Vinastas công bố khảo sát độc lập về nước mắm chứa arsen hữu cơ

Hoàng Đan |

Vinastas khảo sát hơn 100 mẫu nước mắm cho thấy hàm lượng arsen tổng vượt ngưỡng quy định. Tuy nhiên, họ không phát hiện arsen vô cơ (là chất độc hại), và vì vậy nước mắm vẫn an toàn với người tiêu dùng.

Chiều nay, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức công bố kết quả khảo sát, kiểm tra các mẫu nước mắm được lấy tại 10 tỉnh, thành phố.

Theo ông Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam cho biết, từ lâu nay nước mắm luôn là loại gia vị không thể thiếu đối với cuộc sống gia đình Việt Nam.

Tuy vậy không phải ai cũng hiểu rõ và hiểu đúng về thành phần dinh dưỡng, độ an toàn cần có của sản phẩm nước mắm khi đưa vào sử dụng.

Bên cạnh đó, điều đáng lo ngại hiện nay là người tiêu dùng hoàn toàn không có nhiều thông tin lựa chọn khi mua nước mắm ngoại trừ những thông tin mà nhà sản xuất ghi trên nhãn sản phẩm.

Trước thực trạng đó, vừa qua Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã tiến hành chương trình khảo sát chất lượng nước mắm đóng chai bán trên thị trường của 10 tỉnh/ thành phố trong cả nước.

Hội đã tiến hành lấy mẫu khảo sát nội dung ghi nhãn và các nhóm chỉ tiêu hóa học về thành phần cấu tạo, an toàn thực phẩm của nước mắm như: thành phần hóa học (nitơ, nitơ axit amin, nitơ amoniac), hàm lượng kim loại nặng (asen), hàm lượng muối.

Về độ đạm

Cụ thể, đã khảo sát 150 mẫu nước mắm thành phẩm đóng chai có hàm lượng nitơ toàn phần ghi trên nhãn từ 10g/l đến 60g/l của 88 nhãn hiệu nước mắm được mua trực tiếp tại đại lý phân phối, các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ bán lẻ và cửa hàng bán sản phẩm đặc sản.

Theo nội dung ghi trên nhãn, các mẫu này được sản xuất từ các cơ sở có địa chỉ tại 19 tỉnh/ thành phố trên cả nước và 1 mẫu nước mắm của Thái Lan.

Kết quả cho thấy, 125/150 mẫu khảo sát đều có ít nhất 1 chỉ tiêu trong 5 chỉ tiêu của nhóm hóa học được khảo sát nêu trên không đạt so với tiêu chuẩn hoặc so với công bố trên nhãn hàng hóa.

Trong đó, 51% mẫu có kết quả chỉ tiêu nitơ toàn phần nhỏ hơn những gì doanh nghiệp công bố trên nhãn hàng hóa; 20% mẫu không đạt chỉ tiêu nitơ axit amin; 2% mẫu không đạt chỉ tiêu nitơ amoniac.

Trong số 51% số mẫu nêu trên, có tới gần 15% số mẫu có độ chênh lệch so với nhãn mác trên 40%.

Về hàm lượng arsen

Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, theo quy định QCVN 8-2:2011/BYT, hàm lượng Arsen vô cơ cho phép có trong sản phẩm nước chấm tối đa là 1,0mg/l.

Kết quả thử nghiệm Arsen tổng cho thấy có đến 101/150 mẫu khảo sát (chiếm 67,33%) không đạt quy định của QCVN này. Trong đó, hàm lượng Arsen tổng của các mẫu không đạt dao động từ 1,0mg/l đến trên 5 mg/l.

Arsen tổng gồm arsen hữu cơ và arsen vô cơ. Arsen vô cơ có hại đối với cơ thể còn arsen hữu cơ thì không.

Không phát hiện arsen vô cơ nghĩa là nước mắm không độc hại với sức khỏe người tiêu dùng.

Tuy nhiên, khi thử nghiệm 20 mẫu trong số các mẫu khảo sát có Arsen tổng vượt ngưỡng quy định thì đều không phát hiện Arsen vô cơ (với giới hạn phát hiện là 0,01mg/l).

Khảo sát cũng cho thấy, các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao, tỷ lệ các mẫu có hàm lượng Arsen tổng vượt ngưỡng quy định càng tăng, cụ thể là 95,65% số mẫu khảo sát có độ đạm từ 40 độ trở lên được đánh giá có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định.

Từ những kết quả trên, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam kiến nghị các cơ quan quản lý sớm có quy định cụ thể về bản chất các loại nước mắm đang sản xuất và lưu thông trên thị trường trong nước.

Đồng thời cần tăng cường kiểm tra về chất lượng, quy trình sản xuất, nội dung ghi nhãn nước mắm và xử lý nghiêm cơ sở vi phạm nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

Mặt khác, phải có biện pháp tăng cường quản lý việc công bố thông tin trên nhãn mác sản phẩm của doanh nghiệp; minh bạch thông tin cho người tiêu dùng về bản chất của sản phẩm nước mắm.

Theo dòng sự kiện: Sau buổi công bố nêu trên, các nhà khoa học đã lên tiếng khẳng định: nước mắm trong các mẫu khảo sát vẫn là "an toàn" vì không có arsen vô cơ, còn arsen hữu cơ thì không có hại với hàm lượng như vậy.

Các bài tiếp theo của sự kiện này đã được chúng tôi đăng tải, quý vị có thể bấm vào link để đọc:

* Nhà khoa học VN ở nước ngoài: Nước mắm có arsen hữu cơ là đương nhiên, không gây độc

* "Công bố về arsen trong nước mắm là thông tin lá cải"!

* PGS về thực phẩm bức xúc vì cách công bố thông tin "nước mắm nhiễm arsen"

* Thạch tín hữu cơ Bộ Y tế không cấm, sao lại khảo sát chất này trong nước mắm gây hoang mang người dùng?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại