Virus corona: Nhiều người Trung Quốc lo sợ băng cầu Trường Giang để thoát ổ dịch

An An |

Nhiều người đang đến và rời khỏi tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc bằng cách đi bộ qua một cây cầu bắc ngang sông Trường Giang mặc dù cây cầu đã bị phong tỏa lưu thông.

Trường Giang nối liền Cửu Giang, tỉnh Giang Tây và Hoàng Cương, Hồ Bắc, một trong những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự bùng phát của virus corona và hiện đã bị phong tỏa với phần còn lại của Trung Quốc trong nỗ lực cố gắng ngăn chặn phát tán dịch bệnh.

Wu Minzhou, một chủ doanh nghiệp 40 tuổi, đang câu cá gần cây cầu ở phía Giang Tây, cho biết ông lo lắng về những trường hợp ngoại lệ rời khỏi Hồ Bắc.

"Vì có một... thời gian ủ bệnh ở đây, nếu họ rời khỏi [Hồ Bắc], ví dụ đến các thành phố ở phía bắc Trung Quốc thì rất có thể họ sẽ lây nhiễm [cho người dân ở] những khu vực đó", ông nói.

Virus corona: Nhiều người Trung Quốc lo sợ băng cầu Trường Giang để thoát ổ dịch - Ảnh 1.

Một người phụ nữ nói chuyện với nhân viên an ninh để xin qua cầu sang bờ Cửu Giang, Giang Tây giữa lúc dịch bệnh bùng phát. Ảnh: Reuters

Trong khi các phương tiện giao thông không được phép qua cầu thì lối đi dành cho người đi bộ vẫn mở. Chia sẻ với Reuters, cảnh sát địa phương cho biết, vẫn có người đang vào Hồ Bắc và họ vẫn có thể rời đi nhưng đó chỉ là những trường hợp đặc biệt.

"Giờ đây, mọi người đang hoảng loạn nhưng tôi nghĩ mọi thứ không tệ lắm", ông Guan, lao động nhập cư 45 tuổi, nói với Reuters sau khi đi qua Trường Giang.

Một người đàn ông khác nói với Reuters rằng, anh ta đã lái xe đến từ Cửu Giang cùng với người bạn của mình để trở về quê nhà ở Hồ Bắc.

"Tuy nhiên, một khi bạn quay trở lại [Hồ Bắc], bạn không thể rời đi", anh nói, "Bạn phải ở đó, ở nhà. Bạn không thể ra ngoài".

Virus corona: Nhiều người Trung Quốc lo sợ băng cầu Trường Giang để thoát ổ dịch - Ảnh 2.

Một người đàn ông ngồi gần trạm kiểm soát bị từ chối đi vào Cửu Giang. Ảnh: Reuters

Dịch bệnh viêm phổi do virus corona, được cho là bắt nguồn từ một chợ hải sản ở thủ phủ Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng và phức tạp đã khiến WHO phải tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu vào thứ Năm vừa qua.

Tàu hỏa và các phương tiện giao thông công cộng khác đã bị tạm dừng hoạt động, các con đường đã bị phong tỏa, các trạm kiểm soát được thiết lập tại các trạm thu phí xung quanh Vũ Hán và các biện pháp đặc biệt đã được thực thi ở các thành phố khác trong tỉnh Hồ Bắc.

Mặc dù Cửu Giang chưa chính thức bị phong tỏa, nhưng đường phố hầu như cũng rất vắng vẻ, các địa điểm du lịch phải đóng cửa vào ngày nghỉ lễ cuối cùng tết Nguyên đán tức 30/1.

"Anh biết đấy, trước đây trong thời gian này (kỳ nghỉ), việc kinh doanh của tài xế taxi chắc chắn sẽ rất thuận lợi nhờ các lễ hội, rất nhiều người trở về nhà", ông Nikol Dongbo, 59 tuổi, nói.

"Tuy nhiên, năm nay, vì có dịch bệnh nên tất cả chúng tôi chỉ đang làm theo những gì chính phủ yêu cầu. Đó là, chúng tôi ở nhà hầu hết mọi thời gian. Chúng tôi cũng không đi ra ngoài và không có ai khác ở ngoài đường".

Ở nhiều nơi, các cửa hàng hầu hết đều đóng cửa, và một vài nhà hàng vẫn mở nhưng hầu như đều vắng khách.

"Thông thường vào thời điểm này trong năm có rất nhiều người đến đây. Bây giờ không có ai", một người chủ nhà hàng chay gần chùa Phật giáo Donglin ở Cửu Giang cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại