Nga đã xây dựng nhiều chương trình phát triển vũ khí một cách bài bản. Nguồn: people.com.cn.
Phó thủ tướng phụ trách các vấn đề quân sự của Nga Yuri Borisov cho biết, Nga đã bắt đầu công việc nghiên cứu và chuẩn bị cho "Chương trình phát triển vũ khí Nga từ năm 2024 đến năm 2033".
Đây là sản phẩm của quá trình cải cách "diện mạo mới" chính sách quân sự của Nga, Chương trình này đánh dấu việc chế tạo vũ khí và trang bị của quân đội Nga chuẩn bị bước vào kỷ nguyên 3.0.
Hướng phát triển vũ khí mới
Nga ra mắt phiên bản đầu tiên của "Chương trình phát triển vũ khí Nga" vào năm 2010 và phiên bản 2.0 vào năm 2017.
Theo kế hoạch, phiên bản 3.0 sẽ được phát hành vào cuối năm nay. Theo truyền thông Nga, Chương trình này chủ yếu cung cấp thông tin tiếp theo về sự phát triển vũ khí và trang bị của quân đội Nga, đồng thời được coi là “chỉ dấu” cho việc phát triển vũ khí và trang bị trong nước.
Phiên bản năm 2010 của "Chương trình" chỉ ra rằng quân đội Nga sẽ ưu tiên phát triển các lực lượng hạt nhân và phòng không cũng như chống tên lửa, đồng thời phát triển các hệ thống chỉ huy liên lạc và nhận thức tình huống tiên tiến.
Dưới sự hướng dẫn của khái niệm này, trình độ hiện đại hóa của các lực lượng hạt nhân của quân đội Nga đã được cải thiện đáng kể, trong đó trung đoàn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Yars đã được tổ chức lại, trung đoàn phòng không và chống tên lửa với nòng cốt là S-400 từng bước trở thành lực lượng phòng không chủ lực.
Ngoài ra, đến năm 2015 Quân đội Nga đã xây dựng được hệ thống chỉ huy, điều khiển hiện đại.
Phiên bản 2.0 của "Chương trình" đã điều chỉnh và bổ sung nội dung của phiên bản trước, đề xuất "đẩy nhanh quá trình nâng cấp và chuyển đổi khả năng răn đe hạt nhân" và "đảm bảo rằng việc phát triển vũ khí và trang bị của quân đội Nga ở vị trí hàng đầu trên thế giới, và hiện đại hóa vũ khí thông thường chiếm hơn 70%".
Phát biểu trong cuộc họp Bộ Quốc phòng vào cuối năm 2020, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu cho biết, tổ hợp công nghiệp-quân sự Nga đã hoàn thành hơn 97% các nhiệm vụ nghiên cứ, phát triển và sản xuất trong "Chương trình", tất cả các quân binh chủng của Nga đã cơ bản hoàn thành mục tiêu mua sắm vũ khí.
Bộ Quốc phòng Nga hiện đang tiến hành nghiên cứu và chuẩn bị cho ra mắt bản “Chương trình” chính thức 3.0 vào cuối năm nay.
Truyền thông Nga tiết lộ rằng, Moscow đã tập trung vào các công nghệ tiên tiến và vũ khí khái niệm mới để đảm bảo rằng họ có vị thế vượt trội trong lĩnh vực công nghệ cao.
Theo báo cáo, Nga đang tích cực chuẩn bị cho phiên bản mới của "Chương trình" và đã liệt kê các loại vũ khí tiên tiến làm trọng tâm phát triển, với ý định đặt nền móng vững chắc cho việc phát triển vũ khí, ứng phó với những thách thức an ninh ngày càng phức tạp.
Vũ khí trong tương lai
Trong phiên bản mới của "Chương trình", Nga sẽ tiếp tục thúc đẩy việc chế tạo vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường, đồng thời tập trung vào nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, robot, vũ khí siêu thanh và vũ khí tấn công dựa trên các nguyên tắc vật lý mới.
Tính đến năm 2020, tỷ lệ hiện đại hóa vũ khí thông thường của quân đội Nga đã đạt 70,3% và mức độ hiện đại hóa của lực lượng hạt nhân đạt 86%. Theo kế hoạch, các quân binh chủng của Nga sẽ tiếp tục thúc đẩy hiện đại hóa vũ khí và thiết bị với tốc độ từ 2% đến 3% hàng năm.
Hiện tại, trong kho vũ khí siêu thanh của Nga, ngoài tên lửa Avangard, Kinzhal đã đưa vào hoạt động, thiết bị lặn không người lái Poseidon và tên lửa hành trình siêu vượt âm Zircon cũng đã bước vào giai đoạn thử nghiệm.
“Ngư lôi” Poseidon của Nga khiến cả thế giới lo sợ. Nguồn: people.com.cn. |
Ngoài ra, Nga gần đây đã tiết lộ kế hoạch thiết kế các phương tiện hạng nhẹ mang các loại đạn vượt siêu thanh, chẳng hạn như bom lượn, đồng thời đã liên tục phát triển các biện pháp cân bằng chiến lược không đối xứng.
Trong 10 năm tới, máy bay không người lái hạng nặng với đại diện là " Altius" và "Hunter" sẽ trở thành chủ lực của Lực lượng không quân vũ trụ Nga (VKS Nga). Nhiều hệ thống tác chiến điện tử mới cũng sẽ trở thành lực lượng nòng cốt của Nga.
Các chuyên gia quân sự Nga cho rằng "Chương trình" mới sẽ giới thiệu "các kế hoạch phát triển vũ khí và thiết bị trong điều kiện khí hậu phức tạp của Bắc Cực".
Nhiều khó khăn chờ đợi
Một số nhà phân tích cho rằng, “Chương trình” phiên bản mới của Nga có triển vọng thực hiện, tuy nhiên sẽ đối mặt với những khó khăn nhất định trong quá trình thực hiện.
Một mặt, công nghệ hiện đại của quân đội Nga vẫn còn những thiếu sót, về lâu dài sẽ khó bù đắp, mặt khác, ngân sách quốc phòng của quân đội Nga đang giảm dần qua từng năm, điều này không phù hợp với sự “ổn định và hỗ trợ tài chính liên tục ”được đề xuất trong "Chương trình".
Ngoài ra, dưới sự phong tỏa công nghệ của phương Tây, Nga vẫn đang gặp khó khăn trong việc nghiên cứu các thành phần điện tử hàng không, màn hình tinh thể lỏng, vật liệu tàng hình và máy bay không người lái quy mô lớn.
Thực tế cho thấy, nhiều vũ khí và thiết bị mới, bao gồm cả xe tăng T-14 và máy bay tiêm kích tàng hình Su-57, đã bị thiếu hụt kinh phí, khiến thời gian chế tạo liên tục bị kéo dài.
Ngoài ra, do bị ảnh hưởng bởi ngân sách và các kế hoạch chiến lược khác của quân đội Nga cũng đã phải nhiều lần điều chỉnh lại, điển hình như chương trình chế tạo tàu sân bay mới.