Vinfast góp phần khiến giá xe lao dốc?

PV |

Theo TS Dương Đình Giám, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách công nghiệp, Bộ Công Thương, việc Vingroup sản xuất ô tô là một trong nhiều tác động bên cạnh việc giảm thuế - khiến các nhà sản xuất, cung ứng ô tô điều chỉnh giảm giá.

Hãng xe ngoại khống chế thị trường

Càng về cuối năm, thông tin giảm giá xe càng được tung ra rầm rộ. Tính đến thời điểm hiện tại, Hyundai Thành Công giảm giá đến 230 triệu đồng đối với dòng xe SantaFe, Mitsubishi đã giảm 200 triệu đồng cho nhiều mẫu xe, Nissan giảm giá cho hầu hết các mẫu xe đang bán, GM cũng vừa tung mức giá thấp hơn cho một sỗ mẫu…

Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô VN (VAMA) dự báo giá xe ô tô sẽ giảm mạnh vào đầu năm 2018, khi thuế nhập khẩu ô tô khu vực Asean về 0%.

Vinfast góp phần khiến giá xe lao dốc? - Ảnh 1.

TS Dương Đình Giám. Ảnh: Theo Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng

Theo ông Dương Đình Giám, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách công nghiệp, Bộ Công Thương, ngoài tác động trực tiếp chính là từ thuế nhập khẩu giảm theo lộ trình giảm thuế trong ASEAN - việc Vingroup tham gia sản xuất ô tô Vinfast cũng là một nhân tố tích cực giúp kéo giá xe xuống.

“Vingroup có uy tín và thành công ở các lĩnh vực khác nhau nên Vingroup bước vào lĩnh vực nào là các nhà sản xuất, kinh doanh ở lĩnh vực đó phải chuẩn bị tinh thần cạnh tranh. Chắc chắn là như vậy”, ông Giám nói.

Theo ông Giám, người tiêu dùng trong nước biết rõ bao lâu nay họ bị các hãng xe khống chế thị trường, buộc họ phải mua xe với giá cao hơn nhiều so với xe ở các nước khác.

Điều dễ nhận thấy là trước kia, giá xe máy Honda rất cao, kể từ khi có xe máy do doanh nghiệp trong nước lắp ráp, giá xe của Honda và các liên doanh khác đã giảm hẳn. Tương tự, Toyota bao năm nay không khuyến mại, không giảm giá, nhưng cũng đã phải thay đổi, phải giảm giá khá nhiều.

Có được kết quả trên là do các sản phẩm, dịch vụ vận hành theo nguyên tắc thị trường, khi xuất hiện đối thủ mới, nguồn cung đa dạng hơn, cạnh tranh gay gắt hơn, buộc doanh nghiệp phải tăng chất lượng và giảm giá.

Chung quan điểm này, ông Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia về ô tô, cho rằng: “Đương nhiên với sự cạnh tranh khi thêm nhà cung cấp thì các doanh nghiệp khác phải hạ giá bán cho người tiêu dùng”.

Tuy giá ô tô trong nước đang giảm kỷ lục nhưng theo ông, mức giá hiện nay vẫn quá cao và chất lượng kém hơn so với xe cùng loại ở nước ngoài. Chẳng hạn xe Kia Morning ở Việt Nam bán hơn 300 triệu đồng, nhưng giá thành xuất xưởng của họ chỉ khoảng 3.500 – 4.000 USD (khoảng 80 triệu đồng).

Thương hiệu Việt tạo thế cân bằng

Theo nhận định của Bộ Công thương, sau năm 2018, khi thuế nhập khẩu xe ô tô dưới 9 chỗ từ ASEAN vào Việt Nam giảm về 0%, lượng xe nhập khẩu từ khu vực này sẽ tiếp tục gia tăng. Nếu ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước không có bước phát triển đột phá thì Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ ô tô cho các hãng nước ngoài.

Để tránh tình trạng trên, theo ông Đồng, “đừng hi vọng doanh nghiệp nước ngoài sẽ làm ô tô cho Việt Nam. Mình phải làm”. Để có được chất lượng phù hợp và giá cả cạnh tranh, theo ông

Dương Đình Giám, Vingroup cần làm chủ công nghệ và huy động được hệ thống các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ trong nước cung cấp linh kiện, phụ tùng, tránh bị lệ thuộc vào linh kiện nhập khẩu của các hãng nước ngoài. Càng nội địa hóa cao thì giá xe của Vingroup càng có tính cạnh tranh.

Có như vậy thì sản phẩm của Vingroup mới có tác động kéo giá xe của các hãng khác giảm xuống.

Theo một lãnh đạo Vingroup, Tập đoàn này sẽ ưu tiên sử dụng linh phụ kiện của các nhà sản xuất công nghiệp phụ trợ trong nước nhằm thực hiện mục tiêu lâu dài là từng bước nâng tỷ lệ nội địa hóa xe Vinfast lên 60%.

Mục tiêu của Vinfast là trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu Đông Nam Á với công suất thiết kế lên đến 500.000 xe/năm vào năm 2025, sản phẩm chủ lực là ô tô động cơ đốt trong, ô tô sử dụng động cơ điện thân thiện với môi trường.

Liên quan đến mục tiêu, chiến lược của Vingroup, theo ông Đồng, sản xuất ô tô điện rất khó, Vingroup sản xuất ô tô điện là đúng xu hướng nhưng ngoài nỗ lực của doanh nghiệp này cần có chính sách hỗ trợ của nhà nước.

“Khi mình làm được xe ô tô điện thì thuế môi trường cũng cần tăng lên. Ví dụ xe chạy xăng từ Thái Lan sang Việt Nam thì phải chịu thuế môi trường cao, để người tiêu dùng trong nước ưu tiên lựa chọn ô tô điện với thuế môi trường thấp”, ông Đồng nói.

Hơn thế, giá ô tô điện đang rất cao, việc Vingroup sản xuất, đưa ra thị trường ô tô điện vào năm 2020 sẽ tác động rất mạnh vào giá của loại xe này. Ngay ở Âu, Mỹ, xe chạy xăng có giá khoảng 30.000 USD thì xe chạy điện giá 70.000 USD. Nếu nhập khẩu với thuế suất hiện tại ở Việt Nam, một chiếc ô tô điện bình thường cũng có giá hơn 200.000 USD.

Đánh giá cao cách làm nhanh, quyết liệt của Vingroup, ông Dương Đình Giám cho biết, khi xe Vinfast ra thị trường, sự tác động của ô tô thương hiệu Việt này sẽ còn lớn hơn nữa trong việc cạnh tranh, kéo giảm giá xe ô tô ở Việt Nam.

“Tôi nhận thấy người tiêu dùng đang rất phấn khởi, tin tưởng Vingroup sẽ sản xuất ô tô chất lượng, giá hợp lý. Với Thaco, Thành Công, đặc biệt là Vinfast, hy vọng người dân sẽ không còn bị doanh nghiệp ô tô nước ngoài khống chế thị trường, ép giá,” ông Giám nhận định.

>>> Xem thêm: 20 mẫu xe VINFAST được thiết kế riêng bởi 4 Studio lừng danh thế giới

20 mẫu xe VINFAST được thiết kế riêng bởi 4 Studio lừng danh thế giới

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại