Vụ Khaisilk: Khó hình sự hóa!

Thùy Anh |

Hành vi của Khải Silk có dấu hiệu vi phạm nhiều quy định pháp luật. Tuy nhiên việc xử lý khá khó vì hành động đã xảy ra trong quá khứ, thông tin hiện nay chỉ có thể biết được qua khai báo của chính đơn vị này - Luật sư Trương Thanh Đức nhận định.

Khó xử lý

“Đây là hành vi lừa đảo, gian dối", Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO chia sẻ với Infonet xung quanh lùm xùm trên cùng một khăn lụa thương hiệu Khải Silk có hai nguồn gốc xuất xứ cả Việt Nam và Trung Quốc.

Ông Đức cũng cho biết: "Hành vi của Khải Silk có dấu hiệu vi phạm nhiều quy định pháp luật". Tuy nhiên, vị luật sư cho rằng việc xử lý được các hành vi gian lận thương mại của Khải Silk khá khó vì các hành trong quá khứ (ông Khải thừa nhận bán hàng tơ lụa xuất xứ Trung Quốc từ những năm 1990 - PV).

"Bây giờ Khải Silk khai báo thế nào biết vậy", ông Đức nói. Theo đó, việc xử lý như thế nào sẽ phải tùy vào tình hình thực tế điều tra của cơ quan chức năng.

Với các thông tin ông Khải đã thừa nhận trên báo chí về việc đặt may tơ lụa Trung Quốc về bán với thương hiệu Khải Silk mà không làm rõ xuất xứ hàng hóa, Luật sư Trương Thanh Đức chỉ ra các dấu hiệu vi phạm pháp Luật của Khải Silk.

Đầu tiên, theo ông Đức, Khải Silk có dấu hiệu của tội lừa đảo và gian lận thương mại.

Thương hiệu Khải Silk cũng có dấu hiệu gian lận với khách hàng hay ít nhất là quảng cáo gian dối khi nhiều năm nay đơn vị này xây dựng hình ảnh như một thương hiệu lụa thuần Việt, có xuất xứ từ các làng nghề truyền thống. Nặng hơn, theo ông Đức, Khải Silk có dấu hiệu của tội làm hàng giả.

Vị Luật sư phân tích, không loại trừ khả năng trốn thuế của đơn vị này trong những năm qua. Thông tin nguồn gốc Trung Quốc không được công bố, như vậy việc mua vào một đằng, khai báo một kiểu và bán ra với một giá khác. "Thuế má kê khai ra làm sao?", ông Đức đặt nghi vấn.

Về việc xử lý theo quy định của pháp luật, ông Đức cho biết việc làm của Khải Silk có thể xử phạt hành chính các vi phạm nhưng thực tế không đáng bao nhiêu.

Theo ông Đức vụ việc này khó có thể hình sự hóa vì các hành vi lừa đảo, quảng cáo sai sự thật không điển hình, tội gian lận với khách hàng phải xử phạt hành chính rồi mới có thể xác lập.

Người tiêu dùng nên thể hiện quyền lực

Chia sẻ về vụ việc lùm xùm này, ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ Thương hiệu Việt Nam cũng cho rằng: "Nếu là hàng nhập từ Trung Quốc phải nói rõ là hàng Trung Quốc. Không thể nói là hàng tư Việt Nam được. Nói Việt Nam là gian lận".

Theo ông, hành động lập lờ nguồn gốc xuất xứ ảnh hưởng sẽ ảnh hưởng lớn đến uy tiến của hàng Việt. Nhưng để xử lý trường hợp làm ảnh hưởng tới uy tín hàng Việt, niềm tin của người tiêu dùng này như thế nào thì cần phải nghiên cứu và đối chiếu theo quy định của pháp luật.

Luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng việc không minh bạch của Khải Silk khá nguy hiểm khi làm mất lòng tin của khách hàng và mất uy tín của hàng Việt nói chung, hàng tơ lụa nói riêng cả trong nước và quốc tế. Bởi sản phẩm của Khải Silk còn bán rất nhiều cho khách nước ngoài", ông Đức nói.

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng với những trường hợp như Khải Silk, ngoài xử lý theo quy định của pháp luật, đây là lúc người tiêu dùng nên thể hiện quyền lực của mình, nếu thấy cần thiết có thể tẩy chay các sản phẩm gian dối. Nếu không, các doanh nghiệp khác thấy rằng việc làm ăn gian dối vẫn vô sự có thể sẽ ứng xử theo.

Theo ông Đức vụ việc của Khải Silk nên là bài học điển hình để các doanh nghiệp khác nhìn vào cần phải làm ăn đứng đắn. Từ trước đến nay việc làm giả, chất lượng kém của các doanh nghiệp Việt Nam hầu như không bị khách hàng tẩy chay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại