Ngày 13/11, theo hãng thông tấn Tass của Nga, Bộ Quốc phòng Israel thông báo, ngày 12/11 đã có khoảng 190 quả rocket phóng vào lãnh thổ của Israel, hệ thống Iron Dome "Vòm sắt" của Israel đã đánh chặn được 60 quả, một số quả khác đã bắn vào khu vực không người, một số khác thì bắn vào nhiều thành phố của Israel, trong đó, thủ đô Tel Aviv của Israel đã trở thành mục tiêu tấn công chính.
Mặc dù quân đội Israel đã cố gắng hết sức để đánh chặn các quả rocket này, tuy nhiên vẫn có nhiều thành phố bị tấn công và thiệt hại nghiêm trọng.
Không quân Israel đã phóng 3 tên lửa vào thủ đô Damascus, làm 2 dân thường thiệt mạng và hơn 10 người bị thương, trong đó có con trai của thủ lĩnh Al-Ata. Nhóm Hồi giáo Jihad cho rằng, mục tiêu của vụ tấn công này là nhà của chỉ huy chính trị Akram Al-Ajouri.
Nguyên nhân Israel bất ngờ bị tấn công bằng rocket quy mô lớn là do, ngày 11/11, Israel đã tấn công vào một số địa điểm ở thủ đô Damascus của Syria trong một nỗ lực tiêu diệt Baha Abu Al-Ata - thủ lĩnh của nhóm thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ) ở Dải Gaza (nhóm Hồi giáo Jihad), với cáo buộc Al-Ata đứng sau nhiều vụ tấn công nhằm vào Israel, và là "quả bom hẹn giờ" vì đang chuẩn bị nhiều âm mưu khác.
Gần 200 quả rocket đã nã vào miền Nam Israel từ dải Gaza. Nguồn: Sina
Hành động của Israel đã phải chịu sự tấn công trả đũa của nhóm PIJ, và chỉ trong 1 thời gian ngắn, 190 quả rocket đã được bắn về miền Nam Israel.
Mặc dù Israel dự kiến các nhóm vũ trang sẽ phát động một cuộc phản công, nhưng Israel không nghĩ rằng Syria và Iran sẽ tham gia vào chiến dịch này.
Cùng ngày Quân đội Israel đã lên án Syria và Iran, cho rằng, 2 quốc gia này trong thời gian dài đã bí mật cung cấp các loại vũ khí, rocket cho tổ chức vũ trang Jihad để các phần tử vũ trang này tiến hành tấn công vào lãnh thổ Israel.
Mặc dù hệ thống phòng không "vòm sắt" của Israel có thể đánh chặn rocket và thậm chí cả đạn của súng máy hạng nặng, nhưng nó không có khả năng đối phó với tên lửa và pháo hỏa tiễn hạng nặng.
Hệ thống “vòm sắt” của Israel đã hoàn toàn “thất thủ” trước tên lửa và pháo hỏa tiễn hạng nặng. Nguồn: Sina
Mối quan hệ giữa Israel và Syria từ lâu đã như "nước với lửa". Israel luôn lên án Syria "chứa chấp" các nhóm vũ trang chống Israel. Sau khi xảy ra cuộc nội chiến Syria, máy bay chiến đấu của Israel không chỉ xâm phạm không phận Syria mà còn ném bom vào các cơ sở quân sự của Syria như doanh trại quân đội, xưởng chế tạo tên lửa.
Về phía Syria, với quan điểm "kẻ địch của kẻ địch là bạn", Syria đã tăng cường hỗ trợ các nhóm vũ trang Jihad để cùng nhau đối phó với Chính phủ Israel.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel đã chính thức tuyên bố rằng, Israel thực thi 2 ngày "trạng thái đặc biệt" trong phạm vi 80 km ở dải Gaza, bất kỳ binh lính nào và phương tiện không xác định xuất hiện ở Dải Gaza sẽ bị tấn công, các máy bay chiến đấu và trực thăng vũ trang của Israel sẽ liên tục tuần tra không phận Gaza, để điều tra xác minh các trận địa tên lửa của các tổ chức vũ trang.
Quân đội Israel cũng đã ra lệnh đóng cửa các trường học tại miền nam và miền trung nước này, mở cửa nơi trú ẩn công cộng, đồng thời yêu cầu người dân ở trong nhà và không đi làm nếu không có việc thật sự quan trọng.
Cơ quan tình báo Israel nghi ngờ rằng, Iran cũng là một "nhân vật chính" trong vụ tấn công. Iran có công nghệ phát triển tên lửa tương đối hiện đai, và các tên lửa do Iran cung cấp cho tổ chức Jihad ngày càng tiên tiến, tầm bắn và độ chính xác ngày càng được nâng cao, điều này làm cho hệ thống "vòm sắt" đang đối mặt với nguy cơ sụp đổ.
Trong "cơn mưa" rocket vừa rồi thì "vòm sắt" đã có nhiều lần bị hoang báo, bắn mục tiêu "ma" hoặc bắn trượt, thậm chí không khai hỏa khi mục tiêu nguy hiểm đi vào vùng hỏa lực. Trong thời gian tới, nếu không có bổ sung thì lực lượng phòng không Israel sẽ phải chịu nhiều áp lực lớn.
Hệ thống “vòm sắt” đã không còn hiệu quả khi mà các lực lượng Jihad được Iran cung cấp tên lửa ngày càng hiện đại hơn. Nguồn: Sina
Được biết, hệ thống "vòm sắt" của Israel được thai nghén từ năm 2007 và tới 2011 thì chính thức được đưa vào biên chế, hệ thống này do Israel tự nghiên cứu chế tạo nhằm đối phó những trận tập kích bằng rocket trong các cuộc xung đột liên miên giữa Israel với các quốc gia và các nhóm vũ trang thù địch ở Trung Đông.
Theo thiết kế, hệ thống "vòm sắt" có tầm bắn hiệu quả tối đa 70 km, hoạt động 24/24 trong mọi điều kiện thời tiết, đủ khả năng phát hiện, theo dõi và xạ kích diệt cùng lúc nhiều mục tiêu là tên lửa, rocket, đạn cối cỡ 155 mm với xác suất bắn trúng đạt tới 80%.
Cấu hình của mỗi tổ hợp "vòm sắt" cơ bản gồm 1 radar cảnh giới nhìn vòng, 1 trạm điều khiển và kiểm soát vũ khí cùng 3 bệ phóng mỗi bệ có 20 đạn tên lửa đánh chặn Tamir sử dụng đầu dò quang điện để đánh chặn ở pha cuối của mục tiêu.
Một trong những điểm vượt trội của hệ thống này là căn cứ vào quỹ đạo bay của mục tiêu, hệ thống chỉ huy kiểm soát có thể tính toán được điểm rơi và ra quyết định khai hỏa đánh chặn hay không đánh chặn.
Ngay khi được đưa vào biên chế, lập tức hệ thống phòng thủ tên lửa "vòm sắt" đã chứng minh hiệu quả khi phần lớn các vụ tập kích bằng đạn rocket, tên lửa, đạn cối tấn công vào Israel của những thế lực thù địch từ năm 2011 tới nay đã không thể "chạm tới mục tiêu" do bị "vòm sắt" đánh chặn.