‘Vũ khí ngày tận thế’ Burevestnik và ngư lôi Poseidon hứng chỉ trích

Thanh Bình |

Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí Marshall Billingslea đã gọi các dự án tên lửa Burevestnik và ngư lôi Poseidon của Nga là “khủng khiếp” và kêu gọi đóng các dự án này.

RIA Novosti đưa tin hôm 3/7, ông Billingslea viết trên Twitter: “Chúng tôi đã nhiều lần cảnh báo rằng tên lửa Burevestnik và ngư lôi Poseidon là những dự án khủng khiếp. Không quan trọng là Nga có chịu trách nhiệm cho sự cố gần đây nhất hay không, điều này cho thấy tại sao Nga phải đưa các dự án này “vào kho”.

Một sự lãng phí tiền bạc lớn. Hiện chúng không nằm trong Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START-3), nhưng thỏa thuận tiếp theo sẽ bao gồm chúng”.

Đây là những bình luận của ông về một bài báo trên tạp chí Forbes, đưa ra tài liệu cho rằng lý do khiến bức xạ nền gần đây gia tăng có thể là vì thử nghiệm của một trong những vũ khí này.

Cuối tuần trước, một số phương tiện truyền thông cho biết vào đầu tháng 6, các cơ quan an toàn hạt nhân và phóng xạ của Thụy Điển, Na Uy và Phần Lan đã ghi nhận sự gia tăng nhẹ nồng độ các đồng vị phóng xạ của lò phản ứng có nguồn gốc trong bầu khí quyển trên lãnh thổ Bắc Âu.

Theo tính toán của Viện sức khỏe cộng đồng và môi trường quốc gia Hà Lan (RIVM), những đồng vị này được cho là đến từ Nga và nguyên nhân của sự cố có thể là do sự suy giảm của pin nhiên liệu trong lò phản ứng của bất kỳ nhà máy điện hạt nhân nào.

Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov hôm 29/6 cho biết, không có cảnh báo nào về các mối đe dọa hoặc tình huống khẩn cấp có thể gây ra sự gia tăng mức độ phóng xạ ở Nga, hệ thống giám sát an toàn bức xạ ở Nga là hoàn hảo.

Cũng theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), khí thải ở Bắc Âu không gây hại cho sức khỏe con người và môi trường. IAEA sau đó tuyên bố hơn 40 quốc gia bao gồm Nga đã báo cáo rằng không có sự kiện nào được ghi nhận trên lãnh thổ của họ có thể dẫn đến tăng nồng độ đồng vị phóng xạ trong không khí.

Nhận xét về bình luận của ông Billingslea, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính trị-quân sự thuộc Đại học Quốc gia Quan hệ Quốc tế Moscow (MGIMO), Tiến sĩ khoa học lịch sử Alexey Podberezkin cho biết, mối quan tâm của Mỹ về chi tiêu quốc phòng của Nga là “giả tạo và ngu ngốc”, đồng thời nhấn mạnh trên thực tế Hoa Kỳ đang lo lắng về điều khác.

“Liên quan đến các hệ thống vũ khí mới, bao gồm tên lửa Burevestnik, đây là những hệ thống thay đổi cán cân chiến lược khá rõ ràng. Theo đó, chúng làm mất giá trị nhiều chương trình của Mỹ liên quan đến nỗ lực tiến hành cuộc tấn công.

Trong hệ thống tên lửa Burevestnik, tên lửa có tầm bắn không giới hạn, nó có thể tấn công từ bất kỳ hướng chiến lược nào. Và điều này có nghĩa là các hệ thống phòng không và tên lửa do Mỹ tạo ra trong 25 năm qua đã tiêu tốn hàng chục tỉ USD”, ông Podberezkin bình luận.

Thượng nghị sĩ Franz Klintsevich thuộc Ủy ban Hội đồng Quốc phòng và An ninh Nga cũng đưa ra bình luận, những lo ngại của người Mỹ về các tên lửa mới của Nga là vì Hoa Kỳ sẽ không có bất cứ loại vũ khí nào như vậy trong khoảng 20 năm nữa.

Ông Klintsevich cho rằng, mong muốn mở rộng phạm vi của hiệp ước START-3 đối với tên lửa Burevestnik và ngư lôi Poseidon là nỗ lực lặp lại của 40 năm trước.

Ngoài ra, ông Klintsevich nhớ lại sự chấm dứt đơn phương của người Mỹ trong Hiệp ước về loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn. “Người Mỹ đã buộc tội chúng tôi vi phạm thỏa thuận này và khi nó không còn tồn tại, họ đã thử một tên lửa hành trình mới đúng một tháng sau đó”, nghị sĩ Klintsevich giải thích.

Theo ông Klintsevich, người Mỹ tạo ra nội dung như vậy có tính đến cuộc chiến thông tin áp đặt lên Nga. “Tất nhiên, tình huống này là do thực tế họ đã làm từ 15-20 năm trước. Dù sao, điều này diễn ra rất nhiều. Bây giờ chúng ta sẽ tìm kiếm một số giải pháp mới”, ông Klintsevich nhấn mạnh.

Ông Klintsevich cho rằng, chiến lược phòng thủ của Nga không bao gồm việc tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang và cung cấp vũ khí cho các nước khác.

Sự ra mắt của tên lửa Burevestnik tạo ra định danh vũ khí hoàn toàn mới là tên lửa chiến lược được trang bị động cơ hạt nhân với tầm bắn và thời gian hoạt động không giới hạn, có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân và nhiều tính năng chưa từng có tiền lệ khác.

Song song với Burevestnik, Nga tiếp tục công bố kết quả thử nghiệm của một tổ hợp siêu vũ khí khác: Ngư lôi Poseidon. Tương tự như Burevestnik, ngư lôi này được trang bị động cơ hạt nhân có tầm hoạt động gần như không giới hạn và đạt tốc độ tới 108 hải lý/h (hơn 200 km /giờ)

Đối với một thiết bị hoạt động dưới nước, đây thực sự là tốc độ siêu cao. Để so sánh, tàu ngầm hạt nhân nhanh nhất thế giới đạt tốc độ tối đa là 44,7 hải lý/h (83 km /giờ). Theo thông tin từ Tổ hợp Công nghiệp quốc phòng Nga, Hải quân Nga sẽ nhận tới 32 siêu ngư lôi Poseidon và 2 tàu ngầm mang ngư lôi để trang bị cho Hạm đội phương Bắc và Hạm đội Thái Bình Dương.

Trước đó, Hiệp ước START mới được ký kết vào ngày 8/4/2010 tại Prague (Cộng hòa Czech) thay thế các hiệp ước về giảm trừ vũ khí hạt nhân chiến lược đã ký kết trước đó. Hiệp ước có hiệu lực ngày 5/2/2011, dự kiến sau 10 năm (tức đến tháng 2/2021) sẽ hết hiệu lực và có thể kéo dài đến năm 2026 nếu hai bên đồng ý.

Hiệp ước START mới quy định Mỹ và Nga phải cắt giảm 50% số đầu đạn hạt nhân chiến lược, hạn chế mỗi bên chỉ được triển khai 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược và 700 tên lửa gồm tên lửa liên lục địa, tên lửa đạn đạo bắn từ tàu ngầm và từ máy bay ném bom hạng nặng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại