"Biển hiệu kiểu mẫu": Giống thời bao cấp càng tốt chứ sao!?

Quang T. |

Nhiều người lo ngại các cửa hàng, doanh nghiệp trên phố Lê Trọng Tấn đã mất đi lợi thế nhận diện thương hiệu. Điều đó chẳng sai. Nhưng…

Vâng, có một chữ nhưng.

Nhưng nếu nhìn dưới một góc độ khác, chẳng phải là cả dãy phố này đã trở thành một thương hiệu, không những thế, còn là một thương hiệu rất mạnh hay sao?

Hãy thử tìm kiếm trên Google đồng thời 2 cụm từ "phố kiểu mẫu" "Lê Trọng Tấn", sẽ nhận được hơn 60.000 kết quả.

Chưa kể một cơ số không đếm xuể các status, các note, các chủ đề thảo luận nóng hổi trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội.

Chưa kể một cơ số (cũng không đếm xuể) các cuộc chuyện phiếm của bác xe ôm, chị hàng nước, anh nhân viên văn phòng, hay ông giám đốc về chủ đề này.

Chưa kể trào lưu tạo avatar, ảnh bìa "kiểu mẫu" đang lan truyền nhanh như điện, truyền thêm sức nóng cho hình ảnh khu phố này.

Và con phố mới được thông xe chưa đầy 1 tuần, còn sự việc "biển hiệu kiểu mẫu" mới dậy sóng trên truyền thông mới chỉ vài ngày.

Biển hiệu kiểu mẫu: Giống thời bao cấp càng tốt chứ sao!? - Ảnh 1.

Một mẫu avatar và ảnh bìa "kiểu mẫu" mà dân mạng đang thích thú chia sẻ và sử dụng.

Có bao nhiêu chiến dịch truyền thông đạt được hiệu quả như thế? Tôi ngờ rằng không nhiều, thậm chí là rất ít.

Thế còn chi phí. Ngạc nhiên chưa: Chủ các cửa hàng, doanh nghiệp không mất đồng nào, vì chương trình được thực hiện theo phương thức xã hội hóa.

Một người bạn của tôi ở TP.HCM tuần sau có chuyến công tác ra Hà Nội. Chat với nhau, câu đầu tiên anh ấy hỏi là "Tuần sau tớ ra, cậu có rảnh không, cà phê Lê Trọng Tấn đi? ‘Buôn’ tí, tiện xem phố đấy ở ngoài thế nào mà dân tình xôn xao thế".

Một số đồng nghiệp trẻ của tôi đã lên kế hoạch "cuối tuần check in, chụp ảnh ở phố kiểu mẫu".

Có thể tôi hơi lạc quan. Nhưng cứ tưởng tượng xem, khoảng 10 năm trước, khi chưa có phong trào chụp ảnh check in của các bạn trẻ, thì mấy ai biết đến vẻ đẹp của các vườn hoa cải Mộc Châu, hay ruộng tam giác mạch Hà Giang? Còn bây giờ?

Lại tưởng tượng tiếp: Nếu anh bạn tôi ghé quán cà phê nào đó trên phố Lê Trọng Tấn, thấy quán bài trí đẹp, chủ quán niềm nở, chào mời ngọt như mật, em phục vụ bàn chân dài miên man.

Và hơn hết, cà phê tuyệt hảo, không có chút nào vị bắp rang hay đậu tương cháy, thì xác suất lần sau anh ra Hà Nội, chúng tôi lại hẹn nhau ở đó là cực cao.

Nếu các cô bé đồng nghiệp đáng yêu của tôi, những người rất trẻ, rất sành điệu, khi check in ở đó, phát hiện ra một cửa hàng thời trang bày bán toàn hàng độc, giá cả dễ chịu, khách thử hàng chục cái không mua gì vẫn được nhận một nụ cười của chị chủ...

Thì có lẽ nào họ không ghi tên cái shop đó vào danh sách "tiêu tiền thường xuyên".

Ai đó lo rằng, "biển hiệu kiểu mẫu" gợi nhớ đến cửa hàng mậu dịch thời bao cấp, hay thậm chí làm cho dãy phố "giống Triều Tiên", đất nước đóng cửa với thế giới và nổi tiếng với những quy định cứng rắn về tác phong, quần áo.

Biển hiệu kiểu mẫu: Giống thời bao cấp càng tốt chứ sao!? - Ảnh 2.

Những hình ảnh như thế này đã nổi tiếng đến mức không cần chú thích, hầu như ai cũng biết đó là phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn.

Nhưng tôi có chút thắc mắc: Ở giữa thời buổi kinh tế thị trường này, thì dấu ấn của thời bao cấp có khi lại rất giá trị. Đã có những cửa hàng, chuỗi cửa hàng, từ cà phê đến ăn uống tái hiện lại không gian thời bao cấp, và họ làm ăn rất phát đạt.

Khi du lịch Singapore, hay thậm chí là châu Âu, Mỹ… đã trở nên khá dễ dàng và phổ biến, thì chẳng phải một chuyến khám phá Triều Tiên là điều mà mọi người mê du lịch đều mơ ước hay sao?

Trong thời buổi mà "độc đáo, khác biệt" trở thành yếu tố sống còn trong kinh doanh, tại sao không nhìn nhận "biển hiệu kiểu mẫu", "khu phố kiểu mẫu" như một địa điểm độc đáo, khác biệt của Hà Nội, nơi ai chưa đến thì tò mò muốn "ghé xem thế nào mà xôn xao".

Nơi ai đã ghé thì muốn quay lại vì ở đó có nhiều thứ "ngon, bổ, rẻ".

Với các cửa hiệu đơn lẻ, nỗi lo khách không tìm ra mình, có lẽ cũng không phải là chuyện "vô phương cứu chữa".

Ngoài biển hiệu, còn rất nhiều thứ để khách hàng nhận ra nơi họ muốn đến: số nhà, phong cách trang trí cửa hàng…, và quan trọng nhất là chất lượng hàng hóa mà bạn cung cấp, cách mà bạn phục vụ…

Ở Hà Nội, có nhiều cửa hàng thuộc diện "nhà không số, phố không tên", hoặc ngự ở các vị trí cực kỳ ngoắt ngoéo, khó tìm, thậm chí chỉ là căn gác xép, gầm cầu thang, nhưng vì ngon, vì "độc", nên khách vẫn đông như nêm.

Thế thì tại sao lại lo ế, khi mà bạn có một cửa hàng tọa lạc ở con phố mới, đường rộng, người qua lại đông, vỉa hè thông thoáng, và hơn hết, là con phố "hot" nhất trên truyền thông ngay từ khi khai trương.

Chỉ xin đừng biến "phố kiểu mẫu" thành mô hình nhân rộng để rồi mất đi tính "độc" của nó là được.

*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại