Kiến trúc đâu chỉ 2 màu

Nguyễn Tường |

Câu chuyện quy hoạch đường Lê Trọng Tấn mở rộng theo hướng thí điểm là tuyến kiểu mẫu đầu tiên ở TP Hà Nội với những bảng hiệu hàng quán, cửa hiệu sao y về chiều cao kích cỡ, thiết kế và chỉ có 2 màu xanh, đỏ… vấp phải phản ứng của người trong ngành marketing.

Nhiều ý kiến cho rằng hiện tượng áp đặt “đồng phục biển hiệu” trên con phố kiểu mẫu này đang can thiệp quá sâu vào chuyên môn sáng tạo cho các thương hiệu. Bởi lẽ, mỗi thương hiệu có một cách tạo dựng hình ảnh nhận diện riêng.

Sự đa dạng vừa đem lại sự đa sắc cho mỹ quan đời sống vừa mang đến tính hiệu quả cho kinh doanh nên đáng được tôn trọng.

Việc thiết kế bảng hiệu quảng cáo nơi công cộng được quy định trong Luật Quảng cáo (Luật số 16/2012/QH13 của Quốc hội) và căn cứ trên cơ sở pháp lý của Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

Vấn đề quy hoạch ở cơ sở không nên can thiệp sâu vào chuyên môn marketing.

Và khi có quy định mỹ quan chung, có lẽ cũng nên đứng trên bình diện lợi ích của người dân, doanh nghiệp hơn là sự duy ý chí hay áp đặt một quy chuẩn thẩm mỹ chủ quan, cứng nhắc nào đó của nhà quản lý.

Ở Việt Nam đã có những khu vực đô thị tính toán hài hòa được giữa những nguyên tắc mỹ quan mà địa phương nêu ra với việc bảo đảm điều kiện pháp luật quy định, nhờ đó tạo ra hiệu quả hình ảnh văn hóa như thế giới biển hiệu ở phố cổ Hội An (Quảng Nam).

Nếu đây đó còn bảng hiệu bát nháo, cái chính là do những quy định chưa đủ tính thuyết phục, chi tiết và giám sát chưa thật chặt chẽ.

Việc khắc phục phải có quá trình tác động trên nền tảng luật hơn là đưa ra các quy phạm đi ngược lại đặc thù của lĩnh vực này rồi buộc người dân tuân theo.

Câu chuyện đồng phục bảng hiệu trên phố Lê Trọng Tấn gợi nhớ đến những kiểu đồng phục kiến trúc khác.

Đó chính là các khu tái định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, nhà dự án xóa đói giảm nghèo quy mô vùng.

Việc tự nghĩ ra một phương án kiến trúc và cứ thế nhân rộng, triển khai bất kể đặc thù tâm lý, tập quán sinh hoạt của người dân đã dẫn đến những khu nhà tăm tắp đồng dạng nhưng vắng bóng người.

Kết cục, chuyện “nhà nước quan tâm hỗ trợ giải quyết đời sống cho dân” lại gây nên tác dụng ngược khi không xuất phát từ nhu cầu thực của dân mà thỏa mãn tính toán của một số người.

Một con đường, một đô thị, rộng hơn là một khu dân cư văn minh kiểu mẫu là điều đáng để hướng đến. Biển hiệu chỉ là một trong số những việc trước mắt cần làm.

Vấn đề sâu xa là làm như thế nào để xóa bỏ thứ “tư duy đồng phục”.

Khó có thể tôn trọng sự khác biệt, sáng tạo, đa dạng - những thành tố của văn minh, nếu còn tư duy quản lý áp đặt một chiều và không hướng tới lợi ích người dân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại