Trong khi một số chủ cửa hàng cho biết, họ “buộc phải ký giấy tự nguyện tháo dỡ biển hiệu cũ”, doanh số bán hàng bị sụt giảm sau khi thay thế biển hiệu đồng bộ, đại diện UBND quận Thanh Xuân (Hà Nội) lại cho biết, quận không áp đặt hộ kinh doanh, doanh nghiệp thay thế biển hiệu.
Chờ hồi đáp
Ngày 7/5 vừa qua, tuyến đường Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội) mở rộng gấp 3 lần khổ đường cũ - chính thức được đưa vào sử dụng và được coi là tuyến đường kiểu mẫu đầu tiên của Hà Nội.
Cùng với việc mở rộng khổ đường, thay đổi làn đường, biển hiệu của các cửa hàng trên tuyến phố cũng được quy hoạch đồng bộ.
Cụ thể, tất cả các biển quảng cáo có nền xanh hoặc đỏ và chữ màu trắng, chiều cao trung bình so với mặt đất được cố định khoảng 3,2m - 3,3m, chiều cao biển hiệu là 1,1m.
Ghi nhận ngày 13/5, anh M. H, chủ cửa hiệu mỹ phẩm trên phố Lê Trọng Tấn, cho biết, sau khi làm biển hiệu mới, việc kinh doanh của cửa hàng trở nên ế ẩm hơn trước.
“Doanh số bán hàng giảm khoảng 70%, hiện chỉ còn khách quen vào mua hàng.
Mỗi cửa hàng cần có một biển hiệu riêng để thu hút khách hàng, để chỉ cần nhìn từ xa là đã biết cửa hàng nào chứ không cần nhìn chữ”, chủ cửa hàng này nói.
Anh M. H. cũng cho biết, biển hiệu quảng cáo có cái trị giá hàng chục triệu đồng, không ai muốn phá đi để làm biển mới đồng đều với các mặt hàng khác, chính vì thế nên hộ kinh doanh bị “bắt buộc” kí giấy tự nguyện tháo dỡ biển hiệu cũ.
“Tôi đã kiến nghị lên Phường và Quận về việc lắp thêm đèn led vào biển hiệu vì khi trời tối thì không thể nhìn thấy nội dung trên biển hiệu nhưng phía phường, quận không đồng ý vì làm như vậy sẽ làm mất sự đồng đều”, chủ cửa hàng mỹ phẩm cho biết thêm.
Chị Nguyễn Việt Anh, nhân viên bán hàng, cửa hàng bánh kẹo Hữu Nghị trên phố Lê Trọng Tấn, cũng cho biết, trước đây, biển hiệu của cửa hàng rất to, có kiểu cách và nổi bật với màu đỏ, vàng chủ đạo nhưng khi thay biển hiệu đồng bộ dù mang lại sự đồng đều cho khu phố nhưng làm tất cả mọi thương hiệu đều giống nhau, không có sự riêng biệt, đặc sắc cho từng thương hiệu.
Được biết, quản lý của cửa hàng bánh kẹo Hữu Nghị trên phố Lê Trọng Tấn cũng đã có kiến nghị về việc đồng bộ biển hiệu nhưng đến nay vẫn chưa có sự hồi đáp.
Trong khi đó, ý kiến từ một số hộ dân sinh sống tại đây lại cho biết, việc đồng bộ biểu hiệu tạo cảnh quan đô thị hiện đại.
Chị Thu Hà - người dân sinh sống trên đường Lê Trọng Tấn, chia sẻ, đối với những con đường đẹp và mới được đưa vào sử dụng như đường Lê Trọng Tấn mở rộng này thì sẽ rất tốt khi loại bỏ được những biển hiệu xập xệ, cũ nát.
“Quận hoàn toàn không áp đặt”
Phản hồi việc có hay không UBND quận Thanh Xuân áp đặt các hộ kinh doanh đồng bộ biển hiệu, bà Vương Thị Vân Khánh, Chánh văn phòng UBND quận Thanh Xuân khẳng định “Quận Thanh Xuân hoàn toàn không áp đặt.
Nếu người dân không đồng thuận thì không ai có thể lắp đặt cho họ những biển hiệu như vậy”.
Cụ thể, bà Khánh cho biết, vào ngày 1/3/2016, quận đã phối hợp với phường Khương Mai và Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội phát phiếu thăm dò ý kiến người dân về việc chỉnh trang đô thị. Theo đó, có tổng cộng 151 hộ dân và 8 cơ quan, tổ chức có liên quan.
Trong đó, 153 hộ dân, tổ chức đã thống nhất chủ trương của Thành phố, 6 hộ dân hiện không cư trú ở Hà Nội sau đó cũng gửi phiếu tán thành.
Cũng theo đại diện UBND quận Thanh Xuân, đối với các doanh nghiệp có logo quảng cáo và thương hiệu độc quyền được cơ quan có thẩm quyền cấp, thì được quận tôn trọng nhưng đề nghị thực hiện việc chỉnh trang đảm bảo kích thước để tạo sự thống nhất đồng bộ.
Trong thời gian tới, theo đại diện UBND quận Thanh Xuân, từ thực tế việc triển khai chỉnh trang tuyến đường Lê Trọng Tấn, Thành phố và quận Thanh Xuân sẽ tiến hành tổng kết rút kinh nghiệm, tiếp thu ý kiến của người dân… để tiếp tục nhân rộng trên một số tuyến đường khác.