Vụ nhà báo Khashoggi: Mỹ sẽ nhẹ tay với Ả Rập Saudi vì đã có "dê tế thần" hy sinh chịu báng

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Nếu Mỹ quyết định trừng phạt Ả Rập Saudi, thì ông Trump chẳng khác nào tự lấy súng bắn vào chân mình. Thậm chí Riyadh còn tuyên bố là đang "thủ" sẵn 30 đòn đáp trả dành cho Mỹ.

Chính sách "tiêu chuẩn kép" của Mỹ và phương Tây

Mặc dù kết quả điều tra vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại ngày 2/10 bên trong tòa lãnh sự Ả rập Saudi tại Istanbul chưa được công bố chính thức, nhưng theo nhiều nguồn tin cho biết, tất cả các bằng chứng các cơ quan an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ thu thập được cho thấy nhiều khả năng các giới thân cận với Thái tử Mohammed Bin Salman đã dính líu trực tiếp vào việc thủ tiêu nhà báo Khashoggi.

Nhà báo Khashoggi bị giết là một tội ác rùng rợn, đang thử nghiệm lập trường của Mỹ và phương Tây đối với các vấn đề quyền con người, tự do ngôn luận và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Phản ứng của Mỹ và phương Tây đối với tội ác giết hại dã man nhà báo Khashoggi thể hiện rõ chính sách "lá mặt lá trái" hay còn gọi là "tiêu chuẩn kép" của các nước này trong quan hệ quốc tế.

Đến nay, dưới sức ép của quốc tế, chính quyền Saudi đã chính thức thừa nhận các "nhân viên an ninh" của họ đã giết Khashoggi, nhưng phản ứng của Mỹ và các nước phương Tây tỏ ra khá mềm mỏng.

Tổng thống Donald Trump còn có những phát biểu tỏ ra bênh vực cho Ả rập Saudi. Mới đây nhất, ngày 20/10 vừa qua, ông Trump tuyên bố "những lời giải thích của Ả rập Saudi là đáng tin cậy".

Trong khi đó, đối với vụ điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal bị đầu độc, mặc dù chưa điều tra để tìm ra thủ phạm thì Mỹ và các nước phương Tây, đứng đầu là Anh đã phản ứng gay gắt như trục xuất các nhà ngoại giao Nga và áp đặt các biện pháp trừng phạt nước Nga.

Vụ nhà báo Khashoggi: Mỹ sẽ nhẹ tay với Ả Rập Saudi vì đã có dê tế thần hy sinh chịu báng - Ảnh 2.

Nhà báo Jamal Khashoggi. Ảnh: REA/Redux.

Các đòn trừng phạt Ả rập Saudi liệu có đem lại hiệu quả hay không?

Các đại biểu Quốc hội Mỹ đang gây sức ép mạnh mẽ đối với Tổng thống Trump để có các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Ả rập Saudi.

Câu hỏi đặt ra là liệu Nhà Trắng có thực sự quyết tâm trừng phạt Ả rập Saudi, và các biện pháp trừng phạt này có đem lại kết quả hay không?

Nhiều nhà quan sát chính trị cho rằng, những lời đe dọa của ông Trump trừng phạt Ả rập Saudi chủ yếu là để đáp lại sức ép trong nước và quốc tế. Ông Trump là một người có tư duy thương mại, nên sẽ không muốn làm gì phương hại tới lợi ích của Mỹ lên tới hàng trăm tỷ USD trong quan hệ với Riyadh.

Điều này đã được ông nói rõ hôm 20/10 vừa qua rằng, hợp đồng bán vũ khí cho Ả rập Saudi sẽ không nằm trong các biện pháp trừng phạt và chắc chắn lĩnh vực dầu mỏ cũng sẽ được loại trừ - do tầm quan trọng của nó không chỉ đối với nền kinh tế Mỹ mà còn trên cấp độ toàn cầu.

Washington không nên đánh giá thấp khả năng đáp trả của Riyadh. Năm 1973, trong cuộc chiến tranh Trung Đông lần thứ Ba, Ả rập Saudi đã không ngần ngại cấm vận dầu mỏ đối với Mỹ làm cho kinh tế Mỹ lao đao.

Bây giờ, nếu Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhằm vào Ả rập Saudi, thì họ cũng có thể ngừng cung cấp dầu cho Mỹ hoặc chí ít là giảm sản lượng hoặc từ chối bù đắp số dầu thiếu hụt do chính quyền ông Trump cấm Iran xuất dầu kể từ ngày 4/11 tới.

Với sản lượng 11 triệu thùng/ngày, Ả rập Saudi là nhân tố hết sức quan trọng của thị trường dầu mỏ thế giới. Bởi vậy, bất cứ sự xáo trộn nào ở Vương quốc này đều sẽ ảnh hưởng đến giá dầu. Giá dầu tăng vào lúc này sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế Mỹ, và đảng Cộng hòa sẽ mất điểm trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ dự kiến được tổ chức vào đầu tháng 11 tới.

Vụ nhà báo Khashoggi: Mỹ sẽ nhẹ tay với Ả Rập Saudi vì đã có dê tế thần hy sinh chịu báng - Ảnh 4.

Ả Rập Saudi là nhân tố quan trọng của thị trường dầu mỏ thế giới. Ảnh mình họa: Energy Digital.

Theo kênh truyền hình "Arabia" của chính phủ Ả rập Saudi, Thái tử Mohammad Bin Salman đã lên kế hoạch gồm 30 biện pháp đáp trả lệnh trừng phạt của Mỹ, trong đó có việc ngừng cung cấp dầu cho Mỹ, xích lại gần Nga, cho Nga sử dụng căn cứ quân sự Tabuk, dùng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trong việc định giá dầu mỏ thay đồng USD, hòa giải với Iran, coi Hamas và Hezbollah là bạn thay vì trước đây coi là khủng bố, và rút các cổ phiếu trị giá trên dưới 800 tỷ USD từ các ngân hàng Mỹ...

Như vậy, các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ đem lại kết quả trái ngược. Tổng thống Trump chẳng khác nào tự lấy súng bắn vào chân mình!

Kịch bản nào sẽ diễn ra sắp tới do hậu quả vụ giết hại nhà báo Khashoggi?

Nếu Thái tử bin Salman thực hiện các hành động đáp trả Mỹ như trên, thì có khả năng Mỹ sẽ rút sự ủng hộ Thái tử làm người thừa kế ngôi Vua.

Điều này sẽ thổi bùng ngọn lửa của cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ Hoàng gia, đặc biệt trong bối cảnh nhiều thành viên của các bộ tộc khác không ưa gì Thái tử bin Salman sau chiến dịch bắt bớ 11 hoàng tử trong chiến dịch chống tham nhũng mang tên "Ritz Carlton".

Kịch bản này không những sẽ gây rối trong Vương quốc giàu dầu mỏ, này mà còn có nguy cơ đẩy khu vực Trung Đông vào tình trạng hỗn loạn mới.

Nếu Ả rập Saudi kiên quyết bác bỏ mọi cáo buộc, thì cuối cùng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đưa ra ánh sáng các bằng chứng về sự tham gia của Thái tử bin Salman trong vụ giết hại nhà báo Khashoggi. Điều này sẽ không dễ dàng khép lại hồ sơ của vụ này ở Ả rập Saudi cũng như trên thế giới.

Nếu Riyadh chứng minh được và đưa ra được những lời giải thích có tính thuyết phục về việc Thái tử bin Salman không dính líu gì vào vụ giết nhà báo Khashoggi và gán được trách nhiệm cho các nhân vật khác như nhân viên Lãnh sự, một Bộ trưởng nào đó hoặc các quan chức trong văn phòng Hoàng cung.... thì chắc chắn các các biện pháp trừng phạt của Mỹ và các nước phương Tây sẽ có mức độ và sẽ chỉ mang tính chất tượng trưng hơn là thực chất, chủ yếu nhằm vào các cá nhân hoặc một số cơ quan dính líu trực tiếp vào vụ giết nhà báo Khashoggi.

Vụ nhà báo Khashoggi: Mỹ sẽ nhẹ tay với Ả Rập Saudi vì đã có dê tế thần hy sinh chịu báng - Ảnh 6.

Ngày 20/10 vừa qua, Ả rập Saudi đã thừa nhận nhà báo Khashoggi bị giết hại và bắt giữ 18 nhân viên an ninh nghi là dính líu vào vụ này. Điều này có nghĩa là nhà vua Salman Bin Abdulaziz và Thái tử bin Salman không có trách nhiệm về vụ này. Đây là dấu hiệu cho thấy lãnh đạo Ả rập Saudi đang chèo lái vụ việc theo kịch bản trên.

Đó là kịch bản có nhiều khả năng xảy ra nhất bởi tất cả các bên đều không muốn làm tình hình leo thang căng thẳng do các lý do chính trị cũng như kinh tế. Những "con dê tế thần" sẽ là 18 nhân viên an ninh và có thể thêm một vài quan chức khác.

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại