữa quyền lực của chính quyền Damascus.

Việc Iran giảm các lực lượng quân đồng minh ở một số khu vực phản ánh các ưu tiên quân sự thay đổi của nước này. Tuy nhiên, sự hiện diện quân sự của Iran ở Syria sẽ vẫn tiếp tục do căng thẳng giữa chính quyền với Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), lực lượng nổi dậy mới của IS và tình trạng bất ổn ở Daraa.

"Không có lý do gì để dân quân Tehran rời đi. Sự hiện diện của quân đội Iran ở Syria sẽ tiếp tục trong tương lai gần và không có dấu hiệu thực sự cho thấy quy mô sẽ thu nhỏ lại, ít nhất là khi tình hình ở bốn mặt trận vẫn chưa rõ ràng", Makki nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại