Việc ICJ “ngả về” Iran trong “vòng đấu” đầu tiên đã góp thêm cho Tehran một tiếng nói quan trọng từ cộng đồng quốc tế, bên cạnh Liên minh châu Âu (EU), trong việc "hợp lực" đối phó với các biện pháp trừng phạt của Mỹ vốn đang “bóp nghẹt” nền kinh tế nước Cộng hòa Hồi giáo.
Tuy nhiên, những phản ứng cứng rắn từ phía Mỹ sau khi ICJ ra phán quyết cũng báo hiệu căng thẳng giữa Tehran và Washington sẽ tiếp tục bị đẩy lên cao trong thời gian tới, nhất là khi chỉ chưa đầy một tháng nữa gói biện pháp trừng phạt thứ 2, chủ yếu nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ – “xương sống” của nền kinh tế Iran, bắt đầu có hiệu lực.
Mặc dù phán quyết của ICJ chỉ yêu cầu Mỹ ngừng áp đặt một phần lệnh trừng phạt liên quan tới hàng hóa nhân đạo và đảm bảo an toàn hàng không dân dụng, song có thể nói đây vẫn là một “thắng lợi tinh thần” mang tính biểu tượng đối với Iran.
Việc Iran đệ đơn lên ICJ hồi tháng 7 vừa qua kiện Mỹ áp đặt trở lại một cách bất hợp pháp các biện pháp trừng phạt đơn phương nhằm vào Tehran, là một trong hàng loạt động thái của quốc gia Trung Đông này nhằm phản đối quyết định của Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) và gia tăng sức ép đối với Tehran.
Iran cho rằng Mỹ đã phớt lờ các nghĩa vụ pháp lý và ngoại giao, vi phạm luật quốc tế khi đơn phương tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Tehran, vốn đã được dỡ bỏ theo thỏa thuận JCPOA ký tháng 6/2015 mà tới nay Iran và các bên còn lại tham gia ký kết (gồm Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc) vẫn đang tuân thủ nghiêm chỉnh.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ được xem là hoàn toàn mang tính chính trị với mục tiêu buộc Iran phải ngồi vào bàn đàm phán một thỏa thuận khác, và vi phạm Hiệp ước về quan hệ thân thiện và kinh tế (TAER), được 2 nước ký kết năm 1955.
Trên thực tế việc Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi JCPOA và tái áp đặt trừng phạt Iran không chỉ bị Tehran phản đối mà còn khiến quan hệ giữa Washington với các đồng minh của Mỹ chủ chốt ở châu Âu như Đức, Pháp, Anh bị sứt mẻ.
Các đồng minh của Mỹ đều không ủng hộ Mỹ tái áp đặt trừng phạt Iran, trong bối cảnh kết quả các đợt thanh sát quốc tế tại quốc gia Trung Đông đều cho thấy Iran tuân thủ các cam kết theo thỏa thuận hạt nhân lịch sử.
Bước đầu, phán quyết của ICJ như một sự thừa nhận về tính phi lý và sai lầm của các biện pháp trừng phạt đơn phương của Washington mà người dân Iran đang là nạn nhân trực tiếp.
Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố phán quyết của ICJ rõ ràng là "một thắng lợi pháp lý", đồng thời khẳng định: "Phán quyết của ICJ một lần nữa chứng tỏ nước Cộng hòa Hồi giáo là đúng đắn và các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm chống lại người dân Iran là bất hợp pháp và tàn nhẫn".
Phán quyết này cũng phần nào cho thấy chính sách của Mỹ trong vấn đề Iran không nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Cùng với động thái trước đó của một loạt nước tiếp tục hợp tác kinh tế với Iran, bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ, rõ ràng Washington đặt mình vào tình thế bị cô lập khi đơn phương đưa ra những biện pháp trừng phạt gây hậu quả nghiêm trọng.
Cho tới nay, những động thái của Mỹ tăng cường cô lập và gây sức ép đối với Iran, đặc biệt sau khi gói trừng phạt đầu tiên theo quyết định của Tổng thống Donald Trump có hiệu lực hồi đầu tháng 8, đã khiến nền kinh tế của quốc gia Trung Đông vốn đang “lao đao” vì khủng hoảng ngày càng khó khăn.
Giới chức Iran coi những biện pháp trừng phạt của Mỹ là "sự khủng bố kinh tế". Hiện dược phẩm nước ngoài là mặt hàng vô cùng khan hiếm ở Iran trong bối cảnh giới chức nước này đang phải đương đầu với "bài toán hóc búa" giá trị đồng nội tệ rial mất tới khoảng 50% giá trị kể từ tháng 4 đến nay và giá cả leo thang.
Theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF), nền kinh tế Iran có thể suy giảm 3% trong năm nay và 4% vào năm 2019.
Ở một khía cạnh khác, phán quyết của ICJ còn có thể coi như sự phản bác đối với chính sách dùng các biện pháp trừng phạt hoặc gây sức ép tối đa, lâu nay thường được Mỹ và một số nước áp dụng trong quan hệ quốc tế.
Chuyên gia luật quốc tế Geoff Gordon, thuộc Viện Asser ở La Hay, nêu rõ: “Vì lý do quyền lực chính trị, luật pháp quốc tế chưa bao giờ chính thức công nhận chiến tranh kinh tế tương tự như việc sử dụng vũ lực, vốn bị cấm theo Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ), cho dù các biện pháp trừng phạt kinh tế có thể để lại hậu quả tương tự thậm chí là tồi tệ hơn cả súng và bom”.
Trong vụ việc cụ thể này, ICJ đã thể hiện được vai trò là tòa án cao nhất của Liên hợp quốc phán xử các vấn đề tranh cãi, qua đó tạo động lực để các nước thông qua con đường pháp lý đấu tranh bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình hay giải quyết các tranh chấp.
Tuy nhiên, phán quyết ngày 3/10 của ICJ mới chỉ là giải pháp tạm thời, không thể giải quyết toàn bộ vấn đề. Hơn nữa, dù phán quyết của ICJ có tính ràng buộc và các bên không có quyền kháng án, song tòa lại không có thẩm quyền để thi hành, do đó không có gì đảm bảo các phán quyết này chắc chắn được tuân thủ.
Trong phản ứng đầu tiên, Mỹ đã tuyên bố sẽ hủy bỏ hiệp ước TAER ký năm 1955 với Tehran, rút khỏi Nghị định thư không bắt buộc theo Công ước Vienna về quan hệ quốc tế năm 1961, trong đó quy định phán quyết của ICJ mang tính ràng buộc đối với các tranh chấp.
Washington cũng xem xét lại toàn bộ các thỏa thuận quốc tế vốn buộc nước này phải liên quan đến các quyết định mang tính ràng buộc của ICJ. Tất cả những động thái của Mỹ cho thấy Washington sẽ "phớt lờ" phán quyết của tòa, đồng thời cũng đẩy cuộc chiến pháp lý giữa Mỹ với Iran vào vòng đấu mới nhiều khả năng còn cam go hơn.
Trong bối cảnh đợt trừng phạt thứ hai của Mỹ nhằm vào Iran sẽ có hiệu lực vào đầu tháng 11 tới, phản ứng của Mỹ cũng báo hiệu rằng Washington không từ bỏ chính sách hiện nay, điều có thể khiến hai nước tiếp tục xoáy sâu hơn vào đối đầu với những hậu quả khó lường.
Sau những màn "khẩu chiến" giữa lãnh đạo hai nước tại diễn đàn Đại hội đồng LHQ vừa qua và những cáo buộc liên quan tới vụ tấn công khủng bố nhằm vào một lễ diễu binh của quân đội Iran hôm 22/9, cơ hội khởi động tiến trình đàm phán giữa Mỹ và Iran để thoát khỏi bế tắc hiện nay, dường như cũng mờ mịt hơn.