Kiểu mẫu & đồng phục

Việt Hùng |

Những ngày này, bất kỳ ai đi trên “tuyến phố kiểu mẫu” Lê Trọng Tấn hẳn đều cảm nhận thấy sự khang trang, ngăn nắp của một con đường đẹp 4 làn giữa thủ đô Hà Nội. Đó là một sự thay đổi đáng ghi nhận, nhất là đối với người dân sinh sống tại đây, bởi trước đó tuyến đường này khá bụi bặm, nhếch nhác và tắc nghẽn vì quá chật hẹp.

Tuy nhiên, riêng hệ thống các biển hiệu “mặc đồng phục” xanh đỏ nơi đây lại dường như đang bộc lộ nhiều bất cập khiến người kinh doanh không khỏi lo lắng, bức xúc.

Người viết bài đã đi dạo một vòng trên vỉa hè tuyến phố này, đọc kỹ các tấm biển hiệu đều tăm tắp, giống nhau y chang về kích cỡ và màu sắc, toàn chữ mà chẳng có hình, và nhận thấy những băn khoăn của người kinh doanh quả không sai.

Biển hiệu treo ở độ cao như nhau, cùng kích cỡ quả là có tạo ra một hiệu ứng ngăn nắp, gọn gàng trên tuyến phố kiểu mẫu.

Tuy nhiên đọc kỹ tên các biển hiệu lại thấy “có chuyện”, chẳng hạn như biển hiệu quán “Bún đậu” mắm tôm cũng xanh ngắt, cũng “hoành tráng” y chang biển hiệu của Hãng hàng không quốc gia Vietnam airlines, hay như khó mà phân biệt biển hiệu của quán “phở Huy” với thương hiệu thời trang nổi tiếng “Owen” hoặc “May 10” bởi tất cả chúng đều xanh ngắt như nhau chỉ khác mỗi cái tên!

Đến đây bộc lộ ra một điều rất bất cập, bởi nhu cầu quảng bá, nhận diện thương hiệu của ông bán phở hay bà bán bún đậu mắm tôm chắc chắn khác xa với nhu cầu của một hãng hàng không quốc gia hay một thương hiệu thời trang tên tuổi.

Do vậy, từ kích cỡ đến thiết kế mỹ thuật, trình bày cũng có những mục tiêu khác nhau, nhắm đến các đối tượng khách hàng khác nhau.

“Đồng phục” - một khái niệm đề cao tính thống nhất, ai cũng giống ai không hề có sự khác biệt. Nhớ lại thời bao cấp nghèo khó, người đô thị đều mặc na ná giống nhau, đều quần xanh công nhân với áo trắng.

Nay đất nước đổi mới, hội nhập và phát triển, tư duy cũng khác nhau, nhu cầu hưởng thụ, thẩm mỹ hay gu quần áo cũng mỗi người mỗi khác.

Đó là quy luật tất yếu bởi trong thế giới văn minh, việc tôn trọng mọi sự khác biệt (đương nhiên phải đúng pháp luật) luôn được đề cao.

Biển hiệu ngày nay cũng vậy, mỗi doanh nghiệp đều có quy mô, tính chất, mục tiêu và cả triết lý kinh doanh khác nhau. Không lẽ gì chúng lại phải giống nhau từ màu sắc cho tới kích cỡ.

Thiết nghĩ một tuyến phố kiểu mẫu rất cần định nghĩa ra nội hàm của hai từ “kiểu mẫu”.

Văn minh hay gọn gàng, ngăn nắp liệu có đồng nghĩa với sự giống nhau đến nhàm chán và khiên cưỡng ? Biển hiệu cửa hàng, biển hiệu quảng cáo trên các tuyến phố rất cần có sự quản lý, rất cần những quy định cụ thể để đảm bảo mỹ quan đô thị.

Song sự quản lý ấy phải khoa học và hợp lý, phải tạo điều kiện cho sự phát triển của doanh nghiệp, chứ không thể gây khó cho doanh nghiệp, bởi họ chính là động lực cho sự phát triển của đất nước!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại