Mới đây cộng đồng quân sự lại thêm một phen xôn xao khi Mỹ nhận được đài radar cảnh giới chuyên bắt thấp 36D6M1-1 do Ukraine cung cấp. Đây là một thành phần quan trọng được tích hợp vào hệ thống tên lửa phòng không S-300, việc sở hữu khí tài này sẽ giúp cho Washington nắm vững hơn các phương pháp đối phó trong trường hợp thực chiến.
Không chỉ riêng đài radar 36D6M1-1, Ukraine còn bán cho Mỹ (và cả Trung Quốc) rất nhiều "báu vật" công nghệ quân sự từ thời Liên Xô, tiêu biểu như tiêm kích chiếm ưu thế trên không Su-27, xe tăng chiến đấu chủ lực T-80U, hay tàu đổ bộ đệm khí Zubr...
Thông thường các quốc gia sản xuất vũ khí sẽ giữ bí mật rất chặt chẽ các công nghệ lõi của mình, họ không hỗ trợ cho nước ngoài nếu chưa nhận được một hợp đồng cực lớn. Trong khi đó, Ukraine lại sẵn sàng bán riêng lẻ và gần như chuyển giao mọi thứ mình có, nguyên nhân thực chất của hành động này là do đâu?
Các tổ hợp pháo phản lực phóng loạt BM-30 Smerch của Quân đội Ukraine xuất hiện trong lễ duyệt binh hôm 24/8 vừa rồi
Quân đội Ukraine mặc dù được thừa hưởng một khối lượng vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự khổng lồ từ Liên bang Xô Viết, tuy nhiên nhu cầu và khả năng tài chính của họ chỉ đáp ứng được một phần nhỏ trong số này. Chỉ cần tái trang bị một phần kho vũ khí niêm cất mà chưa cần sản xuất mới thì theo đánh giá, lực lượng vũ trang Ukraine đã nằm trong top đầu thế giới.
Để có được nguồn tài chính phục vụ cho việc duy trì quy mô quân đội, nhất là trong tình cảnh hiện nay thì Ukraine không còn cách nào khác là phải đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí nhằm lấy nguồn tiền để trang trải.
Đáng tiếc rằng các mặt hàng quân sự của Ukraine có sức cạnh tranh không thực sự cao, nhất là khi đặt cạnh Nga hay Trung Quốc, khi một bên có ưu thế về công nghệ mới còn một bên lại nắm trong tay lợi thế về giá bán.
Trong tình cảnh trên, Ukraine chỉ còn cách tạo ra khác biệt thông qua con đường bán công nghệ lõi, nhất là khi nhiều đối tác quân sự truyền thống của Nga vẫn không được chia sẻ dù cho đó là những công nghệ đã rất lạc hậu.
Pháo tự hành bánh lốp Bogdana cỡ 155 mm của Ukraine, một sản phẩm đậm chất NATO
Trước kia quốc gia nhập khẩu nhiều sản phẩm quốc phòng nhất của Ukraine chính là Nga, Moskva nhập khẩu chủ yếu linh kiện radar, điện tử, động cho cho tàu thủy, máy bay và xe tăng. Nhưng nay khi hai nước "trở mặt thành thù" thì Kiev không còn nguồn tiêu thụ nữa, do vậy việc giữ lại bí quyết công nghệ là không cần thiết.
Ngoài ra cần lưu ý thêm một vấn đề nữa đó là thị trường xuất khẩu vũ khí trọng tâm của Ukraine được xác định sẽ có sự chuyển biến sâu rộng trong tương lai gần, khi họ tìm cách nghiên cứu, chế tạo mặt hàng quốc phòng theo công nghệ phương Tây rồi chen chân vào thị trường NATO và các quốc gia đồng minh với khối này.
Ukraine đã từng bước giới thiệu các vũ khí theo đúng chuẩn NATO, ví dụ rõ nét nhất chính là tổ hợp pháo tự hành bánh lốp Bogdana cỡ 155 mm, hay xe tăng chiến đấu chủ lực T-84 Yatagan mang pháo 120 mm thay vì 125 mm truyền thống.
Tình hình hiện nay có thể coi như cơ vàng không thể tốt hơn để một số quốc gia còn duy trì nhiều vũ khí ra đời từ thời Liên Xô tranh thủ mua thanh lý công nghệ quân sự từ Ukraine, mà trong số đó còn rất nhiều thứ vẫn được xếp hạng hiện đại, sẽ giúp nâng cao đáng kể sức mạnh quốc phòng của những nước này.
Lễ duyệt binh quy mô lớn được Quân đội Ukraine tiến hành hôm 24/8