Vũ khí đặc biệt có thể biến tên lửa Patriot Mỹ từ thợ săn thành con thú bị săn "chờ chết"

Bảo Lam |

Belarus có thể gia tăng sức mạnh chiến đấu của tổ hợp "Polonez" để đáp trả sự xuất hiện các tên lửa Patriot của Mỹ tại Ba Lan.

Cán cân dần thay đổi?

Việc xuất hiện của các tổ hợp tên lửa phòng thủ chống tên lửa tại Ba Lan có thể sẽ đẩy cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực lên cấp độ mới, nhanh và gấp rút hơn. Có thể, Quân đội Belorusia sẽ tiếp nhận các tổ hợp "Iskander-E" từ Nga, cũng như bổ sung thêm những tổ hợp nội địa "Polonez".

Bộ Ngoại giao Mỹ đã quyết định bán cho Warsaw các hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot PAC-3 theo cấu hình "3+" với các khí tài và cảm ứng được nâng cấp. Bản hợp đồng được đánh giá vào khoảng gần 10,5 tỷ USD.

Theo Cục hợp tác quân sự của Lầu Năm Góc, Ba Lan sẽ tiếp nhận 208 quả tên lửa cho tổ hợp này. Hạ viện Mỹ sẽ phải thông qua bản hợp đồng căn cứ trên đề nghị của Bộ Ngoại giao.

Ngày 6/7/2017, Bộ Quốc phòng Ba Lan và Bộ Quốc phòng Mỹ đã ký biên bản ghi nhớ về việc Washington sẽ bán các hệ thống phòng thủ chống tên lửa nâng cấp Patriot PAC-3 để đáp trả lại hành động Nga triển khai các tổ hợp tên lửa chiến thuật "Iskander" tại biên giới với Ba Lan

Vũ khí đặc biệt có thể biến tên lửa Patriot Mỹ từ thợ săn thành con thú bị săn chờ chết - Ảnh 1.

Tổ hợp pháo phản lực/tên lửa Polonez của Belarus.

Văn bản này được ký kết trong khuôn khổ chuyến công du của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Warsaw. Ba Lan đặt mua 8 tổ hợp Patriot và dự kiến những tổ hợp đầu tiên sẽ được bàn giao trước năm 2020. "Dự kiến sẽ sẵn sàng tác chiến vào năm 2023", trong biên bản ghi nhớ nêu rõ.

Theo bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan, ông Anatoly Matzerevich khi đó chia sẻ trong cuộc họp báo, các hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ sẽ được bàn giao "với cấu hình hiện đại nhất", giống như các tổ hợp mà Quân đội Mỹ đang sử dụng – với hệ thống mạng trung tâm IBCS và hệ thống radar đa chiều.

Ông Matzerevich nhấn mạnh rằng, việc mua sắm các tên lửa này liên quan tới "những tình huống đặc biệt" mà đất nước của ông đang gặp phải, với chủ ý nhắc tới chính sách cứng rắn của Điện Kremlin. Ông cũng tuyên bố rằng, Patriot có thể là câu trả lời trước các tên lửa "Iskander" của Nga được triển khai tại tỉnh Kaliningrad (Nga).

Cần phải nhấn mạnh rằng hàng loạt các chuyên gia phân tích quân sự cho rằng hệ thống tên lửa phòng không MEADS do Đức và Ý chế tạo sẽ là lựa chọn hợp lý hơn đối với Ba Lan. Còn bản hợp đồng với Mỹ liên quan tới các tổ hợp Patriot, theo một loạt chuyên gia, mang ý nghĩa chính trị hơn là quân sự.

Nếu nói tới câu chuyện này, thì từ hồi tháng 10/2012, tờ báo Gazeta Wyborcza (Ba Lan) từng công khai lời tuyên bố của lãnh đạo Cục An ninh quốc gia khi đó, tướng Stanislav Kozey, về kế hoạch của chính phủ chi từ 10 đến 14,1 tỷ zloty (tiền Ba Lan), tương đương 3,2-4,5 tỷ USD cho đề án hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Ba Lan.

Việc đầu tư vào hệ thống phòng thủ chống tên lửa độc lập được Warsaw coi là cách tốt nhất để bảo vệ trước lời đe dọa tấn công bằng tên lửa từ phía Moscow.

Bộ luật về phát triển hệ thống phòng không và phòng thủ chống tên lửa đến năm 2023 được thông qua vào năm 2013, dự định sẽ chi không dưới 20% nguồn kinh phí nâng cấp các lực lượng vũ trang Ba Lan cho việc nâng cấp và mở rộng các hệ thống phòng không và phòng thủ chống tên lửa giai đoạn 2014-2023.

Và chi phí này có thể được bổ sung thêm nếu như các điều kiện kinh tế cho phép.

Tại sao Mỹ từ chối triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa giai đoạn thứ 4 tại Châu Âu?

Theo ý kiến của một loạt chuyên gia, việc nhanh chóng thông qua bộ luật này phần nhiều là do Mỹ từ chối triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa giai đoạn thứ 4 tại Châu Âu.

Về khả năng chiến đấu, thì lời từ chối này có nghĩa là hệ thống phòng thủ chống tên lửa Châu Âu không thể bảo vệ các đồng minh của Mỹ trước cuộc tấn công của những đầu đạn hoặc tên lửa cơ động được trang bị cho các tổ hợp "Iskander". Và Warsaw quyết định rằng các tổ hợp Patriot có thể thực hiện chức năng này.

Thực ra, theo ý kiến của một vài chuyên gia quân sự có danh tiếng, thậm chí Patriot PAC-3 MSE khó có thể bảo vệ Ba Lan một cách chắc chắc trong trường hợp bị tên lửa "Iskander" tấn công. Một trong những đặc điểm chính của hệ thống tên lửa này là khả năng sử dụng được nhiều phương tiện để vượt qua hệ thống phòng thủ chống tên lửa.

Quân đội Belarus bắn thử nghiệm pháo phản lực dẫn đường tầm xa tiên tiến Polonez-M - phiên bản A300 do Trung Quốc hỗ trợ công nghệ chế tạo

Thứ nhất, đó là các tên lửa đạn đạocó khả năng bay lắt léo, thay đổi hướng trong suốt quá trình bay ở độ cao 50km. Bên cạnh đó, chúng thực hiện các động tác đổi hướng đột ngột ngay sau khi được phóng lên cũng như khi chuẩn bị tiếp cận mục tiêu. Không một tên lửa đánh chặn hiện đại nào có thể tiếp cận được các mục tiêu này.

Thứ hai, việc ứng dụng công nghệ tàng hình làm cho "Iskander" có thể sánh ngang với các tổ hợp tên lửa chiến lược "Topol-M" và "Yars" về khả năng bất khả xâm phạm của các tên lửa.

Từ đó có thể bổ sung thêm hệ thống áp chế sóng điện tử, mà giúp ngụy trang các tên lửa của "Iskander" ở đoạn cuối của đường bay. Một thiết bị đặc biệt sẽ tạo nên các nhiễu sóng thụ động và chủ động (bằng cách tạo âm thanh và bung các mục tiêu giả) trước mọi thiết bị radar của hệ thống phòng không và phòng thủ chống tên lửa.

Ban lãnh đạo nhà nước Nga rất quan tâm tới việc các hệ thống phòng không/phòng thủ chống tên lửa xuất hiện tại Ba Lan. Và các biện pháp đáp trả - đó là triển khai thường xuyên thêm một số lượng các tên lửa "Iskander" tại tỉnh Kaliningrad.

Không loại trừ khả năng, thêm vào đó, Moscow sẽ gật đầu cung cấp cho Minsk các tổ hợp "Iskander-E" mà người Belarus muốn hỏi mua từ lâu.

Vũ khí đặc biệt có thể biến tên lửa Patriot Mỹ từ thợ săn thành con thú bị săn chờ chết - Ảnh 3.

Tổ hợp tên lửa Iskander-E.

 Nếu nói về các biện pháp đáp trả có thể được ban lãnh đạo nhà nước Belarus (mà không hề yên tâm chút nào với sự xuất hiện của những tổ hợp Patriot tại các quốc gia láng giềng phương Tây) áp dụng, thì phản ứng hoàn toàn có thể sẽ là việc gia tăng số lượng các hệ thống phản lực bắn loạt "Polonez" mà các tính năng chiến đấu thường xuyên được nâng cấp.

Ngày 26/10, tại tỉnh Gomel (Belarus), họ đã phóng thử thành công các tên lửa dành cho tổ hợp "Polonez" nâng cấp. Theo thiếu tướng Anatoly Vankovich - người chỉ đạo sự kiện bắn thử, giám đốc Nhà máy điện cơ khí chính xác Belarus, đơn vị chế tạo các tên lửa, vũ khí độc đáo này cho phép tiêu diệt các mục tiêu ở khoảng cách lên tới 300km.

Loại tên lửa, khi đổi hướng, sẽ bay ở độ cao khoảng 50km, tiếp cận mục tiêu gần như theo chiều thẳng đứng, có tốc độ tương đương 5M (có thể coi nó là vũ khí siêu thanh), hoàn toàn ổn định bất chấp các loại nhiễu. Hiện nay, trên thế giới không có một phương tiện phòng không/phòng thủ chống tên lửa có khả năng tiêu diệt nó.

Thậm chí, đơn vị "Polonez" duy nhất mà Belarus đang sở hữu, bằng một loạt bắn 72 quả tên lửa điều khiển nêu trên, có khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng cho bất cứ đối thủ tiềm tàng nào.

Nếu trang bị cho các tên lửa của "Polonez" những đầu đạn tự tìm mục tiêu có khả năng phản ứng trước các mục tiêu tương phản vô tuyến (gồm cả các trạm radar), thì các tổ hợp Patriot sẽ biến từ "thợ săn" thành "con thú bị săn".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại