Vũ khí chống cướp biển của Cảnh sát biển các nước

Liên Nhâm |

Vũ khí cá nhân, súng máy hạng nặng, súng phun nước áp lực cao, pháo hạm, vũ khí âm thanh… là những công cụ thông dụng để Cảnh sát biển một số nước trên thế giới đối phó với những tên hải tặc. Những vũ khí này không gây chết người nhưng lại có công năng chống cướp biển rất hiệu quả.

Nạn cướp biển hiện nay đang đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng cho tất cả các quốc gia có hoạt động trên biển. Để đối phó với vấn nạn này, các quốc gia đã huy động nhiều lực lượng vũ trang, bán vũ trang và cả dân sự tham gia công tác phòng chống.

Trong đó, thường xuyên và trực tiếp là Lực lượng Cảnh sát biển, ở một số nước gọi là Lực lượng Tuần duyên, Lực lượng Phòng vệ biển, Lực lượng bảo vệ bờ biển. Trang bị vũ khí chống cướp biển, hỗ trợ thực thi pháp luật trên biển của lực lượng này ở mỗi nước được quy định khác nhau theo pháp luật nước sở tại.

Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (JCG)

Vũ khí chống cướp biển của Cảnh sát biển các nước - Ảnh 1.

Các tàu tuần tra của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản đều được trang bị súng, pháo hạng nặng.

Ảnh trên là tàu tuần tra lớp Hida số hiệu PL 51 của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản. Vũ khí chính của tàu gồm 1 pháo 40 mm, 1 pháo 20 mm. Một số tàu tuần tra cỡ lớn khác được trang bị kết hợp pháo 35 mm với pháo 20 mm hoặc pháo 30 mm và pháo 20 mm.

Các tàu tuần tra cỡ nhỏ sử dụng pháo 20 mm. Bên cạnh các vũ khí hạng nặng nói trên, Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản còn sử dụng vũ khí cá nhân, vòi rồng để ngăn chặn hay tấn công cướp biển khi chúng có ý định tấn công các tàu thương mại.

Lực lượng này thực thi nhiệm vụ luôn có sự hậu thuẫn của máy bay trực thăng, giúp hoạt động chống cướp biển của họ trở nên hiệu quả hơn.

Cảnh sát biển Singapore ( PCG)

Vũ khí chống cướp biển của Cảnh sát biển các nước - Ảnh 2.

Tàu tuần tra tốc độ cao của Cảnh sát biển Singapore.

Eo biển Malacca là một khu vực khá nhức nhối về nạn cướp biển. Do đó, nhiệm vụ chống cướp biển của Cảnh sát biển các nước xung quanh eo biển này khá nặng nề. Đối với Cảnh sát biển Singapore, trang bị của họ chủ yếu là các tàu tuần tra loại nhỏ tốc độ cao.

Vũ khí lớn nhất là pháo 25 mm cùng 2 súng máy hạng nặng 12,7 mm lắp trên tàu tuần tra lớp Mako Shark. Các tàu tuần tra lớp PH lắp pháo 20 mm cùng 2 súng máy hạng nặng M2 12,7 mm.

Các tàu tuần tra dưới 20 tấn sử dụng súng máy đa mục đích 7,62 mm. Vũ khí cá nhân gồm súng tiểu liên MP5, súng trường M16, súng lục Glock 19 và một số vũ khí phi sát thương khác.

Cơ quan Thực thi pháp luật hàng hải Malaysia (MMEA)

Vũ khí chống cướp biển của Cảnh sát biển các nước - Ảnh 3.

Đơn vị đặc nhiệm STAR của MMEA được trang bị vũ khí cá nhân hiện đại.

MMEA, còn được gọi là Cảnh sát biển Malaysia, chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động thực thi pháp luật hàng hải trên vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế nước này. Malaysia tiếp giáp với eo biển Malacca nên chống cướp biển là một trong những nhiệm vụ nặng nề của họ.

MMEA thành lập một đơn vị đặc nhiệm STAR chuyên trách về chống khủng bố sẽ là lực lượng đầu tiên đối phó với mối đe dọa từ cướp biển trước khi có sự hỗ trợ của hải quân hay cảnh sát. Phần lớn các tàu tuần tra loại nhỏ của MMEA không được trang bị vũ khí, một số tàu tuần tra hạng trung có lắp pháo hạm cỡ nòng tới 57 mm, một số tàu sử dụng pháo 30 mm.

Vũ khí cá nhân gồm có, súng lục Glock 19, Remington 870, tiểu liên MP5, UMP, súng trường tiến công M16A1, M4A1 carbine (chỉ dành cho STAR), Steyr AUG, SIG 553 (chỉ dành cho STAR).

Cảnh sát biển Ấn Độ (ICG)

Vũ khí chống cướp biển của Cảnh sát biển các nước - Ảnh 4.

Tàu tuần tra và máy bay tuần thám biển của ICG.

ICG là một phần của lực lượng vũ trang Ấn Độ. Cơ quan này hoạt động dưới sự điều hành của Bộ Quốc phòng, phối hợp chặt chẽ với hải quân trong các nhiệm vụ thực thi pháp luật hàng hải, đặc biệt là nhiệm vụ chống cướp biển.

ICG có trang bị vũ khí rất mạnh, gồm 6 tàu tuần tra lớp Samar lắp pháo hạm 76 mm, 3 tàu tuần tra lớp Vishwast lắp pháo hạm 30 mm. 5 tàu tuần tra lớp Vikram sử dụng pháo 40 mm hoặc 30 mm. Một số tàu tuần tra cỡ nhỏ dưới 300 tấn lắp pháo 30 mm.

Vũ khí cá nhân tương tự như các đơn vị khác của quân đội Ấn Độ ngoại trừ một số loại chỉ trang bị cho lực lượng đặc nhiệm.

Cảnh sát biển Hàn Quốc (KCG)

Vũ khí chống cướp biển của Cảnh sát biển các nước - Ảnh 5.

Vũ khí lớn nhất trên các tàu tuần tra của Cảnh sát biển Hàn Quốc là pháo 40 mm.

Vũ khí lớn nhất trên các tàu tuần tra của KCG là pháo 40 mm nòng kép dùng cho các tàu loại lớn cùng pháo 20 mm. Các tàu tuần tra loại nhỏ sử dụng pháo 20 mm. Các loại xuồng tuần tra có thể gắn súng máy hạng nặng.

Vũ khí cá nhân có thể sử dụng các loại như súng trường tiến công K2, M16, tiểu liên K1A, súng máy đa mục đích M60D. Các vũ khí phi sát thương như vòi rồng, vũ khí âm thanh cũng là những công cụ hiệu quả để ngăn chặn các tàu khả nghi.

Cảnh sát biển Nga

Vũ khí chống cướp biển của Cảnh sát biển các nước - Ảnh 6.

Tàu tuần tra của Cảnh sát biển Nga.

Cảnh sát biển Nga có trang bị vũ khí rất mạnh. Họ có 6 tàu tuần tra chuyển đổi từ tàu khu trục nhỏ lớp Krivak, các tàu này lắp pháo hạm tới 100 mm. Một số tàu chuyển đổi từ tàu hộ tống lớp Grisha sử dụng pháo 57 mm. Tàu tuần tra lớp Rubin lắp pháo hạm 30 mm.

Về vũ khí cá nhân gồm có các loại súng trường tiến công thuộc gia đình AK-47 và một số vũ khí khác. Vòi rồng là công cụ không thể thiếu đối với các hoạt động chấp pháp trên biển.

Tuần duyên Mỹ (USCG)

Vũ khí chống cướp biển của Cảnh sát biển các nước - Ảnh 7.

Tuần duyên Mỹ là lực lượng có trang bị hàng đầu thế giới.

USCG có khoảng 1.400 tàu thuyền lớn nhỏ các loại. Một số tàu tuần tra lớp Hamilton lắp pháo hạm 76 mm kết hợp với pháo 25 mm và hệ thống phòng thủ tầm cực gần Phalanx 20 mm. Loại hiện đại nhất là lớp Legend sử dụng pháo hạm tự động 57 mm, 1 hệ thống Phalanx 20 mm, 4 súng máy 12,7 mm, 2 súng máy 7,62 mm.

Các tàu tuần tra loại nhỏ lắp vũ khí từ 12,7-25 mm tùy thuộc vào lượng giãn nước. USCG còn có khoảng 210 máy bay các loại phục vụ cho các hoạt động tuần tra trên biển. Một số tàu có lắp hệ thống vũ khí âm thanh tầm xa LRAD nhằm ngăn chặn các tàu vượt biên hoặc cướp biển.

Vũ khí cá nhân của USCG gồm có, súng lục M9, P229R-DAK, súng trường tiến công M16A2, M4 carbine, súng bắn tỉa M14, Mk11, M107, súng phóng lựu M203.

Cảnh sát biển Việt Nam (VCG)

Vũ khí chống cướp biển của Cảnh sát biển các nước - Ảnh 8.

Vũ khí âm thanh trên tàu CSB 8001.

Cảnh sát biển Việt Nam hiện được trang bị các loại phương tiện, vũ khí hiện đại như tàu đa năng DN 2000, tàu kéo cứu nạn 3500 CV, máy bay CaSa 212-400, thiết bị tuần thám MS 600, cùng các thiết bị trinh sát, phòng chống tội phạm ma túy, chống cướp biển khác.

2 tàu tuần tra đa năng cỡ lớn nhất của VCG mang số hiệu CSB 8001, CSB 8002 được trang bị pháo nòng đôi cỡ 25mm cùng các súng máy hạng nặng cỡ 14,5mm, vòi phun nước tốc độ cao 6,6m/phút, đặc biệt là hệ thống vũ khí âm thanh LRAD do Mỹ chế tạo.

Chức năng của hệ thống này đóng vai trò như một thiết bị truyền phát âm thanh và vũ khí phi sát thương, được sử dụng cho nhiều nhiệm vụ như: tuần tra trên biển, chống cướp biển, giải tán biểu tình…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại