Svein Tore Holsether - Giám đốc điều hành của Yara International - một trong những nhà sản xuất phân bón lớn nhất thế giới có trụ sở tại Na Uy - cho biết, phân bón nitơ - rất quan trọng cho sự phát triển của cây trồng - được sản xuất bằng cách sử dụng khí đốt tự nhiên và Nga đang xuất khẩu nhiều hơn sang châu Âu, thay thế một số loại khí bị EU cấm.
"Phân bón là loại khí mới", Holsether nói. "Thật nghịch lý khi mục tiêu là giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào Nga, và giờ đây chúng ta đang mộng du khi giao nguồn lương thực quan trọng và sức mạnh phân bón cho Nga".
Theo số liệu của Eurostat, EU đã nhập khẩu urê - một loại phân bón nitơ phổ biến - từ Nga nhiều gấp đôi trong 6 tháng đầu năm 2023, so với cùng kỳ một năm trước đó. Mặc dù nhập khẩu urê của Nga đã giảm kể từ đầu năm nay nhưng vẫn chiếm khoảng 1/3 tổng lượng nhập khẩu vào khối. EU nhập khẩu 24% tổng lượng phân bón nitơ từ Nga, còn Ai Cập là nhà cung cấp lớn thứ hai với 22%.
Theo hãng tin RT (Nga), phân bón nitơ được tạo ra bằng cách trộn hóa chất trong không khí với hydro từ khí tự nhiên ở nhiệt độ và áp suất cao. Giá khí đốt tự nhiên tăng đột biến vào năm 2022 sau các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine cũng khiến giá phân bón tăng cao, ảnh hưởng đến tình hình tài chính của nông dân châu Âu.
Trong khi ở những nơi khác, đặc biệt là tại châu Phi, nông dân đã ngừng sử dụng phân bón hoàn toàn, khiến cho năng suất cây trồng sụt giảm và làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Holsether cho biết, kể từ đó, giá phân bón đã giảm do giá khí đốt tự nhiên giảm, nhưng ngành phân bón châu Âu vẫn đang gặp khó khăn do hàng nhập khẩu từ Nga chiếm thị phần lớn.
Theo ông Holsether, các nhà sản xuất phân bón Nga được hưởng lợi từ chi phí năng lượng thấp hơn và cũng gặp ít hạn chế về sản xuất bền vững hơn.
Theo Financial Times, Nga là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu phân bón nitơ lớn nhất thế giới. Điều này cũng xảy ra với phân bón kali và phốt-phát.
Trong khi các lệnh trừng phạt của phương Tây đưa ra các miễn trừ đối với thực phẩm và phân bón xuất khẩu của Nga, Moscow lại phàn nàn rằng hoạt động thương mại đã bị cản trở vì lo ngại từ người mua cũng như các ngân hàng và công ty bảo hiểm của họ về sự liên quan của các cá nhân hoặc công ty Nga bị trừng phạt.
Mặc dù vậy, kim ngạch xuất khẩu phân bón của Nga đã tăng 70% vào năm 2022 nhờ giá cao hơn.
Holsether cho biết, Nga có thể sử dụng sự thống trị ngày càng tăng của mình trên thị trường phân bón để làm đòn bẩy chính trị - giống như cách Moscow từng làm với các nguồn cung cấp năng lượng.
"Khi bạn sản xuất một sản phẩm rất quan trọng đối với [hoạt động] sản xuất lương thực, đó là một công cụ mạnh mẽ", Holsether nói. "Và một lần nữa, tôi cho rằng sẽ thật ngây thơ khi nghĩ rằng ở một thời điểm nào đó nó sẽ không được sử dụng cho mục đích chính trị".
"Những gì chúng tôi thấy khi giá phân bón thực sự tăng là châu Âu có khả năng chi trả cao hơn phía Nam bán cầu. Vì vậy, nếu điều này được sử dụng [làm công cụ chính trị] thì một lần nữa, người nghèo nhất sẽ phải trả giá cao nhất", Holsether nhận định.