Mối đe dọa từ Trung Quốc
Theo chuyên gia Loren Thompson trên tạp chí Forbes, khi Liên Xô sụp đổ và Hải quân nước này rời bỏ các đại dương trên thế giới, Hải quân Mỹ đã chuyển hướng trọng tâm từ việc bảo toàn các tuyến đường biển sang việc định hình các hoạt động trên bờ biển hoặc ở vùng biển cận bờ.
Đây là một bước đi logic, bởi các tổ chức khủng bố liên tục đe dọa trật tự được thiết lập ở vịnh Ba Tư – khu vực sản xuất dầu mỏ hàng đầu của thế giới, nhưng tạo ra rất ít mối đe dọa đối với vị thế thống trị hàng hải của Mỹ.
Song, suốt 2 thập kỷ, Washington đã miệt mài với những cuộc chiến ở tây nam Á. Trong lúc ấy, Trung Quốc đã trỗi dậy thành một đối thủ kinh tế lớn của Mỹ.
Khi Bắc Kinh dần chuyển hóa sức mạnh kinh tế thành sức mạnh quân sự, các nhà hoạch định quốc phòng Mỹ - từ chỗ gần như không mảy may lo lắng gì về Trung Quốc – đã bắt đầu lo ngại rằng nước này có thể ngăn các lực lượng Mỹ tiếp cận khu vực.
Trong lúc quá trình chuyển hóa của Trung Quốc đang tiến triển thì Nga cũng bắt đầu tái xây dựng sức mạnh quân sự. Do đó, không ngạc nhiên khi trọng tâm trong chiến lược quốc phòng quốc gia Mỹ gần đây nhất đã chuyển từ "chống khủng bố toàn cầu" sang "đối phó với các đối thủ tái trỗi dậy".
Mối nguy hiểm mà Nga đang tạo ra chủ yếu là ở trên bộ. Trong khi đó, Trung Quốc muốn cạnh tranh xem ai sẽ thống trị Tây Thái Bình Dương.
Hải quân Mỹ đóng vai trò quan trọng trong việc đối phó với sức mạnh quân sự đang gia tăng của Trung Quốc. Tuy nhiên, 2 thập kỷ Washington "sa lầy" ở những vùng chiến sự như Afghanistan và Iraq đã khiến Hải quân Mỹ không được trang bị đầy đủ để chuẩn bị cho viễn cảnh tác chiến chống lại những đối thủ ngang tầm.
Mặc dù đã đầu tư những khoản tiền khổng lồ để phòng thủ tàu chiến trước các cuộc tấn công tên lửa nhưng Hải quân Mỹ vẫn chưa dốc thêm nhiều nguồn lực vào các loại vũ khí có thể tiêu diệt tàu chiến đối phương.
Các loại tàu chiến mặt nước cơ bản của Hải quân Mỹ (tàu khu trục, khinh hạm, tuần dương) hiện không được trang bị vũ khí chống tàu. Những loại được trang bị thì lại bị lép vế về tầm bắn so với các tên lửa chống tàu cơ động, siêu thanh mà Trung Quốc đang triển khai.
Tình cảnh này không khác mấy so với thách thức mà Lục quân Mỹ đang đối mặt ở châu Âu, tại đây, hỏa lực tầm xa của Nga đang vượt trội hơn nhiều so với vũ khí của NATO.
Lục quân Mỹ đã đáp trả bằng cách ưu tiên đầu tư hàng đầu vào các loại đạn chiến thuật tầm xa hơn, trong khi Hải quân Mỹ cũng bắt đầu có động thái tương tự với các loại vũ khí chống tàu.
Vũ khí lý tưởng
Trọng tâm tức thời của Hải quân Mỹ lúc này là phát kiến được Cơ quan Các dự án nghiên cứu Quốc phòng tiên tiến của Mỹ ủng hộ, đó là Tên lửa Chống tàu Tầm xa (LRASM).
Do tập đoàn Lockheed Martin chế tạo, LRASM là phiên bản điều chỉnh và cải tiến của mẫu tên lửa hành trình tàng hình đã được trang bị cho các máy bay ném bom và tiêm kích của Không quân Mỹ để thực hiện nhiệm vụ chống tàu. Phiên bản tăng tầm bắn dành cho Không quân có thể đạt tới hơn 960km.
Hải quân Mỹ chưa nói rõ tầm bắn của LRASM là bao nhiêu nhưng có thể chắc rằng nó sẽ có tầm bắn bao phủ toàn bộ khu vực nối giữa lục địa Trung Quốc và chuỗi đảo ngoài khơi nước này, trải dài từ bắc Philippines, qua Đài Loan, tới quần đảo Nhật Bản.
"Chuỗi đảo thứ nhất" đang nắm giữ một vị trí quan trọng trong chiến lược quân sự của Trung Quốc, bởi nó định rõ khu vực mà trong đó Bắc Kinh tin rằng họ phải chiếm ưu thế nếu xảy ra một cuộc chiến tranh đông-tây.
Hải quân Mỹ đang muốn xoay chuyển tình thế với Hải quân Trung Quốc bằng cách chuyển khu vực "chống tiếp cận" mà Bắc Kinh đang lên kế hoạch sang một vùng không gian khác để từ đó, Hải quân Trung Quốc không thể trốn thoát vào vùng ẩn náu trong Thái Bình Dương.
Nó tương tự như chiến lược "kiềm chế" mà Washington đã theo đuổi thời Chiến tranh Lạnh. LRASM là vũ khí lý tưởng để chiếm ưu thế tại các khu vực hành lang hẹp trong chuỗi đảo thứ nhất, để sức mạnh hải quân của Trung Quốc bị kìm nén ngay gần ngưỡng cửa của họ và sẽ bị phá hủy nếu cần thiết.
Điều gì khiến LRASM trở thành vũ khí lý tưởng trong mục đích này? Đầu tiên, đó là khả năng tàng hình. Các radar hải quân của Trung Quốc không thể phát hiện ra nó nên sẽ không thể đánh chặn.
Thứ hai, LRASM có tầm bắn xa hơn các loại tên lửa chống tàu thế hệ trước, cho phép Hải quân Mỹ phóng từ cự lý xa hơn tầm với của các loại vũ khí Trung Quốc.
Thứ ba, nó có thể được triển khai từ nhiều phương tiện phóng, như máy bay ném bom, tiêm kích hạm, các hệ thống phóng thẳng đứng trên tàu chiến, thậm chí là từ các hệ thống phóng trên bộ.
Thứ tư, một khi được phóng đi, LRASM sẽ hoạt động một cách tự động, tìm kiếm và tấn công vào vị trí hiểm hóc nhất trên tàu chiến đối phương.
Thứ năm, nó được thiết kế để hoạt động hiệu quả ngay cả khi liên kết giữa tín hiệu GPS và hệ thống thông tin liên lạc bị gây nhiễu, đó là nhờ cảm biến dẫn đường chính xác do công ty BAE Systems chế tạo.
Đó là rất nhiều những điểm cộng dành cho một hệ thống có chi phí chỉ bằng một phần chi phí mà Trung Quốc đang bỏ ra để xây dựng các loại tàu chiến – mục tiêu tương lai của LRASM.
Với đầu đạn nặng hơn 450kg – mạnh hơn nhiều so với đầu đạn của các loại tên lửa chống tàu khác – LRASM chắc chẳn sẽ gây tổn hại nặng nề cho tàu chiến đối thủ.
Ngoài ra, do LRASM gần như chắc chắn sẽ xuyên thủng mục tiêu nên nó sẽ tiêu tốn chi phí cho mỗi đợt tấn công ít hơn các loại tên lửa khác.
Vì thế, không khó để hiểu tại sao cơ quan nghiên cứu hàng đầu của Lầu Năm Góc và Hải quân Mỹ đều nhất trí rằng, tên lửa hành trình tàng hình của Không quân là vũ khí hoàn hảo để bù đắp chỗ trống trong năng lực chống tàu của Mỹ.
Lockheed thử nghiệm tên lửa LRASM
Xác suất tiêu diệt cao đóng vai trò đặc biệt quan trọng khi Hải quân Mỹ phải đối mặt với các tàu chiến Trung Quốc, với số lượng khổng lồ, ở gần cảng nhà của họ, do Hải quân Mỹ không thể tái nạp đạn ngay trên biển.
Họ cần một loại vũ khí không chiếm nhiều không gian trong ống phóng nhưng lại có khả năng gây ra tổn thất nghiêm trọng cho đối phương, để tối đa hóa năng lực chiến đấu của các hệ thống trên khoang.
Không quá khi nói rằng, nếu được trang bị LRASM, một nửa tá tàu chiến của Mỹ có thể vô hiệu hóa hầu hết các chiến hạm cỡ lớn của Hạm đội Trung Quốc. Đó là chưa tính đến tiềm năng tác chiến của các phương tiên khác trang bị LRASM.
Một máy bay ném bom B-1 có thể mang theo 24 tên lửa LRASM, mỗi tên lửa có thể tiêu diệt một tàu chiến (hoặc một mục tiêu trên bộ).
Phiên bản LRASM dành cho các tàu đổ bộ của Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ giúp các tàu chiến của Hải quân Mỹ "rảnh rang" hơn bởi lúc này Thủy quân lục chiến Mỹ đã có năng lực chống tàu riêng.
Nếu Thủy quân lục chiến Mỹ quyết định lắp đặt LRASM lên khung gầm xe tải thì họ sẽ sở hữu năng lực chống tàu di động trên bờ cực mạnh, đối thủ gần như không thể phá hủy được.
Nhìn chung, để kết hợp với những gì đã có trong kho vũ khí, Lầu Năm Góc đã tìm ra giải pháp để đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc trên biển. Đây là một phương thức mà Bắc Kinh khó lòng chống chọi được.
LRASM có thể được triển khai với nhiều phiên bản, trên nhiều phương tiện mang mà nhờ thế, các lực lượng Mỹ sẽ chiếm ưu thế lớn ngay cả khi họ phải chiến đấu trước ngưỡng cửa của Trung Quốc.
Với kế hoạch trang bị LRASM cho B-1 trong năm nay và F/A-18 Super Hornet trong năm sau, năng lực chống tàu của Hải quân Mỹ tại tây Thái Bình Dương sẽ gia tăng nhanh chóng.
Một khi LRASM trở thành vũ khí phổ cập trên các tàu chiến của Mỹ trong thập kỷ tới, thì Trung Quốc sẽ phải suy nghĩ kỹ trước khi có bất cứ hành động gây hấn nào trên biển.
*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của chuyên gia Loren Thompson