Vụ không kích trung tâm mua sắm ở Ukraine: Hiện trường ám ảnh

Minh Đức |

Trong bối cảnh xung đột, cuộc tấn công nhằm vào Kremenchuk diễn ra sau khi Nga được cho là đột ngột leo thang, bắn hơn 65 quả tên lửa trên khắp Ukraine vào cuối tuần qua.

Quang cảnh đám cháy theo sau pháo kích vào một trung tâm mua sắm đông người ở thành phố Kremenchuk, miền Trung Ukraine, ngày 27/6/2022. Ảnh chụp từ video do NYT đăng lại của Reuters

Quang cảnh đám cháy theo sau pháo kích vào một trung tâm mua sắm đông người ở thành phố Kremenchuk, miền Trung Ukraine, ngày 27/6/2022. Ảnh chụp từ video do NYT đăng lại của Reuters

Các nhân viên cứu hỏa và binh sĩ Ukraine hôm 28/6 vẫn tiếp tục nỗ lực tìm kiếm những người sống sót trong đống đổ nát của một trung tâm mua sắm ở Kremenchuk, miền Trung Ukraine theo sau một cuộc tấn công tên lửa ngày hôm trước (27/6).

Các quan chức Ukraine cho biết, có thể có khoảng 1.000 người đã ở bên trong tòa nhà vào thời điểm xảy ra vụ tấn công, mặc dù con số chính xác không rõ ràng.

Trung tâm mua sắm Amstar, nằm ở trung tâm thành phố công nghiệp Kremenchuk (vùng Poltava, miền Trung Ukraine), cách không xa một cơ sở công nghiệp được cho là được sử dụng để sửa chữa xe tăng.

Ông Serhiy Kruk, người đứng đầu cơ quan dịch vụ khẩn cấp Ukraine, được trích dẫn trên Telegram cho biết, ít nhất 16 người đã thiệt mạng và 59 người bị thương, và 25 người trong số đó phải nhập viện.

Hầm tránh bom gần trung tâm mua sắm nhất nằm bên kia đường, nhưng "không phải ai cũng đến được đó", Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Denys Moosystemrskyi cho biết.

Theo vị quan chức này, tiếng còi báo động không kích đã vang lên trước đó, nhưng nhiều người đã phớt lờ.

Các video quay lại khung cảnh ngay sau cuộc không kích được đăng trực tuyến cho thấy, ngọn lửa bùng phát dữ dội khi các nhân viên dịch vụ khẩn cấp cố gắng dập tắt ngọn lửa và dân thường đưa những người bị thương lên xe cứu thương.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã dành phần lớn bài phát biểu hàng đêm của mình hôm 27/6 để nói về cuộc tấn công, gọi đây là "một trong những cuộc tấn công khủng bố thách thức nhất trong lịch sử châu Âu".

Cảnh tượng tan hoang và cú sốc tinh thần

Đến tối 27/6, truyền thông Ukraine đưa tin rằng 115 nhân viên cứu hỏa đã dập tắt được ngọn lửa lớn theo sau cuộc không kích.

“Đây là một cú sốc đối với tất cả chúng tôi… Điều tồi tệ nhất là đây là một trung tâm mua sắm. Bất kỳ ai trong số chúng tôi đều có thể đã ở đây”, tờ New York Times dẫn lời bà Olha Usanova, Phó Thị trưởng thành phố Kremenchuk, cho biết.

Nằm dọc theo sông Dnepr (Dnipro), Kremenchuk là một trung tâm công nghiệp lớn của Ukraine với các nhà máy sản xuất ô tô đường sắt và xe tải.

Vụ không kích trung tâm mua sắm ở Ukraine: Hiện trường ám ảnh - Ảnh 2.

Lực lượng cứu hỏa có mặt tại đám cháy theo sau pháo kích vào trung tâm mua sắm Amstar ở thành phố Kremenchuk, miền Trung Ukraine, ngày 27/6/2022. Ảnh chụp từ video do NYT đăng lại của Reuters


Đây cũng là nơi đặt nhà máy lọc dầu lớn nhất của Ukraine, vốn đã nhiều lần bị tên lửa Nga nhắm tới, theo các phương tiện truyền thông địa phương. Đây là một phần trong chiến lược của Moscow nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng sản xuất và lưu trữ nhiên liệu của đất nước.

Bà Usanova cho biết, một trong những đồng nghiệp của bà làm việc tại Hội đồng Thành phố đã có mặt bên trong trung tâm mua sắm khi vụ tấn công xảy ra. Ông này đã được đưa đến bệnh viện, và đã bất tỉnh, không thể tự thở.

Ông Dmytro Kravchenko, cũng là Phó Thị trưởng thành phố Kremenchuk, cho biết một người bạn của ông đã không thể liên lạc với con trai bà ấy. Người con trai này đang làm việc trong một cửa hàng bán đồ công nghệ và đồ gia dụng bên trong trung tâm mua sắm.

"Bà ấy không thể liên lạc được với con trai vì điện thoại của cậu ấy không có tín hiệu. Bà ấy sợ điều tồi tệ nhất đã xảy ra", ông Kravchenko nói.

Thêm nhiều tình tiết về vụ tấn công tên lửa vào Kremenchuk

Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết cuộc tấn công đã được thực hiện với một quả tên lửa X-22 của Nga nặng gần 2.000 pound (gần 1 tấn) và được bắn từ vùng Kursk của Nga, gần biên giới với Ukraine.

Thành phố Kremenchuk có dân số gần 220.000 người trước khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát thành hành động quân sự hồi cuối tháng 2.

Nga chưa bình luận về vụ tấn công nhưng ông Dmitry Polyanskiy, Phó Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc (LHQ), ám chỉ trên Twitter rằng vụ nổ và hỏa hoạn là do chính người Ukraine gây ra.

Ông Polyanskiy mô tả đây là một "hành động khiêu khích" của Ukraine nhằm thu hút sự chú ý của quốc tế đối với nước này trước thềm cuộc họp thường niên của các nước NATO khai mạc ngày 28/6 tại Madrid, Tây Ban Nha.

"Hãy chờ đợi những gì Bộ Quốc phòng của chúng tôi sẽ nói, nhưng đã có quá nhiều ví dụ tiêu biểu về việc một câu chuyện có những phiên bản khác nhau như thế nào”, ông Polyanskiy viết trên Twitter.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC) sẽ họp khẩn trong ngày 28/6 theo yêu cầu của Ukraine sau vụ tấn công. Phát ngôn viên LHQ Stephane Dujarric lên án cuộc tấn công bằng tên lửa.

Cuộc tấn công nhằm vào Kremenchuk diễn ra sau khi Nga đột ngột leo thang, bắn hơn 65 quả tên lửa trên khắp Ukraine vào cuối tuần qua, New York Times cho biết. Hôm 27/6, một cuộc tấn công vào thành phố Kharkiv ở miền Đông Bắc đất nước đã khiến 5 người thiệt mạng và 22 người bị thương, theo chính quyền địa phương.

Vụ không kích trung tâm mua sắm ở Ukraine: Hiện trường ám ảnh - Ảnh 4.

Nhân viên cứu hộ tại khu vực trung tâm mua sắm bị trúng tên lửa hôm 27/6/2022, ở Kremenchuk, miền Trung Ukraine. Ảnh NYT


Thành phố Lysychansk ở Lugansk thành điểm nóng giao tranh

Ở nơi tiền tuyến Donbass thuộc miền Đông, Ukraine đã phải trải qua một ngày khó khăn nữa sau khi để mất thành phố Severodonetsk vào tay các lực lượng Nga.

Pháo binh Nga đã bắn phá Lysychansk, thành phố nằm đối diện với Severodonetsk bên kia sông Siverskyi Donets.

Lysychansk là thành phố lớn cuối cùng còn do Ukraine nắm giữ ở tỉnh Luhansk, nơi chứng kiến giao tranh ác liệt kể từ đầu tháng 4 khi quân Nga chuyển trọng tâm giao tranh sang miền Đông Ukraine.

Thống đốc Luhansk Serhiy Haidai cho biết, một cuộc tấn công bằng tên lửa vào Lysychansk hôm 27/6 đã khiến 8 người thiệt mạng và 21 người khác bị thương. Chưa có bình luận ngay lập tức từ phía Nga.

Các lực lượng Ukraine vẫn kiểm soát thành phố nhưng khả năng thất thủ là cao khi Nga đổ thêm nguồn lực vào cuộc chiến, ông Haidai cho biết.

Ông Rodion Miroshnik, đại diện của Cộng hòa Nhân dân Luhansk (LPR) tự xưng tại Moscow, cho biết quân đội Nga và các đồng minh LPR đang tiến về phía tây vào Lysychansk và giao tranh đô thị đã nổ ra xung quanh sân vận động của thành phố.

Giao tranh đã xảy ra ở một số ngôi làng xung quanh thành phố, quân đội Nga và đồng minh đã tiến vào nhà máy lọc dầu Lysychansk nơi quân đội Ukraine tập trung, ông Miroshnik cho biết trên kênh Telegram của mình.

Reuters không thể xác nhận các báo cáo của phía Moscow rằng quân đội Nga đã vào thành phố.

Vụ không kích trung tâm mua sắm ở Ukraine: Hiện trường ám ảnh - Ảnh 6.

Binh sĩ Ukraine trên một chiếc xe bọc thép trên con đường chính tới thành phố Lysychansk, tỉnh Lugansk, thuộc Donbass, miền Đông Ukraine, ngày 26/6/2022. Ảnh: Getty Images


Ông Putin sẽ dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Indonesia

Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Indonesia vào tháng 11, ông Yury Ushakov, Trợ lý Tổng thống Nga, cho biết hôm 27/6.

Tuy nhiên, theo ông Ushakov, các chi tiết khác vẫn đang được bàn bạc, ví dụ vẫn chưa rõ liệu Tổng thống Putin sẽ dự hội nghị này trực tiếp hay thông qua liên kết video.

