Việt Nam trung thành với vũ khí Nga, nhưng không chê "hàng" Mỹ!

Bình Nguyên |

TT Obama tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm, mở ra cơ hội tiếp cận vũ khí Mỹ, nhưng Việt Nam sẽ vẫn trung thành với Nga - người bạn tin cậy số 1 hiện nay.

Cửa đã mở: Vũ khí Mỹ có cơ hội

Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam vừa qua, TT Mỹ Obama đã chính thức tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương, mở ra cơ hội tiếp cận với một nguồn cung cấp vũ khí hiện đại mới với nhiều lựa chọn đáng để cân nhắc.

Như đã biết, trong hàng chục năm qua, Nga, Mỹ và một số nước châu Âu chủ chốt đã tạo thành một "thế chân vạc" huyền thoại trên thị trường vũ khí thế giới. Tùy theo túi tiền và định hướng mua sắm mà các quốc gia tha hồ lựa chọn loại "hàng nóng" phù hợp với nhu cầu của mình.

Nhưng một số quốc gia khác lại không được như vậy, họ có quá ít lựa chọn. Rất tiếc là Việt Nam lại nằm trong nằm trong số đó.

Để phòng thủ, Quân đội Việt Nam cần nhiều loại vũ khí mới, hiện đại, dù không phải với số lượng lớn mà chỉ vừa đủ để đánh bại bất cứ kẻ nào có dã tâm xâm lược nước ta.

Đầu những năm 2000, tưởng chừng Việt Nam đã cầm chắc vài chục chiếc tiêm kích đa năng Mirage-2000 hiện đại của Pháp, nhưng rồi vì những vòng kềm tỏa, cuối cùng đối tác đã khéo từ chối. Nên nhớ, cách đây hơn 10 năm, Mirage-2000 là niềm mơ ước của nhiều quốc gia, không chỉ với Việt Nam.

Nhưng với tuyên bố lịch sử vừa rồi của TT Obama, chắc chắn các tập đoàn công nghiệp quốc phòng hàng đầu của Mỹ đang mừng thầm và ráo riết mang catalogue của nhiều loại vũ khí, khí tài hiện đại đến Việt Nam chào hàng. Tất nhiên, Việt Nam đón tiếp trọng thị và sẽ có những đánh giá nhất định. Việc mua vũ khí sát thương của Mỹ chỉ là chuyện sớm hay muộn mà thôi.

Việt Nam trung thành với vũ khí Nga, nhưng không chê hàng Mỹ! - Ảnh 1.

Sát thủ săn ngầm P-3C Orion của Mỹ.

Nhưng... vũ khí Nga là số 1, Mỹ chưa xứng là số 2!

Rõ ràng, Việt Nam muốn đa dạng hóa nguồn cung vũ khí với các đối tác phương Tây khó đến nhường nào. Tuy nhiên, thật may mắn là Việt Nam vẫn có được những người bạn thật tốt, đó là Nga và một vài nước Đông Âu.

Không ràng buộc những điều kiện ngặt nghèo, bạn đã cung cấp cho ta những vũ khí rất hiện đại, thậm chí có loại Việt Nam là quốc gia đầu tiên (ngoài Nga) được trang bị, điển hình như các tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion-P dùng tên lửa chống hạm Yakhont.

Sở dĩ vũ khí Nga luôn là lựa chọn số 1 của Việt Nam vì:

Thứ nhất, quan hệ đối tác truyền thống, tin cậy được xây dựng và vun đắp liên tục trong hàng chục năm qua, từ thời chiến tranh giải phóng cho tới các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia và đến mãi sau này.

Thứ hai, vũ khí Nga tốt, bền, hoạt động ổn định, tin cậy, phù hợp với cách đánh - nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đây là yếu tố sống còn quyết định sức chiến đấu của Quân đội ta.

Hầu hết các loại vũ khí đều có ứng dụng công nghệ nhiệt đới hóa nhằm nâng cao tuổi thọ, đảm bảo độ tin cậy hoạt động trong môi trường không khí nóng, ẩm, vốn là kẻ thù lớn nhất của các loại vũ khí hiện đại, nhất là các vũ khí sử dụng nhiều thiết bị điện tử.

Chính vì thế Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga đã được thành lập và có những đóng góp quan trọng trong việc nghiên cứu ứng dụng những công nghệ mới, đáp ứng được môi trường tác chiến hiện đại, thích hợp với khí hậu Việt Nam. Từ đó, mở rộng ra các vũ khí của Nga xuất khẩu sang các quốc gia có điều kiện khí hậu tương tự.

Việt Nam trung thành với vũ khí Nga, nhưng không chê hàng Mỹ! - Ảnh 2.

Tàu hộ vệ tên lửa tàng hình Gepard-3.9 của Hải quân Việt Nam.

Thứ ba, giá cả hợp lý. So với những loại vũ khí cùng loại, có tính năng tương đương của phương Tây, hàng của Nga bán cho Việt Nam thường kèm một số ưu đãi mà ít bạn hàng nào khác có được.

Thứ tư, huấn luyện đào tạo và hậu mãi tốt. Toàn bộ các vũ khí trang bị hiện đại mà Việt Nam đặt mua đều được phía bạn Nga cung cấp dịch vụ đảm bảo kỹ thuật, sửa chữa tương đối tốt, giúp ta duy trì được hệ số kỹ thuật cao, đảm bảo sẵn sàng chiến đấu.

Tất nhiên, một yếu tố đặc biệt quan trọng là phía bạn dành cho Việt Nam những khóa đào tạo từ cơ bản cho tới nâng cao để sử dụng và phát huy hết tính năng của mọi loại vũ khí trang bị. Trong đó phải kể đến Tập đoàn Sukhoi đã cử những phi công thử nghiệm xuất sắc nhất sang huấn luyện bay đề cao cho các phi công tiêm kích Su-30MK2 của Việt Nam.

Nhờ đó, đội ngũ phi công tiêm kích hiện đại của Việt Nam ngày càng trưởng thành, nâng cao kỹ thuật lái, sẵn sàng đánh bại mọi kẻ thù dám xâm phạm vùng biển, vùng trời Việt Nam.


Việt Nam trung thành với vũ khí Nga, nhưng không chê hàng Mỹ! - Ảnh 3.

Tàu ngầm Kilo-636 cực hiện đại.

Điều quan trọng nhất để vũ khí Nga sẽ còn tiếp tục là số 1 ở Việt Nam trong ít nhất 10 năm tới do bộ đội ta vốn quen dùng, mọi chiến thuật, chiến lược sử dụng đều đã được xây dựng hoàn thiện trên cơ sở vũ khí Nga, không dễ gì một sớm một chiều có thể thay thế hay đảo ngược được.

Trong khi đó, dù cơ hội mua vũ khí Mỹ là rất lớn, nhưng tiến trình này sẽ phải mất nhiều năm, thậm chí hàng chục năm để làm quen, vận hành thuần thục, phối hợp hiệu quả giữa các loại vũ khí Nga với vũ khí Mỹ - Phương Tây. Đồng thời ta còn phải hoàn chỉnh nghệ thuật chiến tranh mới để phát huy tối đa sức mạnh của cả 2 hệ vũ khí.

Như đã biết, tới nay mới chỉ có một vài phi công Việt Nam được huấn luyện ở Mỹ, số lượng quá ít để có thể khẳng định là nếu Việt Nam mua vũ khí của nước này ta có thể nhanh chóng làm chủ để sử dụng hiệu quả.

Hơn nữa, vũ khí Mỹ rất hiện đại, có một số loại còn vượt trội cả vũ khí Nga, nhưng giá cả đắt đỏ vô cùng, mua sắm đã khó, duy trì hoạt động còn khó gấp bội, cần một lượng ngân sách khổng lồ. Trong bối cảnh điều kiện kinh tế còn khó khăn, mọi việc cần được cân nhắc rất kỹ.

Thế nên, có thể kết luận trong vòng ít nhất 10 năm tới, vũ khí Nga là nhất, Mỹ còn xếp sau rất xa, khó mà đuổi kịp Israel ở vị trí thứ 2, chứ đừng nói là vươn lên chiếm số 1. Nhưng, tin rằng một khi đã tạo được niềm tin, được nhiều động lực thúc đẩy, vũ khí Mỹ rồi sẽ có vị trí xứng đáng trong Quân đội Việt Nam.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại