Công khai tham vọng đánh bật Iran khỏi Syria, Mỹ đang tự "đưa đầu vào rọ"?

Hải Võ |

Chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố duy trì hiện diện quân sự tại Syria nhằm ngăn cản "sự bành trướng của Iran khắp khu vực Trung Đông".

Mỹ hướng "mũi giáo" sang Iran tại Syria

Thông điệp mới nhất về trường của Washington được đưa ra hồi tuần trước, đánh dấu bước đảo ngược kịch tính phát ngôn của ông Trump vào 6 tháng trước, khi tổng thống nói sẽ nhanh chóng rút lính Mỹ khỏi Syria và kết thúc sự can thiệp của Mỹ trong xung đột Syria.

James Jeffrey, đặc phái viên Bộ ngoại giao Mỹ về vấn đề Syria, cho biết nước Mỹ sẽ duy trì hiện diện ở Syria và không loại trừ khả năng mở rộng hơn nữa nhiệm vụ quân sự tại đây, cho đến khi Iran rút binh lính cùng các nhóm vũ trang do Tehran bảo trợ.

"Tổng thống [Trump] muốn chúng tôi tiếp tục ở Syria đến khi các điều kiện khác được thỏa mãn," Jeffrey trả lời báo chí hôm 27/9. Ông bổ sung rằng việc rút lính Mỹ cũng tùy thuộc vào kết quả cuối cùng của cuộc chiến nhằm diệt trừ nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).

Ông Jeffrey lên tiếng vài ngày sau khi Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton tuyên bố Mỹ sẽ không rút khỏi Syria "chừng nào quân Iran còn ở bên ngoài biên giới Iran" - đánh dấu lần đầu tiên Mỹ liên hệ hoạt động ở Syria với mục tiêu thách thức Tehran.

Tờ Washington Post đánh giá, chiến lược mới sẽ gia tăng rủi ro cho chính quyền Trump tại Syria - nơi Mỹ vẫn đang đối mặt với hàng loạt trở ngại, bao gồm việc Nga hậu thuẫn mạnh mẽ chính quyền tổng thống Bashar al-Assad khiến Mỹ khó buộc được Damascus nhượng bộ hướng tới kết thúc xung đột.

Iran cũng sẽ không dễ dàng từ bỏ vị thế mà họ giành được ở Địa Trung Hải, trong bối cảnh nước này đã gia tăng ảnh hưởng một cách nhanh chóng tại Syria từ khi cuộc nội chiến bùng nổ năm 2011.

Chính quyền ông Trump đã đặt mục tiêu hàng đầu tại Trung Đông lúc này là chống lại mạng lưới các lực lượng ủy nhiệm hùng mạnh của Iran, bao phủ từ Lebanon tới Iraq và Yemen.

Ở Syria, Mỹ tin rằng Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) chỉ huy ít nhất 10.000 tay súng, bao gồm các nhóm vũ trang Hồi giáo Shiite và cả binh sĩ chính phủ Iran - thành phần "xương sống" của lực lượng hỗ trợ chính phủ Assad giành lại nhiều khu vực bị phe nổi dậy chiếm đóng.

Từ "sớm rút quân" đến tiếp tục hiện diện

Để phù hợp mới chiến lược mới, giới chức Mỹ cũng đã thay đổi cách thức trình bày về vấn đề 2.000 lĩnh Mỹ sẽ đóng ở Syria trong bao lâu. Quân Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với lực lượng đồng minh người Kurd để săn lùng các nhóm tàn dư được cho là cuối cùng của nhóm IS ở vùng trung tâm Syria.

Trước đây, lãnh đạo Lầu Năm Góc nói rằng quân Mỹ sẽ rời khỏi Syria sau khi các vùng lãnh thổ bị khủng bố chiếm đóng được giải phóng và ổn định dưới sự kiểm soát của lực lượng địa phương - ngụ ý Mỹ chỉ còn giữ ảnh hưởng nhỏ sau khi các vùng này được giải phóng.

Nhưng hiện nay, giới chức Mỹ bắt đầu liên hệ nhiệm vụ tiêu diệt IS với mục tiêu tái thiết trật tự trên toàn Syria và kết thúc chiến tranh.

Trao đổi với báo giới vào tuần trước, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis nói quân đội Mỹ sẽ duy trì hoạt động ở Syria cho đến khi bảo đảm các đồng minh bản địa có đủ khả năng ngăn chặn phe nổi dậy - kịch bản từng xảy ra ở Iraq sau khi Mỹ rút quân năm 2011.

"Đây không phải là chuyện dễ dàng khi phải chống lại một kẻ thù như IS," ông Mattis cho hay, nhưng cũng cam đoan hiện diện của Mỹ sẽ không phải là vô thời hạn bởi thỏa thuận hòa bình do LHQ bảo trợ "sẽ khép lại toàn bộ vấn đề".

Lầu Năm Góc khẳng định nhiệm vụ quân sự của Mỹ ở Syria không thay đổi, và theo luật lực lượng Mỹ chỉ được giao tranh với IS. Nhưng đối trọng với Iran đã trở thành "lợi ích thứ cấp" mà Washington có được khi có lính Mỹ ở Syria - các quan chức Mỹ cho biết.

Chính phủ Mỹ hướng đến mục tiêu đẩy lùi Iran khỏi Syria, một phần trong nỗ lực hậu thuẫn đồng minh Israel. Ông James Jeffrey nói chiến dịch mới của Mỹ tại Syria có thể bao gồm một nhiệm vụ quân sự dài hạn, nhưng cũng có thể chỉ duy trì hiện diện về ngoại giao hoặc hậu thuẫn các lực lượng đối tác.

"Tất cả vấn đề đều xoay quanh sức ép chính trị," WaPo dẫn lời ông Jeffrey. "Chúng tôi kỳ vọng rằng chính phủ Syria - hay bất kỳ chính phủ nào hiện hữu - vào giai đoạn cuối của lộ trình chính trị hoặc giữa lộ trình chính trị, sẽ không còn cảm thấy cần thiết phải có lực lượng của Iran ở đây nữa."

"Chúng tôi sẽ không ép buộc người Iran rút khỏi Syria. Chúng tôi cũng không cho là người Nga có thể ép được người Iran."

Các chuyên gia về Trung Đông lý giải, sự thay đổi về diễn đạt thông điệp liên quan đến Syria cho thấy chính quyền ông Trump muốn tận dụng sức mạnh quân sự làm đòn bẩy trong chiến lược lớn hơn để cô lập Iran.

Công khai tham vọng đánh bật Iran khỏi Syria, Mỹ đang tự đưa đầu vào rọ? - Ảnh 2.

Ông John Bolton phát biểu tại hội nghị các bên chống lại hạt nhân Iran, tổ chức ở New York ngày 25/9 (Ảnh: DARREN ORNITZ/Reuters)

Ông Bolton - người có thái độ cứng rắn với Tehran giống như ông Trump - phản đối thỏa thuận hạt nhân Iran do chính quyền Barack Obama khởi xướng và ký kết. Cố vấn an ninh Mỹ thường nhấn mạnh cần phải ngăn chặn Tehran gây dựng "vòng kiểm soát" từ Iran qua Iraq, Syria, Lebanon tới cửa ngõ Israel.

"Tất cả là để kìm hãm khả năng làm chủ của Iran trong khu vực," theo ông Eric Edelman - cố vấn Trung tâm đánh giá chiến lược và ngân sách, cựu đại sứ Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ và Phần Lan.

Mỹ có thể rơi vào giằng co hàng thập kỷ với Tehran

Các nhà phân tích cho rằng sự hiện diện của lực lượng Iran, Hezbollah cùng các nhóm Hồi giáo Shiite tại đất nước chủ yếu theo dòng Hồi giáo Sunni có thể góp phần làm gia tăng chủ nghĩa cực đoan.

Charles Lister, chuyên gia cấp cao ở Viện Trung Đông (Mỹ), cho hay nhóm khủng bố al-Qaeda có thể trục lợi từ căng thẳng sắc tộc, bởi các nhóm Sunni cực đoan ở Syria mô tả Iran là kẻ thù cốt lõi và hô hào thánh chiến để lật đổ ông Assad cùng các nhóm Shiite ủng hộ ông.

Robert Malley, cựu giám sát chính sách Trung Đông ở Nhà Trắng thời Obama, chỉ ra rằng Iran là đồng minh bền vững, lâu dài và đáng tin cậy nhất của chính quyền Assad. Việc Iran có thể rút khỏi Syria theo cách "được yêu cầu" hay "bị cưỡng chế" vẫn còn rất mơ hồ.

WaPo dẫn lời một nhà ngoại giao phương Tây (ẩn danh), nói rằng Tehran đã chi hàng chục tỉ USD ở Syria và hy sinh hàng nghìn chiến binh tại đây trong quá trình hậu thuẫn tổng thống Assad. Do đó nếu Mỹ muốn duy trì quân đội tại đây cũng lâu như Iran thì điều đó có nghĩa "ít nhất sẽ là hàng thập kỷ".

Fred Kagan, một học giả tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, nhận xét chính phủ Mỹ cần phát triển một kế hoạch chi tiết để gây sức ép mạnh hơn cả các biện pháp cấm vận kinh tế mà Washington đã áp lên Tehran.

Theo ông Kagan, các phương án gián tiếp có thể khiến Iran giảm hoạt động quân sự tại Syria nhưng cũng sẽ không được như Mỹ mong muốn.

"Nếu chúng ta nghiêm túc về chuyện đạt được những mục tiêu mà ông Bolton và các quan chức khác đề ra thì chúng ta cần làm nhiều hơn," ông nói.

Hiện diện dài hạn ở Syria là nhân tố gia tăng rủi ro đối đầu Mỹ-Iran. Dù hoạt động ở các khu vực khác nhau, lực lượng đôi bên đã nhiều lần đụng độ khi các chiến binh do Tehran hậu thuẫn tiến sát các cứ điểm của người Mỹ.

Ông Jeffrey cùng nhiều quan chức Mỹ khẳng định tổng thống Donald Trump đã lên tiếng mạnh mẽ về cam kết ở lại Syria, và Nhà Trắng có thể tận dụng thời cơ để khoe các sách lược đối đầu Iran.

Dù vậy, vẫn chưa rõ ông Trump sẽ ứng phó thế nào trước khả năng thương vong gia tăng cho lính Mỹ hay các thách thức trực diện hơn đối với Mỹ và đồng minh trên thực địa.

Tổng thống từng phê chuẩn hai cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở quân sự của chính phủ Syria, nhưng ông Trump vẫn chưa "nếm thử" các đợt tấn công dồn dập từ những nhóm vũ trang thân Iran.

Trong trường hợp đó, theo học giả Lister, "ngay cả những quan chức 'diều hâu' cứng rắn với Iran cũng khó thuyết phục tổng thống... Và tôi nghĩ người Iran biết điều đó".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại