Theo tuyên bố của các quan chức quốc phòng Ukraine, những tổ hợp phòng không S-300V1 đã được hiện đại hóa này là vũ khí tối quan trọng để đánh trả tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M cũng như tên lửa hành trình Kalibr của Nga, nếu như Moskva quyết định can thiệp vào cuộc xung đột tại miền Đông.
Bên cạnh S-300V1, Ukraine còn phục hồi và đưa vào biên chế rất nhiều hệ thống phòng không đủ tầm khác, từ S-300PT, S-300PS, Buk-M1 cho tới Tor-M1... theo đánh giá thì số lượng và chất lượng như vậy đã đủ để tạo lập lưới lửa bảo vệ không phận của họ.
Do vậy thật ngạc nhiên khi mới đây Đại sứ Ukraine tại Mỹ - ông Valeriy Chaly lại cho biết rằng chính phủ nước này đang đề nghị được mua một tổ hợp phòng không hiện đại do Hoa Kỳ sản xuất.
Xe chỉ huy và xe mang phóng tự hành của tổ hợp tên lửa phòng không S-300V1 Ukraine
Trong cuộc trả lời phỏng vấn Đài phát thanh NV, ông Valeriy Chaly nói rõ: "Ukraine đã gửi yêu cầu chính thức tới Washington về việc đặt mua một tổ hợp tên lửa phòng không có trị giá 750 triệu USD. Thậm chí nếu cần thiết họ sẽ mua ít nhất 3 tổ hợp để trang bị cho quân đội".
Vị đại sứ nói thêm rằng đề nghị đã được nêu ra tại các cuộc gặp ở cấp "cao và rất cao", cụ thể là tại cuộc hội đàm giữa Tổng thống Ukraine và Đại sứ Hoa Kỳ tại Brussels, cũng như giữa phía Ukraine với Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump - ông John Bolton.
Một số chuyên gia đã bày tỏ quan điểm khác nhau về vấn đề này, họ cho rằng Ukraine yêu cầu tiếp cận các hệ thống phòng không Patriot để thay thế cho S-300PS và S-300PT đã lạc hậu. Ukraine có thể sẽ sử dụng Patriot để nâng cao năng lực phòng thủ và ngăn chặn các mối đe dọa khu vực.
Xe mang phóng tự hành của tổ hợp phòng không S-300PS Ukraine
Cần lưu ý thêm rằng mặc dù hệ thống S-300V1 được coi là có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo cũng như tên lửa hành trình, tuy nhiên nó chưa một lần thực chiến, do vậy hiệu quả bị nghi ngờ cũng là điều dễ hiểu.
Trong khi đó, kể từ tháng 1/2015 tới nay, tổ hợp phòng không Patriot (chủ yếu là biến thể PAC 3) đã đánh chặn hơn 100 tên lửa đạn đạo trong các hoạt động chiến đấu tại khắp nơi trên thế giới.
Đặc biệt là tại Saudi Arabia, Patriot PAC 3 đã giữ cho thủ đô Riyadh của nước này nguyên vẹn sau các vụ tập kích bằng tên lửa đạn đạo với tần suất "như cơm bữa" từ phiến quân Houthi.
Tập đoàn Raytheon của Mỹ đã chế tạo và bàn giao khoảng 220 tổ hợp Patriot các phiên bản cho khách hàng thuộc 15 quốc gia, nhiều nước trong số đó đã lựa chọn kiến trúc linh hoạt của Patriot để nâng cấp hệ thống phòng thủ của mình.
Hệ thống tên lửa phòng không lục quân tầm xa S-300 diễn tập bắn đạn thật