Vào một ngày đẹp trời tại ga tàu Chigasaki, miền Tây Nam thủ đô Tokyo, hai người đàn ông Nhật cãi nhau gay gắt và bắt đầu động tay chân. Đây quả là hình ảnh hiếm thấy tại đất nước nổi tiếng lịch sự này.
Người đàn ông lớn tuổi hơn sau đó cho biết mình khó chịu khi nghe thấy tiếng nhạc quá to phát ra từ tai nghe của chàng trai trẻ nên ông đã đẩy cậu ấy ngã đập đầu xuống đường ray xe lửa.
Chưa hết bực, người đàn ông này còn liên tiếp đá vào đầu chàng trai khi anh ta cố leo trở lại thềm chờ.
Câu chuyện trên mới chỉ xảy ra ngày 8/6/2019 và người đàn ông đã bị cảnh sát bắt giữ ngay sau đó.
Cùng ngày, cảnh sát cũng đã bắt giữ ông Yutaka Arai, 71 tuổi ở Tokyo khi ông này để lại bức thư trong hộp thư hàng xóm rằng họ nên giữ con cái họ trật tự, chúng quá ồn ào khi chờ xe buýt và nếu không làm được thì đừng than khóc cho những gì có thể xảy ra.
Lời đe dọa này đã khiến gia đình hàng xóm lo lắng và cảnh sát ngay lập tức vào cuộc bởi đầu tháng 6/2019, một kẻ ẩn dật trong xã hội Nhật đã tấn công vào một nhóm các trẻ em và phụ huynh chờ xe buýt ở thành phố Kawasaki khiến 1 bé gái và người cha thiệt mạng cùng 15 người khác bị thương. Sau đó kẻ ẩn dật này đã tự sát bằng dao.
Đây là dấu hiệu ngày càng nghiêm trọng khi nhiều người ẩn dật (Hikikomori) tại Nhật có xu hướng bài xích xã hội, ít tiếp xúc với người ngoài cũng như có xu hướng bạo lực.
Mọi người đặt hoa tưởng nhớ các nạn nhân ở Kawasaki.
Lịch sự lắm, áp lực nhiều
Trong một xã hội nổi tiếng lịch sự như Nhật Bản, mối quan hệ giữa người với người đang ngày càng nhạt dần bởi mọi người thường có xu hướng quay đầu đi khi nhìn thấy những chuyện bất bình chẳng liên quan đến bản thân.
Mọi người chỉ để ý đến cuộc sống lịch sự, không chen vào đời tư của nhau mà quên đi mất nền tảng của một xã hội không chỉ là sự giao tiếp mà còn là sự kết nối.
Thêm vào đó, sự quá tải của công việc khiến mọi người mệt mỏi và chẳng còn hơi sức đâu để ý những chuyện xung quanh.
Guồng lao động quá nặng nhọc này cũng khiến họ dễ nổi khùng bởi chẳng có giải trí hay nơi nào để giải stress.
Anh Masakatsu Yamamoto, một nhân viên hơn 40 tuổi tại Tokyo cho biết xã hội Nhật ngày nay ít khoan dung và tử tế hơn trước.
Mọi người sống quá nhanh với sự bùng nổ của công nghệ, kỹ thuật, truyền thông và ngày càng trở nên mất kiên nhẫn với mọi người xung quanh.
"Chúng tôi muốn mọi thứ phải ngay lập tức và trở nên ngày càng thiếu kiên nhẫn nếu điều đó không xảy ra", anh Yamamoto thừa nhận.
Sự bùng nổ công nghệ thậm chí khiến nhiều người Nhật nhập nhằng giữa đời thực với đời ảo bởi thực tế xã hội Nhật không còn được như trước.
Anh Yamamoto cho biết nếu trước đây những đứa trẻ hay đến công viên gặp bạn bè, người già đến quán rượu gặp đồng hương thì nay mọi thứ có thể làm thông qua một chiếc màn hình.
Do đó, dù vẫn giữ liên lạc nhưng người Nhật ngày nay ít kết nối thực sự hơn cũng như cô đơn hơn.
Người Nhật lịch sự và cũng ngày càng vô tâm?
Anh Ken Kato, chủ một doanh nghiệp nhỏ ở Tokyo cũng nhận định rằng giới trẻ Nhật ngày nay quá đau đầu về thu nhập, công việc, mưu sinh nên chẳng còn thời gian quan tâm thứ khác, thậm chí là chẳng có thời gian, công sức cho hẹn hò, kết hôn.
Trong khi đó, người già Nhật lại đang ngày càng lo lắng khi không có ai chăm sóc cho họ, ít con cháu và phải sống trong nỗi cô đơn.
"Ngày xưa, các công ty thường như những gia đình, họ chăm sóc nhân viên cho đến tận khi nghỉ hưu.
Nhưng ngày nay chuyện đó không còn nữa và bạn có thể mất việc bất cứ lúc nào. Điều này khiến nhiều người cảm thấy mất an toàn và là nguyên nhân tạo stress", anh Kato nói.
Một xã hội áp lực từ trẻ đến già
Số liệu chính thức của chính phủ cho thấy trong năm tài khóa 2018, Nhật Bản chỉ có 918.397 trẻ mới sinh, giảm 27.000 trẻ so với năm trước đó và là mức thấp nhất kể từ khi Tổng cục thống kê Nhật thu thập số liệu từ năm 1899.
Trong khi đó, Nhật Bản có tới 1,36 triệu người tử vong cùng kỳ, tăng 22.000 người so với năm trước đó và là mức cao nhất kể từ sau Thế chiến II.
Điều này đồng nghĩa Nhật Bản lần đầu tiên suy giảm dân số vượt quá 400.000 người mỗi năm, đạt mức 444.085 người mất/năm.
Ngoài ảnh hưởng đến nền kinh tế, chính phủ Nhật cũng đau đầu khi quá nhiều người già khiến quỹ an sinh xã hội, lương hưu của nước này quá tải.
Theo ước tính Cục dịch vụ tài chính Nhật thuộc chính phủ, khoảng ¼ số người Nhật hiện nay sẽ sống đến tuổi 95 trong khi 1 đôi vợ chồng già sẽ cần ít nhất 20 triệu Yên (185.000 USD) tài sản để sinh tồn dù vẫn nhận được đồng lương hưu ít ỏi.
Cuộc sống quá mệt mỏi khiến người Nhật ngày càng dễ nổi cáu?
Hệ quả là trẻ em Nhật áp lực chuyện học hành đến mức tự tử, người trưởng thành thì không chỉ lo lắng mưu sinh mà còn phải lo chuyện sống ra sao về già, tạo nên những áp lực khủng khiếp mà chẳng thể chia sẻ được với ai do văn hóa lịch sự, tinh thần tự cường theo kiểu võ sĩ đạo (samurai).
Giáo sư Mieko Nakabayashi của trường đại học Waseda University cho biết dù xã hội Nhật vẫn lịch sự và kiên nhẫn nhưng mọi thứ đang dần thay đổi.
"Tôi cảm thấy mọi người giờ đây rất dễ nổi cáu dù là chuyện nhỏ nhất…
Tôi nghĩ xã hội Nhật đang ngày càng cạnh tranh hơn, khiến mọi người chịu áp lực và dễ xung đột hơn. Trong khi đó nền kinh tế của chúng tôi thì không còn được tốt như trước nữa", Giáo sự Nakabayashi thừa nhận.
Năm 2015, tổ chức nghiên cứu quốc tế về cuộc sống ISLH đã có cuộc khảo sát tại Nhật Bản, Anh và Mỹ.
Khi được hỏi họ có thực sự hạnh phúc không, khoảng 23,8% người Anh trả lời có. Con số này là 33,2% tại Mỹ nhưng tại Nhật Bản chỉ là 18,5%.
Khi được hỏi về kỳ vọng cho tương lai, khoảng 86,7% người Anh tỏ thái độ tích cực và con số này là 93% ở Mỹ. Tại Nhật, chỉ có 54,5% người được hỏi cho biết họ vẫn còn kỳ vọng vào cuộc sống tương lai.
Trong khi ở Mỹ, chỉ khoảng 7% nói rằng họ chẳng có hy vọng nào nữa cho tương lai thì con số này lên đến 45,5% ở Nhật Bản.
Lịch sự đang khiến người dân Nhật kìm nén sự thất vọng của mình?