Một sự bất tín, vạn sự bất tin
Vụ việc nhà báo người Ả Rập Saudi Jamal Khoshaggi thiệt mạng trong trụ sở của tổng lãnh sự quán Saudi tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ có thể diễn biến theo đúng hướng lo ngại của EU về kịch bản tồi tệ nhất, nhưng chắc chắn không phải như suy tính và mong muốn của chính quyền Ả Rập Saudi và Mỹ, của cá nhân hai cha con vua Ả Rập Saudi Salman và Mohammad bin Salman, cũng như của cá nhân tổng thống Mỹ Donald Trump.
Mãi 17 ngày sau khi xảy ra vụ việc, và sau 2 lần chính thức phủ nhận, chính quyền Ả Rập Saudi mới chính thức xác nhận là nhà báo 63 tuổi kia đã bị thiệt mạng trong một cuộc ẩu đả với 15 nhân viên an ninh tình báo của Ả Rập Saudi, không cho biết thi hài của Khashoggi hiện ở đâu.
Dường như ý thức được rằng sự diễn giải và biện minh như thế chẳng được ai trên thế giới này tin và để cứu con trai mình bằng mọi cách, Vua Salman của Ả Rập Saudi đã tung chiêu "cải tổ cơ quan an ninh và tình báo", sa thải chức sắc cấp cao và bắt giữ 18 người liên quan trực tiếp đến vụ việc xảy ra với Jamal Khashoggi ngày 2/10 vừa qua tại tòa tổng lãnh sự quán của Ả Rập Saudi ở Istanbul.
Nhà báo người Ả Rập Saudi Jamal Khoshaggi. Ảnh: AP.
Vị quân chủ già và chàng thái tử trẻ này của vương triều trong sa mạc vùng Vịnh muốn thể hiện cho thiên hạ thấy là cấp trên không chủ mưu và không biết gì về việc xảy ra với Khashoggi, mà thuộc hạ đã manh động, cũng như hoàng triều rất quyết tâm làm sáng tỏ vụ việc và nghiêm trị những kẻ đã khiến nhà báo kia thiệt mạng.
Biện pháp này hiện không chỉ đã quá muộn, mà còn tác động chẳng khác gì "lạy ông, tôi ở bụi này". Chẳng phải trên thế gian này có câu "một sự bất tín, vạn sự bất tin" đó sao.
Ngay từ đầu, chính quyền Ả Rập Saudi đã chủ ý giấu giếm, che đậy và bưng bít vụ việc, chỉ đến khi bị phía Thổ Nhĩ Kỳ đẩy vào tình thế không còn có thể giấu giếm, che đậy và bưng bít sự thật được nữa thì mới chịu xác nhận sự thật, mà hiện mới chỉ xác nhận một phần nhỏ chứ chưa phải tất cả sự thật.
Chỉ đến khi nhận ra rằng tình thế có thể trở nên nguy hiểm đối với chính và trước hết đông cung thái tử Mohammad bin Salman thì vương triều này mới chịu cài số lùi.
Cho tới thời điểm hiện tại, vương triều này vẫn phủ nhận là đã chủ mưu và thực hiện việc thủ tiêu kẻ bất đồng chính kiến đến mức bị coi là quốc thù kia. Nhưng đối với thế giới bên ngoài thì câu hỏi là Jamal Khashoggi đã chết do "tai nạn đáng tiếc xảy ra" hay đã bị "sát hại" dường như đã được trả lời rõ ràng.
Câu trả lời khẳng định quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ và xác nhận những đánh giá của các cơ quan tình báo, an ninh và mật vụ Mỹ. Vì thế, ông Trump mới phải chuyển từ "vẫn tin Ả Rập Saudi" sang "còn có nhiều câu hỏi muốn Ả Rập Saudi giải đáp". Vì thế, EU nói chung và nhiều thành viên EU nói riêng đã phải thể hiện quan điểm thái độ rõ ràng, chứ không còn mập mờ nữa.
Sai một ly, đi một dặm
Xưa nay trong thế giới hiện đại chưa từng xảy ra chuyện như Ả Rập Saudi vừa làm với Jamal Khoshaggi. Chính quyền Ả Rập Saudi đã hành động như vậy bởi họ quá tin vào vị thế của vương triều này trong chiến lược của Mỹ và trong lợi ích của nhiều thành viên EU.
Ông Trump coi trọng Ả Rập Saudi đến mức vương triều này ngộ nhận rằng được nuông chiều vô hạn độ nên muốn làm gì cũng được. Ả Rập Saudi đã biến Mỹ và ông Trump thành con tin của chính chiến lược của Mỹ đối với khu vực và chính sách của Mỹ đối với Ả Rập Saudi.
Chỉ cần vương triều này hủy thỏa thuận về mua vũ khí trị giá 110 tỷ USD của Mỹ và không làm lính lê dương cho Mỹ trong cuộc đối địch với Iran, cũng như không đồng hành với Mỹ trong việc giải quyết cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, thì toàn bộ chiến lược của ông Trump đối với khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh chỉ còn lại chẳng khác gì một tòa lâu đài trên nền cát.
Ả Rập Saudi là khách sộp hàng đầu của Mỹ và nhiều nước thành viên EU về mua vũ khí. Vương triều này chắc chắn cũng đã suy tính rằng EU không muốn và không thể để mất khách hàng sộp này, và ngoài ra còn không thể không e ngại về vai trò của Ả Rập Saudi đối với chiều hướng tăng giảm của giá dầu trên thị trường thế giới.
Chính vì thế mà Ả Rập Saudi đã mắc phải sai lầm tai hại là "bất tuân bài học về Ngũ tri": họ đã ngộ nhận về mình khi suy tính rằng Mỹ và EU không dám "làm găng" với mình; đã không hiểu hết tình thế khó xử của Mỹ và EU - cũng như việc Thổ Nhĩ Kỳ lợi dụng tình huống mới; đã không nhận thấy là thời thế đã thay đổi ở chỗ thế giới sẽ không chấp nhận việc Mỹ và EU cũng như ông Trump vì lợi ích riêng để cho Ả Rập Saudi muốn làm gì thì làm ở bên ngoài hoàng thổ; đã không ý thức được về điểm dừng và đã không quyền biến được thật khôn khéo.
Trong khi Ả Rập Saudi càng nỗ lực sửa sai, cứu vãn lại càng sai, thì nguy cơ về "sai một ly, đi một dặm" hiện đang tiềm ẩn đối với Mỹ và EU cũng như cá nhân ông Trump. Cách hành xử tiếp theo của họ sẽ cho thấy họ còn đáng được tin cậy về pháp lý và đạo lý đến mức độ nào trên thế giới.
* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.