Tờ Le Monde của Pháp viết rằng, Lực lượng Hàng không - Vũ trụ Nga (VKS) đang sử dụng thành công bom lượn chống lại Quân đội Ukraine trên mặt đất.
Loại bom có tầm bay xa hơn bom thông thường này đã thực sự trở thành cơn ác mộng đối với các tuyến phòng thủ của Ukraine.
Ấn phẩm lưu ý rằng để đạt được hỏa lực, Lực lượng Vũ trang Nga đã hiện đại hóa các loại bom trên không thời Liên Xô, vốn bị coi là “bom ngu” biến chúng thành “vũ khí tối thượng” ở trên không với khả năng tấn công chính xác từ rất xa, giúp các máy bay không phải tiếp cận với vùng phòng không của Ukraine.
Một quân nhân Ukraine nói với Le Monde rằng, những quả bom từ hàng trăm kg đến hàng tấn này có thể phá hủy hoàn toàn mọi công trình phòng thủ kiên cố nhất. Tất cả các tòa nhà và công trình chỉ đơn giản biến thành một cái hố sau khi chỉ có một quả bom FAB rơi xuống và trong một ngày Nga thả từ 60-80 quả xuống một khu vực phòng thủ của họ.
Bom lượn bắt đầu đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Nga chiếm được thành phố chiến lược Avdiivka ở tỉnh Donetsk và kể từ đó quân đội Nga đã tích cực sử dụng chúng trên nhiều khu vực khác nhau.
Le Monde khẳng định rằng, nhờ những loại đạn này, cán cân trên đường giới tuyến cuối cùng sẽ nghiêng về Moscow và cho phép Lực lượng vũ trang Nga đột phá trên các mặt trận.
KAB, FAB cũng góp phần quan trọng trong cuộc chiến giành giật thành phố Chasov Yar - một trong điểm cố thủ cuối cùng của Lực lượng Vũ trang Ukraine ở tỉnh Donetsk, nằm trên trục đường tới 2 thành trì cuối cùng ở Donbass là Kramatorsk và Slavyansk.
Trước đó, tạp chí Spiegel của Đức viết rằng Lực lượng vũ trang Ukraine đang gặp vấn đề lớn về nguồn cung cấp ở khu vực Chasov Yar và đã sẵn sàng rút lui khỏi địa phương này.
Nếu thành phố này được các đơn vị Nga giải phóng, toàn bộ tuyến phòng thủ Ukraine ở Donbass có thể sụp đổ.
Nhận thức được sức mạnh của Lực lượng Hàng không - Vũ trụ Nga đang kiểm soát hoàn toàn bầu trời Ukraine, các nước châu Âu đang nỗ lực xây dựng một hệ thống phòng không chung mang tên “Lá chắn bầu trời” (Sky Shield) để bảo vệ mình trước sức mạnh khủng khiếp của Nga.
Tờ Daily Mail của Anh hôm 01/5 đưa tin, chính quyền London đang thảo luận về việc tham gia hệ thống phòng không mới của châu Âu, có đủ sức mạnh bắn hạ tên lửa và máy bay không người lái từ các đối thủ mạnh như Nga. Theo tiết lộ của Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps, dự án này có tên là “Sky Shield”.
Bộ trưởng Anh nói thêm rằng, London vẫn đang ở giai đoạn đầu làm việc với các đối tác châu Âu về tính năng của các hệ thống, đặc biệt là việc tìm kiếm các phương án khả thi để thực hiện dự án.
Trước đó có thông tin cho rằng, lực lượng không quân của các nước thành viên khối NATO đã sẵn sàng tham gia các trận không chiến chống lại Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga tại chiến trường châu Âu, còn lực lượng phòng không cũng đang được đầu tư nâng cấp mạnh để có đủ sức mạnh đối đầu với các chiến đấu cơ, UAV và tên lửa của Moscow.
Động thái đáng chú ý nhất là Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã phê duyệt việc bán tên lửa không đối không tầm trung AIM-120 C-8 AMRAAM tiên tiến và các thiết bị liên quan cho Không quân Italia, nhằm giúp họ có thêm “cánh tay nối dài” trong cuộc đối đầu với các chiến đấu cơ mang tên lửa tầm xa của Nga.
Việc thông qua gói tên lửa cho máy bay này được Washington cho là sẽ hỗ trợ đắc lực cho các mục tiêu của chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, bằng cách tăng cường khả năng cho một đồng minh NATO mạnh mẽ ở châu Âu, vốn là động lực cho sự ổn định chính trị và tiến bộ kinh tế ở lục địa già.