Có bạn gái người Nhật, học tiếng Nhật và dành nhiều thời gian sống ở Nhật (và chính tôi đang viết câu trả lời này từ Nhật), tôi xin được chia sẻ tường tận về những cú shock mà bản thân đã kinh qua, bởi lẽ những quan niệm trước đây của tôi về đất nước này lần lượt sụp đổ.
Nhật Bản là một quốc gia mà cá nhân tôi thấy những khiếm khuyết được che đậy cẩn thận dưới những lớp vỏ bọc đẹp đẽ, và hầu hết những người nước ngoài đều quá thích đến nỗi họ chẳng bận tâm đến việc mở ra xem bên trong lớp vỏ bọc lấp lánh ấy là gì.
#1. Nhật Bản là một nước giàu
Ấn tượng đầu tiên với khách du lịch hầu hết sẽ là ánh đèn ở khu Shinjuku, và điều đó dễ khiến họ nhầm lẫn rằng Nhật Bản là một quốc gia giàu có. Tất cả mọi thứ, từ đồ ăn ngon cho đến nhà vệ sinh tự động đều hoàn hảo và hiện đại. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu hơn, người ta sẽ giật mình nhận ra đất nước này đang trên đà lăn xuống đáy dốc của sự nghèo đói.
Có lần tôi buộc phải qua đêm ở một quán cà phê manga vì lỡ chuyến tàu cuối. Quán cà phê manga là một chỗ trú ngụ rẻ tiền có đủ máy tính, đồ uống, thậm chí cả vòi tắm cho những người đến đó đọc truyện tranh và thư giãn.
Tuy nhiên, khi thức dậy lúc 7 giờ sáng, tôi nhận ra có nhiều người xung quanh thực sự sống ở đó, chứ không hề mang nghĩa "tạm bợ" như tôi. Họ thức dậy, mặc đồ công sở và đi làm. Hẳn có vài người trong số đó có thể cũng bị mắc kẹt như tôi, nhưng phần đông còn lại, thấy rõ một sự thật rằng họ đang làm những công việc part-time để tiếp tục tồn tại.
Mức tiền lương trung bình ở Nhật Bản đã bị đình trệ và thực tế còn bị giảm trong hai thập kỷ gần đây. Nợ công Nhật Bản lớp gấp đôi GDP, trong bối cảnh một cuộc suy thoái không có hồi kết. Nhiều công ty không những chậm thanh toán lương mà còn cắt giảm chi phí theo cách mà sẽ không có lợi với những người làm công việc part-time.
Về cơ bản, nếu người Nhật trẻ tuổi không được ai đó thuê ngay khi vừa rời đại học thì sẽ rất khó để họ tìm được việc làm toàn thời gian. Do đó họ bị mắc kẹt giữa nghèo đói và tuyệt vọng, khiến họ khó kết hôn vì thiếu tiền, điều này ở mức vĩ mô và lâu dài sẽ gây hại cho nền kinh tế.
Nếu bạn rời khỏi các thành phố lớn như Tokyo, hay thậm chí là các quận lớn hào nhoáng của Shibuya, bạn sẽ nhận ra ngay lập tức là nước Nhật đang chết dần. Nhiều nơi đã trở thành các "thành phố kín", nơi mà mọi cửa hàng đều đóng cửa do thiếu người tiêu dùng. Các doanh nghiệp nhỏ không thể cạnh tranh được với các chuỗi cửa hàng và nhà hàng hiện đại xung quanh các nhà ga và đang chết dần chết mòn.
Người trẻ tập trung đến các thành phố để tìm việc làm và nông thôn chỉ toàn những người cao tuổi, khiến tình hình kinh tế địa phương xấu đi và mức tăng trưởng lại chìm trong một vòng luẩn quẩn.
Phụ nữ ít quyền tự chủ kinh tế do chủ nghĩa phân biệt giới tính đã bám rễ quá sâu thành một phần của nền văn hóa. Xã hội Nhật cho rằng phụ nữ nên bỏ việc sau khi kết hôn hoặc có đi làm thì cũng chỉ cần một việc par-time thu nhập thấp là được. Điều này đã tước đi lực lượng lao động có trình độ học vấn cao và tài năng của Nhật Bản.
Ngoài ra còn có rất nhiều công việc cực kỳ phân biệt giới tính. Phụ nữ ở Nhật Bản có xu hướng chọn các nghề "phái yếu" như điều dưỡng, làm đẹp, giảng dạy... Đáng buồn là gần như một nửa những bà mẹ đơn thân đang sống ở dưới mức nghèo đói.
Nhật Bản là một quốc gia không dành cho khởi nghiệp. Doanh nghiệp nhỏ và tư duy đổi mới bị nghiền nát bởi các quy tắc cứng nhắc và nỗi sợ thất bại. Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao Nhật Bản bỏ lỡ cuộc cách mạng bùng nổ Internet và điện thoại di động? Chính bởi do những thế lực kinh tế lâu đời như Sony hay những cái tên lớn khác, đóng vai trò như lớp khiên chắn và ngăn cách.
Nhật Bản đã không còn có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế được nữa. Nhật đã giàu lên nhờ mức tiền lương rẻ mạt.
Nhưng hiện tại, so với Trung Quốc và các nước còn lại của Châu Á, chi phí lương của Nhật cao hơn, lại thêm các chính sách cứng nhắc khiến hàng hóa của họ khó bán. Ngay cả ngành công nghiệp giải trí của họ cũng đã bị Hàn Quốc vượt qua ở mức độ quốc tế.
Người Nhật rất tệ trong việc học và nói tiếng Anh. Nhật Bản không quá ưa chuộng người lao động nước ngoài hoặc người nhập cư, trên thực tế, họ còn chủ động ngăn tránh lực lượng này. Nhật Bản hướng nội và không linh hoạt khi ở giai đoạn cần phải mở rộng và kết nối với phần còn lại của châu Á và thế giới.
#2. Người Nhật lịch sự và dễ mến
Người Nhật rất lịch sự trong các tình huống khuôn mẫu. Chắc chắn là họ rất tốt với người nước ngoài và khách khứa nhưng họ ít tốt hơn đối với những người ở vị trí thấp hơn. Cứ để ý người Nhật tại nhà hàng chẳng hạn, họ coi những bồi bàn và nhân viên nhà hàng là thứ gì đó không đáng bận tâm. Nói cách khác, ‘lịch sự kiểu Nhật’ chỉ là một thứ hình thức phụ thuộc vào bối cảnh.
Tôi là người Trung Quốc. Những người bạn da trắng của tôi nhận được mức đối xử cao nhất có thể. Còn về phần mình, tôi chỉ nhận được ở mức như-người-Nhật. Thi thoảng khi tôi nói tiếng Nhật hoặc tiếng Anh không tốt thì còn bị đối xử ‘ít tốt’ hơn nữa.
Người da nâu và da đen thì bị đối xử tệ nhất; họ bị kì thị và mặc dù ít người Nhật thừa nhận nhưng những người này luôn bị coi là đáng ghê sợ.
Tôi sống trong một căn hộ với nhiều người Nhật. Họ hiếm khi nói chuyện với nhau. Họ không muốn giao tiếp bằng mắt và chủ động tránh nhìn nhau ở sảnh. Người Nhật thực sự có vấn đề trong việc tương tác với người lạ. Họ chỉ đơn giản là không biết cách cư xử vì xã hội của họ không khuyến khích sự tương tác thân thiện giữa những người lạ. Họ chỉ tương tác với hai nhóm đối tượng duy nhất được phân định rõ ràng: hoặc là bạn bè, gia đình hoặc là người trên kẻ dưới (ở chỗ làm).
Người Nhật còn có cả một thuật ngữ để miêu tả vẻ mặt lịch sự chuẩn mực của mình (chính thái độ luôn mỉm cười và cúi chào mà khách du lịch nhìn thấy): tatemae. Khách du lịch và người nước ngoài hiếm khi thấy được những cảm xúc thực sự của người Nhật.
#3. Người Nhật rất hạnh phúc
Nhìn qua bên ngoài thì người Nhật có vẻ hạnh phúc nhưng sự thật lại ngược lại. Họ chỉ đơn giản là không vồ vập và cởi mở như người phương Tây. Đối với người Nhật, tỏ ra kém vui vẻ là bất lịch sự. Người Nhật có tư tưởng là ‘chịu đựng và không để lộ ra’, dù thế thì rất đáng ngưỡng mộ, nhưng với những người không thể ‘chịu đựng’ thì họ sẽ bị ép 'xẹp lép' bởi những áp lực.
Tỷ lệ tự tử của Nhật Bản rất cao. Người ta nhảy vào đầu xe lửa như cơm bữa. Đến nỗi chính phủ phạt GIA ĐÌNH của những người tự tử như một cách ngăn chặn những người có ý định.
Dịch vụ bệnh tâm thần gần như không tồn tại. Có rất rất nhiều người bị bệnh loại này nghiêm trọng, thường là những người hiếm khi hoặc không bao giờ rời khỏi nhà của họ. Nhiều người già sống một mình và lúc chết thì mãi đến vài tuần sau, khi xác đã bị phân hủy, mới được phát hiện.
Còn có cả một thế hệ đàn ông được biết đến với tên là Soshoku Danshi hay ‘những người đàn ông ăn cỏ’, để nói về những người đã từ bỏ hôn nhân và tình yêu. Họ hoặc là không đủ khả năng, hoặc là không muốn làm việc đến chết để nuôi gia đình, thay vào đó họ dùng các sở thích hoặc anime hoặc Internet để lấp đầy chỗ trống. Điều đáng nói, những người này chiếm hơn 50% nam giới ở độ tuổi 20-30.
Tôi nghĩ mình sẽ tạm dừng ở đây vì đã bắt đầu thấy mệt. Nói thêm là, tôi thực sự rất thích Nhật Bản. Tôi chỉ muốn chia sẻ những lần vỡ mộng của mình để giúp những người nước ngoài khác khỏi mất công hão huyền.