“Họ vẫn đang mời dự trực tiếp. Vẫn còn rất nhiều thời gian. Tôi hy vọng rằng đại dịch sẽ cho phép sự kiện này được tổ chức trực tiếp”, ông Ushakov nói, theo hãng thông tấn Interfax.

Hội nghị G20 năm nay bị phủ bóng bởi xung đột Nga-Ukraine. Trước khi ông Putin nhận được lời mời tham dự sự kiện từ Tổng thống Indonesia Joko Widodo, một số nước thành viên G20 đã bày tỏ quan điểm trái chiều, với một số nước như Mỹ và Canada muốn loại trừ Nga khỏi hội nghị, trong khi Trung Quốc lên tiếng ủng hộ sự hiện diện của Nga tại diễn đàn hợp tác kinh tế quốc tế này.

Hiện lãnh đạo nhiều nước phương Tây cũng chưa nhất trí về việc liệu có nên tẩy chay G20 vì sự tham dự của Nga hay không. Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 27/6 cho biết, ông vẫn đang xem xét xem có nên tới hội nghị thượng đỉnh này hay không nếu Tổng thống Nga Putin cũng tham dự.

Ông Scholz chưa đưa ra quyết định cuối cùng vì theo ông, thời gian vẫn còn kha khá, “tiến trình của thế giới vẫn có thể thay đổi rất đáng kể cho đến lúc đó”.

Vụ không kích trung tâm mua sắm ở Ukraine: Hiện trường ám ảnh - Ảnh 8.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy dự kiến sẽ cùng tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Indonesia vào tháng 11/2022. Ảnh: ABC News


Trong một cuộc phỏng vấn với đài ZDF của Đức, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng cho rằng EU cần cân nhắc kỹ xem có nên làm tê liệt toàn bộ G20 hay không.

“Tôi không ủng hộ điều đó”, bà von der Leyen nói. “Theo tôi, G20 là diễn đàn cực kỳ quan trọng đối với các nước đang phát triển và các nước mới nổi. Chúng ta không nên để cơ chế này bị phá vỡ chỉ vì ông Putin”.

Trong một nỗ lực để thúc đẩy sự thỏa hiệp, Tổng thống Indonesia cũng đã mời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tới dự hội nghị, mặc dù Ukraine không phải là một quốc gia thành viên G20.

Mỹ sẽ đặt mua cho Ukraine một hệ thống phòng không tối tân

Mỹ sẽ thông báo trong tuần về việc gửi cho Ukraine một hệ thống phòng không tối tân, đồng thời củng cố cam kết của Tổng thống Biden về việc cung cấp cho đất nước Đông Âu những thiết bị quân sự cần thiết để chống lại sự gây hấn của Nga, các quan chức Mỹ cho biết hôm 27/6, tờ New York Times đưa tin.

Chính quyền Tổng thống Biden sẽ mua cho Ukraine một hệ thống NASAMS - một hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không tầm trung và tầm xa tiên tiến - cho phép Ukraine bảo vệ lực lượng của mình từ những khoảng cách xa hơn, New York Times dẫn lời một quan chức Mỹ quen thuộc với tình hình cho biết.

Vị quan chức này còn cho biết, Mỹ sẽ ký hợp đồng với nhà sản xuất một trong những hệ thống này để mua nó cho Ukraine.

Cam kết về hệ thống phòng không này của ông Biden được đưa ra chỉ một ngày sau khi thủ đô Kiev của Ukraine một lần nữa bị dội tên lửa, khi các nhà lãnh đạo G7 đang bắt đầu hội nghị thượng đỉnh ở Đức.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói với các phóng viên tại hội nghị thượng đỉnh G7 rằng Mỹ dự định “hoàn thiện một gói bao gồm các khả năng phòng không tầm trung và tầm xa tiên tiến cho người Ukraine”, đồng thời cho biết thông tin chi tiết sẽ được cung cấp sau khi hợp đồng với nhà sản xuất được ký kết.

Vụ không kích trung tâm mua sắm ở Ukraine: Hiện trường ám ảnh - Ảnh 10.

NASAMS là một hệ thống tên lửa phòng không tầm trung đến tầm xa tối tân do công ty Kongsberg Defense & Aerospace của Na Uy hợp tác với Raytheon của Mỹ thiết kế và sản xuất. Ảnh: Army Recognition


Khi xung đột quân sự với Nga mới bắt đầu, Ukraine đã khẩn thiết yêu cầu Mỹ và các nước châu Âu khác cung cấp máy bay chiến đấu hoặc thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ đất nước để chống lại lực lượng không quân của Nga.

Ông Biden và các nhà lãnh đạo khác đã từ chối những lựa chọn trên, vì lo ngại chúng có thể châm ngòi cho một cuộc đối đầu rộng lớn hơn giữa phương Tây và Nga.

Việc cung cấp cho Ukraine các tên lửa phòng không tinh vi hơn không thể đáp ứng yêu cầu ban đầu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy.

Tuy nhiên, các quan chức cho biết, hệ thống này sẽ giúp Ukraine phòng thủ trước các cuộc tấn công từ đường không của Nga, bao gồm cả tên lửa hành trình như những quả tên lửa đã tấn công Kiev hôm 26/6.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại