Vũ khí "lạ" lần đầu xuất hiện trong lễ duyệt binh của Quân đội Triều Tiên

Nam Đồng |

Lễ duyệt binh chào mừng 70 năm quốc khánh Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên mặc dù không có sự xuất hiện của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nhưng vẫn tỏ ra rất đáng chú ý.

Tuy rằng năm nay là năm chẵn nhưng việc Quân đội nhân dân Triều Tiên không phô diễn các loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân công suất lớn của mình được cho là vì quan hệ giữa quốc gia Đông Bắc Á này với Hoa Kỳ đã có dấu hiệu cải thiện đáng kể.

Mặc dù vậy, bên cạnh những đoàn xe tăng, pháo tự hành, pháo phản lực phóng loạt... đã "nhẵn mặt" trong những sự kiện quân sự gần đây thì vẫn còn một số chủng loại vũ khí mới rất đáng quan tâm.

Đó có thể là phiên bản nâng cấp của hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn SA-13 Gopher do Triều Tiên tự tiến hành bằng cách tăng số đạn tên lửa sẵn sàng phóng lên 8 quả, hay tên lửa đối hạm Kumsong-3 dựa trên thiết kế Kh-35 Uran-E của Nga...

Vũ khí lạ lần đầu xuất hiện trong lễ duyệt binh của Quân đội Triều Tiên - Ảnh 1.

Hệ thống tên lửa phòng không tầm thấp SA-13 Gopher do Triều Tiên tự nâng cấp

Nhưng vũ khí đáng chú ý nhất, chưa từng thấy xuất hiện trong các cuộc duyệt binh trước đó lại là một tổ hợp tên lửa chống tăng tầm xa tự hành đặt trên khung gầm xe thiết giáp chở quân bánh lốp 6x6 M-2010.

Vũ khí lạ lần đầu xuất hiện trong lễ duyệt binh của Quân đội Triều Tiên - Ảnh 2.

Tổ hợp tên lửa chống tăng tầm xa mới được Triều Tiên giới thiệu

Triều Tiên chưa chính thức công bố tính năng kỹ chiến thuật của vũ khí trên, nhưng theo quan sát bên ngoài thì có thể nhận thấy các ống phóng của nó có một số nét tương đồng với container của tên lửa HJ-10 thuộc tổ hợp chống tăng tự hành AFT-10 do Trung Quốc chế tạo.

Vũ khí lạ lần đầu xuất hiện trong lễ duyệt binh của Quân đội Triều Tiên - Ảnh 3.

Tổ hợp tên lửa chống tăng tự hành AFT-10 của Trung Quốc

Cần lưu ý rằng hệ thống AFT-10 với tên lửa HJ-10 của Trung Quốc được xem như phiên bản sao chép dựa trên tên lửa chống tăng không đường ngắm thẳng Spike NLOS của Israel, được trang bị công nghệ dẫn đường quang học/hình ảnh, có thể khóa mục tiêu trong khi đang lấy đường ngắm hoặc sau khi phóng (Lock on after launch - LOAL).

Tên lửa sẽ nhận dữ liệu và nhận dạng mục tiêu trong thời gian thực bằng đường truyền tín hiệu thông qua cáp quang kết nối giữa nó với bệ phóng, xác suất tiêu diệt mục tiêu từ cách xa 10 km của HJ-10 ước tính lên tới 90%.

Đây có thể xem như một động thái đáp trả của Bình Nhưỡng trước Seoul sau khi người anh em phía Nam đã triển khai trên diện rộng các tổ hợp Spike NLOS mua của Israel trên đảo Yeonpyeong với mục đích nhanh chóng phá hủy những khẩu pháo tầm xa được Triều Tiên bố trí trong lòng núi.

Có lẽ trong thời gian ngắn sắp tới sẽ xuất hiện những hình ảnh bắn thử và tính năng kỹ chiến thuật chi tiết của vũ khí mới vừa được Triều Tiên công khai.

Khối phương tiện cơ giới xuất hiện trong lễ duyệt binh của Quân đội nhân dân Triều Tiên


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại