"Vờ dọa" Ukraine, Nga "giương cung" một đằng, "bia ngắm" một nẻo?

Trương Mạnh Kiên |

Động thái phô diễn quân sự mới nhất cho thấy ông Putin muốn thể hiện sức mạnh vì những lý do không liên quan nhiều đến Ukraine mà liên quan đến tương lai của Nga.

Lính Nga tại Crimea.

Lính Nga tại Crimea.

Nga đã và đang rút hàng chục nghìn quân khỏi khu vực sát biên giới với Ukraine sau một cuộc phô trương sức mạnh mà tờ Time mô tả là “làm căng thẳng thần kinh từ Kiev đến Washington”.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết quá trình rút quân sẽ hoàn tất vào ngày 1/5. Sau đó, các quan chức Ukraine, châu Âu và Mỹ sẽ chính thức được thở phào.

Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là, động thái rút quân mới nhất của Tổng thống Vladimir Putin cho chúng ta biết điều gì về những tính toán của ông? Tờ Time đã đưa ra một số lời giải đáp.

Thứ nhất, động thái phô diễn sức mạnh của ông Putin thời gian qua như thể hiện sự quyết tâm trong việc xác định vị thế lãnh thổ của Nga trên toàn bộ khu vực “cận nước ngoài”, đặc biệt là Ukraine và Belarus.

Cùng với đó, nhà lãnh đạo Nga cho thấy, ông sẽ không coi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là một đối tác đàm phán bình đẳng.

Chính quyền Zelensky gần đây đã có các động thái áp chế sự ủng hộ Nga ở Ukraine và nhắc lại lời kêu gọi về việc trở thành thành viên NATO. Mỹ đã gửi những tín hiệu không thân thiện về phía Moscow với việc gia tăng các biện pháp trừng phạt và Thổ Nhĩ Kỳ đã cung cấp cho Ukraine vũ khí phòng thủ. Với màn hù dọa của mình, Tổng thống Putin muốn tất cả nên suy nghĩ kỹ trước khi hành động bước tiếp theo.

Thứ hai, việc phô trương sức mạnh cho chúng ta thấy rằng ông Putin muốn các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu cảm nhận sự quyết tâm và sẵn sàng chấp nhận rủi ro trong việc bảo vệ các lợi ích của Điện Kremlin.

Vờ dọa Ukraine, Nga giương cung một đằng, bia ngắm một nẻo? - Ảnh 1.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Có rất ít khả năng ông Putin sẽ ra lệnh cho một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Ukraine, điều có thể làm tiêu hao sinh lực quân đội và trả giá đắt trong việc kiểm soát một quốc gia 40 triệu dân với một lãnh thổ rộng lớn hơn bất kỳ thành viên EU hiện tại nào. Tuy nhiên, động tác dọa dẫm của Nga sẽ khiến Ukraine và phương Tây phải nhận ra rằng họ cần phải cẩn trọng.

Với tính toán trên, ông Putin đã đạt được những gì mình muốn. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gửi đề nghị cho một cuộc gặp thượng đỉnh. Kết thúc cái mà Nga gọi là “tập trận thường xuyên”, ông Putin đã mỉm cười ở phút cuối.

Nhưng "cuộc tập trận" nói trên cũng cho thấy ông Putin đang cần thể hiện sức mạnh vì những lý do không liên quan nhiều đến Ukraine mà lại liên quan đến tương lai của Nga.

Nga vẫn là nhà xuất khẩu dầu thô số 2 thế giới và số 1 về xuất khẩu khí đốt tự nhiên. Trong những năm đầu ông Putin lãnh đạo đất nước, trong thời kỳ bùng nổ dầu khí mà kết thúc với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nền kinh tế Nga luôn tăng trưởng ở mức nóng, trung bình gần 7%.

Nhưng thị trường dầu mỏ chưa bao giờ phục hồi sau đợt tăng sản lượng khai thác ở Mỹ những năm gần đây, kể từ đó nền kinh tế Nga tăng trưởng trung bình mỗi năm chỉ 1%. Nga đã chưa thể đa dạng hóa nền kinh tế nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu khí. Lĩnh vực này vẫn chiếm khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu và khoảng 40% doanh thu của Nga.

Sự trì trệ nói trên cần một cú thúc lớn từ biểu tượng lãnh đạo của đất nước và nó đã được cụ thể hóa bằng màn trình diễn quân sự mới nhất.

Hiện tại, Nga có dự trữ tài chính để chống chọi với những cơn bão kinh tế sắp tới, và ông Putin vẫn có tỷ lệ ủng hộ lớn của dân chúng. Tuy nhiên, Điện Kremlin cần chuẩn bị các nguồn lực để đa dạng hóa nền kinh tế Nga nhằm thay đổi theo chiều hướng tốt hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại